Chiều cuối năm với cựu pháo thủ

Từ khi lên nhận công tác ở Đồn biên phòng Tả Gia Khâu, tôi có thói quen mỗi dịp cuối năm lại đi chúc Tết sớm các cụ phụ lão trên địa bàn. Năm nay tranh thủ những ngày nghỉ Tết Dương lịch, người tôi đến thăm đầu tiên là ông Giàng Vần Hồ, nguyên Chủ tịch xã Dìn Chin (Mường Khương, Lào Cai) đồng thời cũng là một cựu chiến binh giải phóng miền Nam năm xưa.

Từ ngày nghỉ công tác, ông nhường lại cơ ngơi cho con trai út, xin xã một mảnh đất nhỏ ven tỉnh lộ 153 để làm nhà ở. Đây là con đường dẫn sang Si Ma Cai, tuy chưa được rộng thênh thang nhưng so với ngày trước đã thuận lợi hơn nhiều.

Cựu chiến binh Giàng Vần Hồ (ngồi giữa) với cán bộ Biên phòng.


Khi tôi đến, ông đang ngồi bên bếp lửa, cái bếp của người Mông không bao giờ tắt suốt mùa đông. Biết tôi không hút thuốc lào, ông chỉ tôi ngồi xuống rồi đưa cho tôi một chén trà nóng. Năm nay ông không được khỏe, mắt đã mờ đi nhiều, căn bệnh khớp hành hạ đau nhức, đi lại khó khăn. 

Cũng phải thôi, khi con người ta đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” thì chuyện yếu đau, bệnh tật cũng là khó tránh khỏi. Chỉ thấy giọng nói của ông vẫn sang sảng, vẫn đầy chất lính. Nhìn ông, những câu chuyện về người cựu chiến binh tôi đã nghe nhiều lần lại tái hiện về.

Người pháo thủ dũng cảm

Năm hai mươi tuổi, anh thanh niên Giàng Vần Hồ sau nhiều lần xung phong nhập ngũ bị từ chối (vì có hai anh trai đang tham gia chiến trường miền Nam) đã được toại nguyện. Sau ba tháng huấn luyện, anh hành quân thẳng vào chiến trường Đường 9 - Nam Lào. Trên cương vị pháo thủ số 3, hàng ngày tham gia chiến đấu trong mưa bom bão đạn Giàng Vần Hồ được tôi luyện một ý chí thép, trơ lỳ trước tiếng rú của B52, tiếng rít của Rốc két và cái khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Chàng trai trẻ da đen sạm màu khói súng. Cái tố chất của người Mông giúp anh đứng vững: Trong khi cả tiểu đội bị sốt rét hành hạ, thì chỉ có Giàng Vần Hồ miễn nhiễm với căn bệnh quái ác của núi rừng.

Năm 1972, anh chuyển qua chiến trường Quảng Trị, chiến tranh ngày càng ác liệt. Đồng đội lần lượt hy sinh, pháo thủ số 3 Giàng Vần Hồ trở thành hạ sỹ, khẩu đội phó. Nhiệm vụ ngày càng nặng nề, những trận đánh trong thế cài răng lược, ăn ngủ luôn tại trận địa. 

Một buổi chiều mùa hè năm 1972 bên bờ sông Ba Lòng, máy bay địch phát hiện trận địa pháo của ta, chúng bắn phá dữ dội. Một quả bom rơi trúng trận địa, khẩu đội phó Hồ ngất đi, khi tỉnh lại thấy mình nằm trong một hố đất đen nhẻm, tối om. Anh bò lên trận địa, khẩu đội chỉ còn lại một mình, tất cả đã tan vào trong lòng đất. Anh bới tìm xác đồng đội trong đêm tối, rồi lại ngất... rồi lại tỉnh lần hai, thấy mình nằm trong bệnh xá của lữ đoàn, đầu quấn đầy băng. 

Mình phải gần dân, mọi công việc nên giải quyết tại thôn, có gần dân thì họ mới nói cho mình nghe, mới giải quyết được nguồn gốc của mọi vấn đề.



Cựu chiến binh 3 trong 1

Mùa xuân năm 1975, trở về quê hương Lào Cai trong niềm vui của ngày chiến thắng, đảng viên trẻ Giàng Vần Hồ được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn xã. Mải mê với công tác thanh niên, anh chưa kịp cưới vợ thì chiến tranh biên giới nổ ra, đó là những tháng ngày bận rộn, vất vả, hiểm nguy rình rập; những ngày phải căng mình cùng lãnh đạo xã chỉ huy công an, dân quân xã trực chiến, những đêm giữ chốt, những buổi băng rừng cùng Bộ đội Biên phòng truy lùng biệt kích, thám báo.

Chiến tranh đi qua, xã Lồ Sử Thàng sáp nhập vào xã Dìn Chin theo chủ trương chung của Nhà nước. Dấu ấn của cuộc sống mới từng ngày hiện lên trên những xóm thôn, những vạt nương, những cánh rừng biên giới. Cuộc sống của người dân từng bước giảm bớt khó khăn. 

Bí thư Đoàn xã Giàng Vần Hồ trở thành Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch xã, làm cán bộ vùng cao là chấp nhận những khó khăn vất vả. Ngay như việc xã Lồ Sử Thàng với người Nùng chiếm đa số khi sáp nhập với xã Dìn Chin của người Mông cũng có tâm tư này nọ, cái bụng của nhiều người còn hồ nghi. Nhưng Chủ tịch xã Giàng Vần Hồ (người Mông) với Bí thư Đảng ủy xã Lùng Tà Chéng (người Nùng) đã cho mọi người thấy tinh thần đoàn kết quan trọng và lớn lao như thế nào. Cặp bài trùng này trong mười năm làm bí thư, chủ tịch xã đã góp phần không nhỏ đem tới sự đổi thay tích cực cho diện mạo của xã Dìn Chin như ngày nay. Khi các ông đến tuổi nghỉ hưu, lãnh đạo huyện còn tiếc mãi.

Là pháo thủ thì nhiệm vụ đầu tiên là phải mở đường cho bộ binh tiến lên, là chủ tịch xã thì điều quan trọng là phải xông pha vào những việc khó, những nơi nguy hiểm. Nhớ lại thời ông còn đương chức, bãi bồi Dìn Chin dưới sông Xanh đầy rẫy mìn không ai dám đi, Chủ tịch xã đi trước. 

Trong khu vực thôn Na Cổ có mâu thuẫn, Chủ tịch xã xuống đầu tiên. Trẻ con trong xã bỏ học, Chủ tịch xã đi vận động từng nhà. Hàng tháng công việc bận rộn nhưng ông vẫn đề xuất dân quân xã bố trí cho ông ít nhất một buổi tham gia đi tuần tra biên giới với anh em Biên phòng. Có Chủ tịch xã đi cùng, anh em Biên phòng như có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Trưởng thành qua chiến tranh, khi trở thành lãnh đạo xã thì tuổi đã lớn không có điều kiện học hành nhiều nên ông luôn tận tâm tận với công việc để bù đắp những hạn chế của mình. Ông tâm sự: Cán bộ là phải làm việc thật sự, cán bộ nói được làm được thì tốt, cán bộ làm được mà không nói được tuy hạn chế nhưng cũng tốt, cán bộ nói được mà không làm được thì cũng bằng không, nguy hiểm hơn là dân không tin, ảnh hưởng đến uy tín của tập thể. 

Ông cũng căn dặn cán bộ xã và anh em Biên phòng: Mình phải gần dân, mọi công việc nên giải quyết tại thôn, có gần dân thì họ mới nói cho mình nghe, mới giải quyết được nguồn gốc của mọi vấn đề. Lời dặn của người lính già nghe sao mà thấm thía.

Đối với Bộ đội Biên phòng, trong thời kỳ nào nhiệm vụ vận động quần chúng để bảo vệ biên giới cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Bất kỳ một chiến sỹ Biên phòng nào khi đến địa bàn cũng có ba đối tượng đáng tin cậy là các già làng, các cựu chiến binh và cán bộ xã kể cả đương chức hay đã nghỉ. 

Giàng Vần Hồ là cựu chiến binh 3 trong 1, ông có cái tình cảm đồng đội của người lính, có kinh nghiệm của một cán bộ xã kỳ cựu và đặc biệt là có uy tín của một già làng từ chính tấm gương mẫu mực của mình. Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông trở thành cố vấn cho lãnh đạo xã, một chức danh không chính thức nhưng lại được anh em hết sức trân trọng. Trong xã có chuyện gì khó giải quyết, lãnh đạo xã xin ý kiến của đồng chí nguyên chủ tịch. 

Trong địa bàn có vấn đề gì khó khăn, cán bộ đồn biên phòng tìm đến “Txir”* Hồ để được giúp đỡ. Những lần như vậy tôi thấy ông rất vui, nhiệt tình chỉ bảo cho anh em từng vấn đề nhỏ. Đối với ông bây giờ có lẽ điều làm ông buồn nhất là sức khỏe không cho phép để có thể thi thoảng được đi tuần tra biên giới cùng anh em Biên phòng. Nhưng mong ông hãy yên tâm, biên giới giờ đã hòa bình hữu nghị, nhiệm vụ bảo vệ biên cương đã có đồn và xã cùng nhân dân chung tay, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngày một tốt lên.

Như con ngựa phi trên đỉnh núi
Chân người Mông không biết mỏi bao giờ!

Bất giác tôi nhớ đến hai câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng tặng bác Cư Hòa Vần, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa X mà thấy đúng với “Txir” Hồ quá! Đôi chân ấy đã đi qua chiến tranh, từ chiến trường Nam Lào đến chiến trường Quảng Trị, từ biên giới Dìn Chin đến những bản làng xa xôi. Đôi chân ấy đã đi qua những tháng năm tuổi trẻ, rồi những ngày gian khó nhất. Để rồi giờ đây tuy không còn mạnh mẽ nhưng chưa bao giờ mỏi, vẫn là chỗ dựa vững chắc cho thế hệ sau.

Đồn biên phòng Tả Gia Khâu
*“Txir” (tiếng Mông gọi là bố)

Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Mạch
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Từ một anh bộ đội cụ Hồ về quê dựng nghiệp với hai bàn tay trắng và chưa có kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất, ông Ngô Văn Cưng đã trở thành một nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của vùng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN