Cầu treo hết 'đát' vẫn oằn mình phục vụ

Sự cố sập cầu treo đáng tiếc tại bản Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu) vào ngày 24/2 gây hậu quả nghiêm trọng đã gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng và địa phương trong việc quản lý, đầu tư, xây dựng cầu treo dân sinh trong cả nước, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.


Hư hỏng theo thời gian


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Phó Chủ tịch UBND huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) Lương Quý Hội cho biết: Cầu treo bản Lát (xã Tam Chung) bắc qua sông Mã, nối tuyến đường độc đạo từ thị trấn Mường Lát tới hai xã Tam Chung, Mường Lý sau 5 năm sử dụng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dây cáp và hệ thống căng cáp bằng sắt của cầu đã bị hoen rỉ nặng. Hầu hết ván gỗ lát mặt cầu đều bị hư hỏng, mục rỗng, tạo ra các lỗ hổng lớn trên mặt cầu.

 

Cầu treo Tiến Nhất, xã Thượng Hóa, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã hết hạn sử dụng. Ảnh: Văn Thanh-CTV

 

Theo người dân địa phương, những lỗ hổng này đang là những cái bẫy nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Nhiều người qua cầu vào buổi tối đã bị ngã xuống các lỗ hổng. Tuy bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng mỗi ngày cầu treo bản Lát vẫn phải phục vụ hàng nghìn lượt người, phương tiện qua cầu. Trong khi đó, nhiều bà con khi được hỏi đều không hiểu quy trình vận hành cầu treo và cũng không biết tải trọng cầu cho phép mặc dù có thông tin ghi trên bảng chỉ dẫn trước cầu...


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, cầu treo của nhiều địa phương là hệ thống giao thông duy nhất kết nối các bản làng, đưa các em học sinh đến trường học và đưa đồng bào tới các phiên chợ tại các thị trấn, thị xã để mua bán nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống.


Tuy nhiên, nhiều cầu treo được xây từ 10 - 20 năm trước, hệ thống cáp treo, mặt cầu kết cấu thép đã bị rỉ sét, đứt sợi lõi... xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Chưa hết, biển báo hiệu gắn trước các cầu treo đã bị thời gian “bào mòn”... lại chưa được thay thế kịp thời.


Thực tế này cho thấy, việc đảm bảo an toàn đi lại bằng cầu treo cần được quan tâm đặc biệt.


Biển báo “ba nhất”


Trước tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải yêu cầu các địa phương và Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại thiết kế, công nghệ, kiểm định chất lượng các cầu treo để có phương án khai thác phù hợp; lắp đặt bổ sung kịp thời biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn sử dụng chi tiết nhất, dễ hiểu nhất, dễ nhận thấy nhất. Đặc biệt, tại những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc, biển báo hiệu cầu treo phải có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành đề nghị rà soát và thực hiện nghiêm túc trong công tác thẩm tra, thiết kế, kiểm tra hệ thống cầu treo nông thôn trên phạm vi toàn quốc trong quá trình thi công xây dựng và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng.

Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra, rà soát hồ sơ khảo sát thiết kế về việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng và đảm bảo an toàn chịu lực; tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ việc lập quy trình bảo trì công trình và tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định của Nghị định 114/2010/NĐ - CP ngày 6/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng, các thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT.

Uyên Hương


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho biết: Cầu treo có tải trọng lớn, phải sử dụng bu lông cường lực cao mới đủ lực neo cáp. Vị trí ốc neo cáp này nếu không đồng bộ với lực căng của cáp treo khi thiết kế xây dựng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cầu. Đó là chưa tính đến thời gian sử dụng, điều kiện thời tiết tác động, gây rỉ sét, mất độ neo bám. Do đó, các đơn vị chức năng cần thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra các vị trí neo cáp, giữ cáp.


Nhiều chuyên gia cầu đường nhận định, cầu treo sập do quá tải rất khó xảy ra. Theo nguyên tắc thiết kế, khả năng chịu tải của cầu treo có thể chịu tải gấp 3 lần tải trọng cho phép. Cầu treo có tải trọng thiết kế là 1,5 tấn thì có thể chịu tải được 4,5 tấn. Do đó, việc lắp đặt đồng bộ hệ thống neo và cáp treo khi thi công, cộng với cảnh báo chi tiết có vai trò quan trọng đảm bảo mức độ an toàn sử dụng sau này.


Còn ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng: Cả nước hiện có hàng ngàn cầu dân sinh, việc kiện toàn hệ thống biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn sử dụng “ba nhất” cho nhân dân là vấn đề cấp bách, thậm chí cần lắp thiết bị cảnh báo tải trọng tại các cầu treo.


Bộ GTVT đang xây dựng đề án xây dựng hơn 1.000 cầu giao thông nông thôn trên cả nước, trong đó có khoảng 200 cầu treo. Do đó, việc đảm bảo điều kiện an toàn cho nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo Công ty Minh Giang (Hải Phòng), chuyên xây dựng, cung cấp cáp thép, cho biết: Trước khi xây dựng cầu treo, các đơn vị phải khảo sát mật độ dân cư, phương tiện đi lại trong vùng để tính toán tải trọng cầu, khổ rộng mặt cầu, độ võng, độ rung lắc và độ chống chọi với gió các cấp. Một cầu treo gồm cáp thép treo, thanh treo mặt sàn, hai trụ cổng tháp đỡ cáp, hệ thống hố neo giữ cáp hai bên bờ, hệ thống đỡ mặt sàn cầu và hệ cáp chống văng. Cầu treo sẽ không đảm bảo an toàn tuyệt đối, nếu việc thiết kế không lưu ý đến hệ số an toàn khi sử dụng hoặc khi căng cáp không đảm bảo độ căng đồng đều của các sợi cáp.


Tiến Hiếu

Chuyện buồn sau vụ sập cầu treo tại Lai Châu
Chuyện buồn sau vụ sập cầu treo tại Lai Châu

Hiện trường vụ sập cầu treo nghiêm trọng tại tỉnh Lai Châu, đã được thu dọn. Hai bờ suối quanh khu vực, những cánh hoa tang, những chiếc dép tổ ong vẫn ngổn ngang. Không khí tang thương đang bao trùm người dân hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN