Cắt bỏ “khối u” phong bì trong cơ sở y tế - Tập trung cho y tế dự phòng: Kế sâu rễ, bền gốc

5 bệnh viện lớn tại Hà Nội (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương) vừa ký cam kết với Bộ Y tế về việc triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, trong đó có tiêu chí cán bộ y tế nói không với phong bì. Vậy cần làm gì để cuộc vận động này không như “ném đá ao bèo”?

Tại một phòng khám của Bệnh viện K vào lúc 15 giờ 30, vẫn đông nghịt bệnh nhân chờ đợi đến lượt khám, hàng trăm kết quả xét nghiệm lâm sàng vẫn đang được các nhân viên y tế hoàn tất thủ tục để phục vụ người bệnh... Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Quá tải là một trong những nguyên nhân khiến càng ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì y đức của cán bộ y tế càng giảm, “bệnh” nhận phong bì càng trầm kha. Bởi vậy, chỉ khi ngành y tế làm tốt công tác y tế dự phòng, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả thì “bệnh” nhận phong bì mới mong được điều trị tận gốc.

“Bệnh viện quá tải là do công tác y tế dự phòng (YTDP) còn yếu”, ông Quách Đình Thông, nguyên Giám đốc Sở y tế Hòa Bình, khẳng định.

Trên thực tế, chỉ những BV tuyến tỉnh, tuyến TƯ mới có khả năng trang bị máy móc hiện đại và thu hút cán bộ giỏi. Do đó, rất khó tránh khỏi tình trạng người dân vượt tuyến, tìm đến cơ sở y tế hiện đại, nguồn nhân lực cao hơn. Tình trạng quá tải, mất cân đối giữa “cung” và “cầu” diễn ra, người bệnh và gia đình họ buộc lòng phải “ganh đua”, đưa phong bì cho cán bộ y tế những mong được chăm sóc tốt, không phải nằm ghép hoặc được mổ sớm hơn...
“Vì vậy mới nói, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, YTDP đi trước một bước chính là phương án dành cho một nước đang phát triển như Việt Nam”, TS Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhấn mạnh.

Theo TS Trần Tuấn, bên cạnh việc triển khai các loại vắcxin phòng bệnh thì công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cần hướng vào từng vấn đề cụ thể như: Dự phòng bằng các biện pháp không dùng thuốc thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thở thiền thư giãn chữa bệnh hay các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày...”.

“Nhưng trước hết, ngành y tế cần có chế độ đặc biệt để thu hút cán bộ hoạt động trong lĩnh vực YTDP. Cần có cơ chế để cán bộ YTDP có thể sống bằng chính công việc của mình. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền để mọi người dân đều ý thức được tầm quan trọng của YTDP, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, khẳng định.

Hiện nay, nhiều cán bộ quản lý còn nhận thức sai lệch về vai trò của YTDP. Trong một lần thảo luận giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về vấn đề tập trung kinh phí cho điều trị, cho các BV nhiều, còn cho YTDP thì quá ít, một cán bộ phụ trách ngành y tế của Bộ Tài chính thậm chí còn nêu quan điểm: “Việc đầu tư cho bệnh viện nhiều hơn cần thiết, chúng ta phải đầu tư khi nào hết bệnh thì mới đầu tư cho YTDP”.

Với những cách nghĩ lệch lạc như thế, ắt hẳn khó tránh khỏi những hành động và quyết định thiếu chính xác trong việc đầu tư cho công tác YTDP. Và nếu tình trạng này cứ kéo dài thì ngành y tế sẽ luôn ở trong vòng luẩn quẩn của sự mất cân đối giữa “cung” và “cầu”. Khiến vấn đề quá tải và “khối u” phong bì khó có cơ may tìm được liệu pháp “xạ trị” hữu hiệu.

Phương Liên

“Chúng ta còn ít quan tâm đến giáo dục y đức...”
“Chúng ta còn ít quan tâm đến giáo dục y đức...”

Lơi là công tác giáo dục y đức là một trong những nguyên nhân khiến “bệnh” nhận phong bì của nhân viên y tế ngày càng trầm trọng. GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức về những giải pháp cho vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN