Chăn nuôi tập trung sẽ hạn chế phát tán dịch bệnh

Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh tràn lan trên gia súc, gia cầm, hơn 55.000 gia súc bị chết do rét đậm, rét hại.


Do vậy, khôi phục sản xuất, tái đàn là vấn đề rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi trong thời gian tới. Nhân Hội nghị phát triển ngành Chăn nuôi - Thú y toàn quốc năm 2011, PV báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kim Giao (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về vấn đề này.

Xin ông cho biết phương hướng phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới?

Năm 2011, vẫn ưu tiên phát triển đàn lợn, sau đó là gia cầm, bò sữa và các loại gia súc, gia cầm khác. Trong cơ cấu chăn nuôi, chúng tôi đề nghị chuyển mạnh sang nuôi gia cầm, vì tỷ lệ tiêu thụ thịt gia cầm của chúng ta hiện nay còn ít, mới chiếm 12% tổng lượng thịt tiêu thụ, trong khi đó, bình quân của thế giới là 30%. Hơn nữa, phát triển gia cầm sẽ tiêu tốn ít thức ăn hơn và ô nhiễm môi trường giảm xuống. Do vậy, chúng tôi khuyến khích tăng lượng thịt gia cầm lên 20% trong tổng số lượng thịt tiêu thụ. Lượng thịt lợn tiêu thụ hiện trên 80%, sẽ cố gắng giảm xuống dưới 70%, bò đang là 8% thì cố gắng đưa lên trên 10%.

Ngoài ra, hiện mức tiêu thụ trứng của Việt Nam còn ít so với thế giới. Mức tiêu thụ trứng bình quân trên thế giới là 140 - 150 quả/người/năm, trong khi đó ở Việt Nam mới chỉ là 67 quả/người/năm. Do vậy trong ưu tiên gia cầm cũng cần chú trọng những loại gia cầm đẻ trứng. Tiếp đến là ưu tiên cho phát triển đàn bò sữa. Hiện mức sữa tiêu thụ bình quân trên thế giới là 100 kg sữa tươi/người/năm, còn nước ta mới chỉ là 14,5 kg/người/năm, trong đó sữa tươi là 3,5 kg/người/năm. Do vậy, cần khuyến khích chăn nuôi bò sữa bằng cách tạo quỹ đất dành cho chăn nuôi.

Năm 2010, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên diễn ra khiến ngành chăn nuôi lao đao. Cục Chăn nuôi đã đưa ra giải pháp gì để hạn chế tình trạng này trong năm nay, thưa ông?

Để hạn chế việc này thì các địa phương cần chuyển nhanh sang phương thức chăn nuôi trang trại tập trung. Chăn nuôi kiểu tập trung sẽ quản lý được đầu vào, áp dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Đồng thời, giảm được ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Đối với chăn nuôi truyền thống, chúng ta chưa thể bỏ ngay được thì phải hướng dẫn cho người dân cách chăn nuôi an toàn, tức là nuôi có chuồng trại, lấy giống tại các cơ sở sản xuất giống không có dịch bệnh, mua và chế biến các loại thức ăn theo quy định, thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêm phòng. Nếu làm tốt các khâu này thì chăn nuôi sẽ phát triển và hạn chế được dịch bệnh.

Hiện, người dân đang rất quan tâm tới việc hỗ trợ những hộ gia đình có gia súc bị chết do rét, Cục đã triển khai công tác hỗ trợ các địa phương như thế nào?

Cục Chăn nuôi đã có công văn hướng dẫn các tỉnh có gia súc, gia cầm chết do rét. Việc đầu tiên là thống kê, phân loại cụ thể những gia súc, gia cầm bị chết rét, sau đó hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 102 của Chính phủ. Nếu như việc hỗ trợ vượt quá ngân sách địa phương thì thống kê, gửi văn bản lên Bộ Tài Chính xin hỗ trợ.

Về con giống để tái đàn, tỉnh phải chủ động chuẩn bị con giống, nếu không đủ con giống thì phải lên kế hoạch mua giống ở các địa phương khác nhưng khi đưa giống về phải giám sát chặt chẽ và kiểm dịch con giống được đưa về.

Hữu Vinh
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN