Chất lượng quyết định thành công

Mặc dù còn nhiều bất cập, nhưng xe buýt có thể coi là “chìa khóa” giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đô thị hiện nay. Nhận định này được nhiều chuyên gia và các địa phương đồng tình góp ý vào Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

 


Phải nâng chất lượng phục vụ mới hy vọng kéo hành khách đến với xe buýt.

Nhà nước cũng đã có kế hoạch đầu tư phát triển một số loại hình VTHKCC lớn như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt vận chuyển khối lượng lớn tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng chưa thể hiện thực hóa trong tương lai gần. Do đó, xe buýt sẽ vẫn giữ vai trò chính, nhưng phải nâng chất lượng phục vụ lên mới thu hút được người dân.

 

Rào cản


Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cả nước có 54/63 tỉnh, thành có xe buýt với trên 8.000 xe chạy trên 630 tuyến nội đô và kế cận. Riêng thành phố Hà Nội có gần 1.300 đầu xe, TP.HCM có khoảng 3.000 đầu xe. Nhiều năm qua, VTHKCC bằng xe buýt phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương... và luôn được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm ùn tắc giao thông, giữ vai trò chủ đạo phục vụ người dân đi lại tại các đô thị. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, xe buýt đã vận chuyển hàng trăm triệu lượt khách/năm.


Vai trò của xe buýt trong việc tạo bộ mặt mới văn minh cho các đô thị là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do sự quan tâm của các ban, ngành chức năng với loại hình vận tải đặc biệt quan trọng này chưa tương xứng, nên công tác quy hoạch phát triển VTHKCC nói chung và VTHKCC bằng xe buýt nói riêng chưa xứng tầm. Tính đến thời điểm này mới chỉ có Hà Nội, TP.HCM và số ít địa phương có quy hoạch và định hướng phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Việc triển khai các văn bản pháp luật cũng như các quy định của Bộ GTVT liên quan đến loại hình vận tải này chưa linh hoạt, khiến hầu hết địa phương không chủ động xây dựng cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt, nhằm làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.


Bên cạnh đó, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt do không được đầu tư đúng mức, nên ngoài Hà Nội, TP.HCM và một vài địa phương có cơ chế đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách, còn lại hầu hết các địa phương đều chưa có cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển cụ thể. Điển hình như việc đầu tư xây dựng hệ thống các điểm dừng đỗ, nhà chờ... hiện nay đều do doanh nghiệp xe buýt tự đầu tư xây dựng và cũng chỉ có Hà Nội, TP.HCM mới có ngân sách hàng năm để trợ giá cho xe buýt. Còn ở các địa phương khác, doanh nghiệp vận tải hoạt động xe buýt phải tự hạch toán kinh doanh, tự đầu tư đổi mới phương tiện, tự nâng cao chất lượng dịch vụ...


Một thực tế nữa đang là rào cản đối với phát triển mạng lưới và hoạt động của xe buýt tại các địa phương hiện nay là công suất khai thác của xe buýt đã quá tải. Do đó, rất nhiều mặt trái của loại hình vận tải này bộc lộ như: Tình trạng lái, phụ xe đánh khách, bỏ bến, dừng đỗ không đúng nơi quy định, quá tải về hành trình, dịch vụ, khí thải và vi phạm luật giao thông... Qua đánh giá của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), công suất khai thác phương tiện xe buýt Hà Nội hiện nay đã quá giới hạn nhiều lần. Nếu lấy mốc năm 2001 để so sánh, bình quân một xe buýt chỉ vận chuyển khoảng 120 lượt hành khách/ngày thì đến nay sau 10 năm, con số này là khoảng 1.200 lượt hành khách/ngày. Thêm vào đó, sức chứa bình quân của một xe buýt bình thường đạt khoảng 80%/chuyến, thì hiện nay luôn vượt mức 140%/chuyến, thậm chí nhiều tuyến quá tải tới 200%/chuyến, mặc dù hiện nay, luồng tuyến xe buýt đã tăng 2,4 lần, số phương tiện tăng 4 lần, năng lực vận chuyển tăng 30 lần. Chính vì thực trạng này nên khi đến các điểm dừng, đỗ, lái, phụ xe thường có tâm lý ngại mở cửa, bỏ bến và dừng, đỗ không đúng nơi quy định. Thêm vào đó là nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm chưa giảm, thái độ phục vụ kém của một số lái và phụ xe đang gây bức xúc trong dư luận...

 

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xe buýt


Trước những rào cản nêu trên, từng bước tháo gỡ những khó khăn để phát triển VTHKCC bằng xe buýt theo đề án của Bộ GTVT, phân tích của Vụ Vận tải chỉ ra rằng, trước mắt các cơ quan liên quan cần phải làm tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt của các tỉnh, thành phố song song với việc tăng cường đầu tư phương tiện. Đối với hạ tầng hiện có, xem xét ưu tiên bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt; ứng dụng công nghệ mới để quản lý, điều hành; tăng cường trợ giá cho các tuyến buýt thiết yếu phục vụ chính cho nhu cầu giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng thu chưa đủ bù chi; đồng thời chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân đi xe buýt.


Trên thực tế, người dân ở các đô thị hiện nay đều không thiếu phương tiện đi lại. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ với các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông của Chính phủ hiện nay, nhất là hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường sử dụng xe buýt thì theo các chuyên gia, VTHKCC bằng xe buýt phải đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ theo nguyên tắc “cung cấp dẫn đầu”. Cùng với đó, việc có một chính sách nhất quán về trợ giá lâu dài cho người đi xe buýt chắc chắn sẽ là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xe buýt.


Tại cuộc họp triển khai Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 của Bộ GTVT, trao đổi về các giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định: Muốn loại hình VTHKCC bằng xe buýt hoạt động thành công thì phải đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho xe buýt để doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ gánh nặng với Nhà nước về mặt tài chính và nhân lực. Xã hội hóa xe buýt sẽ tạo nên môi trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, khi đó, các doanh nghiệp buộc phải chú ý đến chất lượng phục vụ để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Cũng từ đây, số người dùng xe buýt tăng lên sẽ trực tiếp làm giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân trên đường, qua đó giảm nạn ùn tắc giao thông... Ngoài ra, các doanh nghiệp xe buýt cần phải quan tâm hơn đến việc tự động hóa trong quản lý hoạt động, tổ chức bán vé, hạn chế sự tham gia của con người; sẵn sàng, chủ động kết nối với các loại hình phương tiện VTHKCC khác hiệu quả; đồng thời lắp đặt và khai thác tốt thiết bị giám sát hành trình, đổi mới phương tiện buýt theo hướng thân thiện môi trường.


Theo đó, để có thể triển khai tốt Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Sở GTVT các địa phương tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó tập trung thực hiện chính sách trợ giá theo điều kiện của từng địa phương theo hướng minh bạch; ưu tiên dành quỹ đất cho quy hoạch phát triển giao thông song song với các quy hoạch sử dụng đất khác tương ứng chiếm khoảng 20 - 26%...


Riêng đối với hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, để VTHKCC bằng xe buýt phát triển bền vững, ngành giao thông cần sớm xây dựng chính sách tiếp tục trợ giá cho hành khách để thu hút người dân tham gia, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển xe buýt, trong đó chú trọng miễn thuế nhập khẩu cho các xe buýt của các dự án, phương án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu phương tiện, thiết bị với xe buýt, ưu tiên xe buýt sử dụng công nghệ sạch và xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN