“Cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Bước đột phá trong nông nghiệp - Bài cuối: Để không chỉ mang tính phong trào

“Trong nhiều năm qua, người nông dân trồng lúa lo lắng nhất là đầu ra, làm sao sản xuất với chi phí thấp mà bán được giá để thu về mức lợi nhuận cao nhất. Phía doanh nghiệp muốn có nguồn cung ổn định với sản lượng lúa lớn, chất lượng đồng đều để kinh doanh hiệu quả hơn. Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ra đời sẽ giải quyết được vấn đề trên”, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Bùi Bá Bổng đánh giá.

Nhiều ưu điểm

Thực tế trong sản xuất nông nghiệp, nhất là mặt hàng lúa gạo ở Việt Nam nói chung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, từ lâu tồn tại tình trạng mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp chỉ lo thu mua lúa gạo để kinh doanh, xuất khẩu; nhà nông tự thân vận động theo kinh nghiệm; nhà khoa học, nhà quản lý khuyến cáo chung chung. “Sự xuất hiện của CĐML đã giải quyết rốt ráo bài toán trên, trong đó đặc biệt vật tư nông nghiệp cung cấp cho nhà nông sẽ không còn bị xé lẻ qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối, làm đội giá thành”, ông Đỗ Vũ Hùng – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, khẳng định.

Nhà máy xay xát lúa gạo của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang.


Khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện nay là thời điểm chín muồi để phát triển mô hình CĐML. Tại các tỉnh khu vực ĐBSCL đã hình thành những điều kiện để xây dựng những CĐML, như: Gieo sạ đồng loạt né rầy; thực hiện gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; doanh nghiệp đầu tư những kho lưu trữ, cụm xay xát, chế biến lúa gạo ngay tại vùng nguyên liệu… Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, mô hình này còn có ý nghĩa xã hội, mang tính nhân văn cao khi không ép người nông dân phải rời khỏi mảnh ruộng nhà mình để trở thành người làm thuê, cấy mướn và việc tạo dựng nên CĐML nhưng không dẫn đến tích tụ đất đai. “Nhà nông làm chủ thật sự trên mảnh ruộng của mình và hoàn toàn bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quy trình sản xuất, cũng như biết rõ lợi nhuận sau mỗi vụ gieo trồng”.

Có cái nhìn trực diện về CĐML, ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng mô hình CĐML là bước đột phá của ngành nông nghiệp khi nhà nông được áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến làm gia tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, tăng thu. Thực hiện sản xuất lúa theo mô hình CĐML là quy trình khép kín sản xuất với sự liên kết của 4 nhà. Trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương, sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ tham gia thực hiện cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Từ việc vận động nhà nông liên kết tạo ra các cánh đồng rộng lớn, việc đầu tư khoa học, kỹ thuật, thủy lợi nội đồng, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa, khâu vận chuyển, chế biến… được thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ được thay đổi hài hòa hơn chứ không “đối đầu” như trước.

Cần sự tiếp sức

Theo Cục Trồng trọt, việc phát triển CĐML cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công mô hình. Thực tế, hiện việc triển khai mô hình ở các địa phương đều cần có sự tổ chức thu mua của các doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo. Nếu các doanh nghiệp thu mua vì lý do nào đó không tham gia, công tác triển khai mô hình ngay lập tức sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự thỏa thuận giữa các bên cần rõ ràng về cơ cấu giống và những tiêu chí thu mua, trong đó nên dựa vào chất lượng lúa cũng như sự minh bạch về độ ẩm, tạp chất, tránh những hiện tượng làm phức tạp thêm về mặt tiêu chí sau này.

“Bài học thành công của An Giang là sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, cụ thể là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang. Nếu không có sự sát cánh, chung lưng và tiềm lực về vốn, kinh nghiệm làm ăn của đơn vị, CĐML trên địa bàn tỉnh sẽ khó thành công như ý. Theo ý kiến chủ quan của tôi, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có 123 doanh nghiệp thu mua lúa, gạo, nếu tất cả quyết tâm cùng xây dựng cho mình một vùng nguyên liệu từ một ngàn đến vài ngàn ha, thì vùng nguyên liệu ổn định từ 200.000 - 500.000 ha trên phạm vi cả nước là điều nằm trong tầm tay. Ở một góc độ khác, cũng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như việc quy hoạch những CĐML, cấp quota xuất khẩu gạo tương ứng với diện tích đất lúa mà doanh nghiệp đứng ra bao tiêu cho nông dân”, ông Hùng đề xuất.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng chuyển sang sản xuất lớn nhằm tiếp tục duy trì vị thế của một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh đó, nhu cầu nông dân phải liên kết lại, góp đất với những hộ kế bên hình thành cánh đồng lớn hàng ngàn ha là bức thiết. Muốn làm được mô hình này thì chính ngành nông nghiệp các địa phương phải đi đầu, đứng ra quy hoạch, vận động nhân dân và hình thành bộ máy quản lý phù hợp. Việc duy trì sản xuất nhỏ là tự làm khó mình và chỉ khi có cánh đồng lớn thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư. Các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến các tỉnh phải quan tâm, quyết liệt phối hợp thực hiện theo đúng cam kết với nhà nông. Riêng phía doanh nghiệp ký kết làm mô hình phải tiến tới xây dựng những dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho nông dân theo hướng sản xuất đồng loạt từ làm đất, giống, vật tư nông nghiệp đến thu hoạch, bảo quản, tồn trữ.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN