Cấp bách bảo tồn đa dạng sinh học

Việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức đòi hỏi phải tăng cường nguồn lực và liên kết để bảo tồn ĐDSH cho phát triển bền vững đất nước.

Ngày càng suy giảm

Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới về tính ĐDSH. Trong đó, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam. Hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch các ngành sinh học Việt Nam cho biết, ước tính hàng năm ĐDSH đem lại cho đất nước khoảng 2 tỷ USD từ việc khai thác các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Nhiều nơi, nhất là miền núi nguồn lương thực, thực phẩm, một phần nguồn thuốc chữa bệnh và mọi thu nhập chủ yếu đều dựa vào khai thác ĐDSH.

Gỗ nghiến bị cưa hạ ở Khu bảo tồn Kim Hỷ (Na Rữ, Bắc Kạn). Ảnh: Nguyễn Trình - TTXVN


Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay hơn 300 loài động vật, 350 loài thực vật bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng. Cục Bảo vệ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê trong 10 năm (1996 - 2006), những loài động thực vật bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam đã tăng đến mức báo động, từ 709 đến 857 loài.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm ĐDSH như hiện nay là do việc tăng dân số nhanh, ô nhiễm môi trường, phá rừng, việc khai thác hải sản quá mức, áp dụng rộng rãi giống mới trong nông nghiệp mà chưa có sự kiểm định kỹ càng... đã dẫn đến 28% loài thú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Bên cạnh đó, nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã gia tăng đã khiến nhiều loài quý hiếm đang phải đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Theo kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến nay, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, vi phạm về quản lý động vật hoang dã là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể động vật hoang dã, đặc biệt 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Việc tiêu thụ trái phép động vật hoang dã không chỉ tàn sát quần thể loài động vật trong tự nhiên mà còn phá hủy hệ sinh thái, làm suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tạo cơ chế liên kết

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam chưa đạt hiệu quả một phần lớn là do chưa có sự liên kết giữa các đơn vị quản lý, vẫn có sự chồng chéo trong các quy định. TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá, chúng ta đã có đầy đủ căn cứ pháp lý như Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Thủy sản; Luật Đa dạng sinh học... Tuy nhiên, vẫn còn thiếu tính liên kết giữa các đơn vị liên quan, nhiều khi bị chồng chéo trong quản lý.

“ĐDSH là một tổng thể không thể tách rời nên dù được phân thành các ngành khác nhau như nông nghiệp, thuỷ sản, môi trường để quản lý nhưng không có nghĩa là từng ngành, từng bộ chỉ cát cứ trong khuôn khổ được phân công nhưng thực tế hiện nay đang quản lý như vậy”, TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết.

Một số chuyên gia đề xuất, việc phân cấp phân quyền bảo tồn ĐDSH như hiện nay đã đến lúc cần thay đổi, nên có sự tập trung hóa. Hiện có 6 vườn quốc gia thuộc quản lý của Trung ương, còn hơn 200 các khu bảo tồn thuộc quản lý của địa phương mà các địa phương thường chưa có chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn này, chủ yếu ưu tiên cho việc phát triển thủy điện...

“Một số địa phương nghèo mà gánh nhiều khu bảo tồn thì họ sẽ không đủ kinh phí, trình độ quản lý sẽ gây nhiều hệ lụy. Ví dụ như Hà Giang là địa phương nghèo với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số lại có đến 7 khu bảo tồn thì đây là thách thức về chính sách cũng như nguồn vốn đối với địa phương. Vì vậy, chúng ta có nên xem xét liên kết, phân cấp để cơ quan trung ương sẽ đứng ra quản lý hệ thống 200 khu bảo tồn đó”, ông Trịnh Lê Nguyên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất.

Sự nghiệp bảo tồn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tài chính và trình độ dân trí quốc gia, vì vậy, theo nhiều ý kiến chuyên gia, cần đề ra những hoạt động liên kết cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao vai trò cộng đồng trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đặc biệt trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp bảo tồn ĐDSH, trong đó nhấn mạnh đến việc quản lý rừng cộng đồng với sự tham gia của người dân. Tổng cục Môi trường và Tổng cục Lâm nghiệp cần thống nhất một kế hoạch hành động có sự tham gia của cộng đồng nhằm khắc phục các trở ngại hiện nay”, TS Nguyễn Ngọc Sinh nhấn mạnh.


Thu Trang
Bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc
Bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc được các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN