Cần xem xét lại con số giải quyết 1,6 triệu việc làm

Trong báo cáo của Chính phủ có nêu giải quyết được 1,6 triệu việc làm, đạt 88% kế hoạch. Xung quanh con số này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức:


Ông đánh giá thế nào về con số giải quyết 1,6 triệu việc làm vừa được báo cáo trước Quốc hội, thưa ông?


Con số 1,6 triệu việc làm được giải quyết xuất phát từ mục tiêu của Nghị quyết đại hội và mục tiêu của Chính phủ là phải giải quyết được 1,6 triệu lao động để xử lý vấn đề lao động hàng năm tăng thêm và lao động mất việc làm phải bổ sung vào đối tượng lao động mất việc làm. Nhưng thực chất của con số này đúng hay sai là bài toán cần phải được xem xét. Thứ nhất là có 2 nguồn: Một là phải xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% GDP tăng lên thì 0,25% việc làm được giải quyết có đúng hay không thì phải tính toán lại. Hai là con số này trên cơ sở báo cáo của các địa phương nên nó cứ luẩn quẩn ở con số này.


Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội


Theo tôi thì con số này chưa chính xác bởi phân tích về mặt cơ sở khoa học, mỗi năm xấp xỉ 1 triệu lao động bước vào độ tuổi lao động, nhưng vấn đề là có giải quyết được cả 1 triệu lao động này hay không là cả một bài toán cần phải xem xét. Số lao động thất nghiệp, số lao động mất việc làm phải quay đi tìm việc làm mới cũng vào khoảng 500.000 - 600.000 lao động. Nhưng thực chất giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động bước vào độ tuổi lao động có làm việc được hay không thì chúng ta chưa khẳng định được. Con số 600.000 lao động mất việc làm, thiếu việc làm cũng không xác định được thì điều quan trọng nhất là Chính phủ phải xác định lại phương pháp tính toán.


Từng là lãnh đạo ngành lao động thương binh xã hội tại địa phương, ông thấy con số thống kê của địa phương, mức độ chính xác đến đâu?


Theo tôi, địa phương thống kê là hoàn toàn không chính xác. Lý do, một là hàng năm lấy số lượng vốn vay giải quyết việc làm để chia cho đầu định mức giải quyết được 1 việc làm là mấy triệu. Thứ 2 là các huyện, các ngành đều báo cáo nên có chuyện báo cáo trùng lắp, ví dụ chỉ giải quyết được 1 việc làm thì thanh niên báo cáo, địa phương báo cáo, phụ nữ báo cáo nữa…


Tôi cho rằng, số liệu 1,6 triệu lượt lao động được giải quyết việc làm thì nó gần với con số mà Chính phủ báo cáo hơn. Đây là con số chưa chính xác.


Ông đánh giá sao về mâu thuẫn số doanh nghiệp phá sản tăng trong khi việc giải quyết việc làm vẫn ổn định?


Việc giải thể và sáp nhập doanh nghiệp trong cơ chế thị trường là bình thường và đương nhiên, có thể giải thể lĩnh vực này để thành lập lĩnh vực khác, chuyện phá sản, hình thành doanh nghiệp mới, nhưng trong điều kiện hiện nay, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản mất việc làm nhiều hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới thì con số giải quyết giải quyết việc làm là con số đáng phải suy nghĩ.


Con số chưa chính xác, vậy tại sao vẫn đặt mục tiêu xung quanh những con số này?


Chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng nó phải kéo dài khoảng 20 năm nên lực lượng thanh niên bước vào độ tuổi lao động 1 triệu hàng năm còn kéo dài nhiều năm, nên những năm gần đây đều nằm ở con số đó là chính xác, nhưng quan trọng là chúng ta có giải quyết được 1,6 triệu hay không thì đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi thấy quan trọng nhất là chúng ta tính theo tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm đi, số lao động thiếu việc làm ở nông thôn giảm đi là chính xác.


Các chuyên gia về lao động nước ngoài cũng nghi nghờ con số này vì tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo?


Chúng ta xác định số lao động việc làm không chuẩn thì tỷ lệ thất nghiệp cũng không chuẩn. Vì vậy, con số giải quyết việc làm và tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là con số phải suy nghĩ, tính toán một biện pháp nào đó. Ở các nước người ta thống kê điều tra lao động hàng quý, thậm chí hàng tháng để người ta thấy được sự biến động trên thị trường lao động mà chúng ta lại lấy con số của cả năm thì không bao giờ chính xác, kể cả anh có báo cáo theo số liệu khoa học cũng không chuẩn. Đây là bài toán toán phải tính toán lại.


Hiện không chỉ có Tổ chức lao động thế giới (ILO), mà ngay cả Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị với Chính phủ nên xem xét lại để xác định tỷ lệ giải quyết việc làm mới làm sao cho đáp ứng được với thực tiễn của cuộc sống hiện nay. Chúng tôi cũng khuyến nghị, một là tăng việc làm mới căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế; hai là lấy theo tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm đi hàng năm thì chuẩn xác hơn.


Vậy nếu số liệu chưa chính xác thì theo ông, chúng ta khắc phục ra sao, thưa ông?


Theo tôi là bỏ chỉ tiêu pháp lệnh về giải quyết việc làm mà phải tính tốc độ tăng việc làm so với tốc độ tăng trưởng GDP hoặc là tỷ lệ lao động thất nghiệp ở đô thị giảm đi và lao động thiếu việc làm ở nông thôn cũng giảm đi thì chỉ tiêu đó sẽ chính xác hơn bởi việc này không phản ánh số cụ thể, không phản ánh đúng thực chất của chỉ tiêu kinh tế.


Nhiều ý kiến cho rằng nhiều học sinh, sinh viên ra chưa không tìm việc làm, đó có phải là sự lãng phí và vấn đề đào tạo nghề hiện nay đã hợp lý chưa, thưa ông?


Lao động qua đào tạo rất tốt, nhưng đào tạo phải đáp ứng 2 yêu cầu một là chất lượng đào tạo và hai là cung đào tạo có đáp ứng được cầu sử dụng không. Nếu cung đào tạo vượt quá cầu thì nghiễm nhiên là anh đào tạo ra không có việc làm là đương nhiên. Cho nên phải sắp xếp lại hệ thống các trường lớp đào tạo để làm sao đào tạo cái mà xã hội cần để sử dụng chứ không phải là đào tạo cái mà nhà trường có để đào tạo.


Xin cám ơn ông!



Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN