Chấn chỉnh ý thức lao động

Song song với chính sách hỗ trợ về vật chất cho người nghèo đi xuất khẩu lao động, thận trọng và chặt chẽ trong quá trình tìm hợp đồng, đối tác, thời gian vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã tăng cường biện pháp nâng cao thái độ, ý thức của người lao động trước khi họ đi làm việc ở nước ngoài.

Thực tế số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đều qua từng năm cho thấy Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực XKLĐ. Hiện nay, những thị trường truyền thống luôn nhận một lượng lớn lao động của ta như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất UAE… Tuy vậy, để giữ được những thị trường lớn, đòi hỏi nỗ lực cao từ phía người lao động trong việc xác định ý thức, thái độ làm việc và tuân thủ pháp luật nước đến.

Phỏng vấn, tiếp nhận hồ sơ người đi lao động ngoài nước tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN


Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 8/2011 là 6.178 người. Từ đầu năm đến hết tháng 8/2011, đã có 60.530 người đi làm việc ở nước ngoài. Đài Loan vẫn là thị trường lớn nhất, trong năm nay đã tiếp nhận 23.673 lao động Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với 14.134 lao động. Malaixia vẫn là thị trường lớn, đứng thứ ba với 6.664 lao động. Nhật Bản 4.170 lao động…

Một thực tế được các cơ quan quản lý công nhận là thời gian qua, bên cạnh những địa phương tích cực, linh hoạt thực hiện chương trình đẩy mạnh XKLĐ để giảm nghèo thì vẫn còn những địa phương chưa chủ động trong công tác tuyên truyền. Vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết có nhiều trường hợp lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng làm việc đã trốn ở lại Hàn Quốc, thậm chí có người còn tìm cách trốn khi vừa đặt chân xuống sân bay. Theo tìm hiểu của các cơ quan quản lý, nguyên nhân số lao động này trốn ở lại vì họ tiếc thu nhập trên 1.000 USD/tháng được trả, cao hơn ở nhà. Người lao động mong muốn có thêm nhiều tiền để gửi về nước cho người thân trả nợ, để cuộc sống khá giả hơn là nguyện vọng chính đáng, nhưng việc trốn ở lại nước sở tại làm việc là vi phạm pháp luật sẽ đem lại những rủi ro khó lường cho họ trong suốt thời gian cư trú và làm việc về sau.

Để giúp người lao động tuân thủ luật pháp tốt hơn, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức triển khai nhiều cuộc khảo sát thực tế, tìm hiểu tâm tư của gia đình của người đi XKLĐ. Từ đó, những cuộc tọa đàm đã được tổ chức để thông tin cho những gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài hiểu rõ những rủi ro mà con cái, người nhà của họ có thể phải đối mặt nếu bỏ trốn ở lại nước sở tại. Sau khi được thông tin, những gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc và sắp hết hạn hợp đồng hứa sẽ động viên con em mình về nước đúng hạn. Nhiều thanh niên đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền xã để ký bản cam kết về nước đúng thời hạn nếu được đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo Đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc do Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với một số cơ quan xây dựng, thời gian tới, việc bồi dưỡng kiến thức cho lao động trước khi đi sẽ được tăng cường. Trong đó, đặc biệt giúp nâng cao nhận thức của người lao động về trách nhiệm phải về nước đúng hạn. Từ đó, để người lao động rõ hơn các chính sách họ sẽ được hưởng nếu về nước đúng hạn, gồm có: Nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm… và quan trọng nhất là được tiếp tục nộp hồ sơ đi XKLĐ. Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, nếu địa phương nào có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao thì sẽ hạn chế tuyển chọn người đi XKLĐ.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN