Cảnh báo chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ em

Liên tiếp các thông tin về những sự việc trẻ em bị bạo hành mà mới nhất là vụ một em nhỏ ở Bình Dương bị bảo mẫu hành hạ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Mặt khác, sự lên tiếng của dư luận cho thấy, nếu cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan quản lý nhà nước thì trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn.

“Nghèo” dịch vụ, hạn
chế kỹ năng

Tại cuộc hội thảo về tăng cường vai trò của tổ chức xã hội trong hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng diễn ra hôm qua (25/11) tại Hà Nội, bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTE) cho rằng, dịch vụ bảo vệ trẻ em đáng lẽ cần phải phong phú thì ở nước ta còn nghèo. Kỹ năng chăm sóc trẻ ở các cơ sở mầm non, nhà trẻ tư còn hạn chế, một số cơ sở chỉ mới đáp ứng ở mức độ “giữ trẻ”. Những điểm "giữ trẻ" này vẫn tồn tại vì những bậc cha mẹ có thu nhập thấp, không có đủ khả năng gửi con ở những trường chất lượng cao.

Gia đình bé Ngân chưa biết gửi con chỗ nào. Ảnh: Dương chí tưởng - TTXVN

Theo bà Thanh, chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ em ở những cơ sở giữ trẻ tư nhân chưa tốt, một phần là do phương pháp giáo dục thiếu tôn trọng trẻ em của những người được gọi là bảo mẫu. Họ cho rằng đã là người lớn là có quyền đánh trẻ con. Quan niệm “Thương cho roi cho vọt” là một quan niệm sai, cần phải sửa.

Đại diện của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Cấu trúc hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa chặt chẽ và thiếu tính đồng bộ. Cấu trúc này chưa được điều phối thống nhất dẫn đến việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và chưa liên tục, nhất là các dịch vụ phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm để loại bỏ hoặc giảm thiểu các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em.

Trong một hội thảo về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em tổ chức hồi tháng 9/2010, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, trong số 9 mục tiêu về bảo vệ trẻ em thì có tới 5 mục tiêu chưa đạt được. Để việc bảo vệ trẻ tốt hơn, Hội BVQTE khuyến nghị cần có chính sách đối với việc xây dựng hệ thống nhà trẻ mẫu giáo cho thích hợp với các đối tượng lao động. Trong đó, việc cấp bách là chú ý đến nhà trẻ cho các đối tượng công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài, khu công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, “ngành giáo dục cần nghiên cứu để đầu tư vào đào tạo chuyên môn cho những người giữ trẻ để họ có hiểu biết về chuyên môn, trách nhiệm chăm sóc trẻ. Ngành lao động cũng cần tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để giám sát các cơ sở giữ trẻ hiện nay”.

Cần cộng đồng lên tiếng

Từ vụ việc trẻ em ở Đồng Nai bị đánh đập gây nhiều thương tích, đến vụ việc mới đây, một em bé 3 tuổi bị bảo mẫu hành hạ (Tin Tức đã đưa tin trong số báo hôm qua) cho thấy, vấn đề xâm hại trẻ em đang diễn tiến một cách đáng báo động.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nhiều sự việc bạo hành trẻ em được phát hiện là điều đáng lo ngại nhưng ở một khía cạnh khác, điều này cũng cho thấy nhận thức xã hội về quyền trẻ em đã được nâng cao. Theo ông Nguyễn Khánh Hội, cán bộ quản lý của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, trước đây, việc đánh trẻ từng xảy ra. Nhưng hiện nay, trình độ xã hội phát triển, nhận thức cộng đồng đã cao hơn, họ nhận ra đây là vấn đề không được phép. Sự lên tiếng của cộng đồng là điều đáng mừng.

“Nếu cộng đồng không nhận thức được đó là vấn đề xâm hại trẻ em thì họ sẽ làm ngơ, vô cảm trước những vụ việc bạo hành trẻ. Clip bạo hành trẻ ở Bình Dương do một thành viên của cộng đồng phát hiện và nêu lên. Điều đó cho thấy, việc phát hiện, tham gia của cộng đồng cực kỳ quan trọng. Nếu cộng đồng gánh vác trách nhiệm cùng với cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì trẻ sẽ được bảo vệ tốt hơn”, ông Hội tin tưởng.

Mạnh Minh

Phẫn nộ trước hành vi hành hạ bé gái 3 tuổi… của một bảo mẫu
Phẫn nộ trước hành vi hành hạ bé gái 3 tuổi… của một bảo mẫu

Sau khi clip về việc một bé gái bị bảo mẫu hành hạ dã man do một công nhân quay được tung lên mạng, trưa 24/11, Công an xã Thuận Giao, huyện Thuận An, Bình Dương nhanh chóng vào cuộc xác minh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN