Cầu vượt góp phần giảm ùn tắc giao thông

Việc xây dựng các cầu vượt nhẹ kết cấu thép tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đây là cách làm hiệu quả của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh hạ tầng chưa theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện hiện nay.


Giảm ùn tắc tại các nút giao thông


Việc đưa vào sử dụng 6 cầu vượt nội đô tại Hà Nội trong thời gian qua, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đã góp phần giảm ùn tắc giờ cao điểm tại các “điểm đen” giao thông, tạo bộ mặt thông thoáng cho Thủ đô.
Đầu năm 2012, sau hàng loạt các giải pháp chống ùn tắc giao thông như: Đổi giờ làm, giờ học; phân làn phương tiện; cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố chính... nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa biến chuyển, Hà Nội đã đưa ra kế hoạch xây dựng một số cầu vượt nhẹ kết cấu thép. Những cầu vượt này có thể tháo dỡ được nếu không hiệu quả.


 

Cầu vượt nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Bạch Mai - Phố Huế vừa thông xe ngày 30/8. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

 

Cuối tháng 4/2012, sau 3 tháng thi công, 2 cầu vượt nhẹ đầu tiên tại các nút giao: Chùa Bộc - Thái Hà - Sơn Tây và Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng được thông xe. Sau khi 2 cầu vượt này đi vào hoạt động đã góp phần hiệu quả giúp giảm ùn tắc đáng kể tại các nút giao này. Nhận thấy tác dụng của các cầu vượt nhẹ này, Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục xây dựng cầu vượt tại các nút giao: Láng - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà - Láng Hạ và Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài...


Mới đây nhất, cầu vượt thứ 6 của Thủ đô đã thông xe tại nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Bạch Mai - Phố Huế, đảm bảo khai thác cho cả xe buýt. Nút giao này là nơi giao cắt trực tiếp của những tuyến phố có lưu lượng xe lớn trước đây, nhưng hiện đã thực sự thông thoáng. Tới đây, đúng ngày giải phóng Thủ đô 10/10, cầu vượt thứ 7 tại nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh sẽ được hoàn thành để tiếp tục giải quyết bài toán giao thông của Hà Nội.


Theo Trung tá Nguyễn Khắc Chung (Đội CSGT số 3), chốt trực điều tiết giao thông tại cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà, với việc đưa các cầu vượt vào hoạt động, xung đột giao thông giữa các loại phương tiện giảm, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đỡ vất vả hơn trước.


Tại TP Hồ Chí Minh, theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, những cầu vượt thép được khánh thành đưa vào sử dụng trong thời gian qua trên địa bàn cũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trước đây nay đã được giải quyết thông thoáng.


Theo đó, TP Hồ Chí Minh hiện đã có 5 cầu vượt bằng thép đều thuộc các dự án cấp bách nhằm giảm ùn tắc cho các khu vực thường bị kẹt xe trong giờ cao điểm. Mới đây nhất, ngày 27/8 vừa qua, hai cầu vượt tại nút giao Nguyễn Tri Phương - 3 tháng 2 - Lý Thái Tổ (quận 10) và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, giải tỏa nạn ùn tắc giao thông thường xuyên tại các giao lộ này.

Trước đó, đã có 3 cây cầu khác được đưa vào sử dụng nhằm giảm tải lưu thông cho khu vực cửa ngõ phía đông và phía tây bắc của thành phố là cầu vượt ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức - khánh thành ngày 27/1/2013), ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh - khánh thành ngày 27/1/2013) và vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình - khánh thành ngày 27/4).


Hiện cây cầu vượt thứ 6 cũng sắp sửa hoàn tất và đưa vào sử dụng, giải quyết được nút thắt tại cửa ngõ phía tây thành phố là cầu vượt tại bùng binh Cây Gõ (quận 6). Cầu vượt này có dạng hình chữ Y với tổng mức đầu tư hơn 456 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khánh thành vào cuối tháng 9 này.


Việc đưa vào vận hành các cầu vượt hiện đã góp phần giảm được từ 124 điểm có nguy cơ ùn tắc trước đây xuống còn 57 điểm.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng

Anh Hoàng Minh Thái ở phường Tân Hưng Thuận (quận 12) cho biết, nỗi khổ nhất của anh trước đây là mỗi ngày phải hai lần đi qua ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và vòng xoay Lăng Cha Cả. “Muốn qua những điểm này, phải nhích từng bước một. Buổi sáng còn đỡ, chứ giờ tan tầm buổi chiều thì nhiều hôm phải mất hơn một giờ để đi qua đoạn đường chưa đến 2 km này. Từ ngày có 2 cây cầu vượt này, thời gian đến cơ quan của tôi được rút ngắn hơn 15 phút”, anh Thái cho biết.


Chú ý đến cảnh quan đô thị


Theo nhận định của các chuyên gia giao thông, trong giai đoạn hiện nay, các cầu vượt đã phát huy hiệu quả đối với giao thông nội đô. Ở tất cả các nút giao được xây dựng cầu vượt nhẹ, ùn tắc đã giảm thiểu, giao thông thông thoáng hơn.


Mặc dù vậy, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, các cầu vượt kết cấu thép hiện chưa “hòa nhập” với không gian cảnh quan xung quanh, nhất là trong bối cảnh đường phố nội đô hẹp, các công trình kiến trúc hai bên đường phần lớn thấp tầng, diện tích nhỏ, thiếu không gian cách ly. Chưa kể đến kiến trúc cầu vượt trong đô thị mới chỉ thuần túy giải quyết bài toán giao thông, nên đã vô tình biến không gian đường phố trở nên bị dồn ép, gây cảm giác chật chội...


Các chuyên gia đề xuất, khi thực hiện thiết kế giao thông đô thị, trong đó có xây dựng cầu vượt vẫn cần quan tâm đến việc kết nối trong không gian công cộng giữa công trình giao thông với cây xanh và các công trình xây dựng khác hai bên đường.

 

Tiến Hiếu - M.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN