Cận Tết, máy ATM và chuyển tiền online đều bị 'nghẽn'

Những ngày này, nhu cầu rút tiền tại các máy ATM và giao dịch chuyển tiền online tăng vọt. Vào giờ cao điểm tại hội sở, chi nhánh lớn của một số ngân hàng như: Vietcombank Ngô Quyền, BIDV, VietinBank, nhiều khách hàng đành phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi rút tiền.

16 giờ ngày 20/1, khá nhiều người đứng chờ đợi rút tiền tại 2 cột thẻ ATM đặt ngoài sảnh trụ sở BIDV Lê Thánh Tông (Hà Nội). Anh Quang Huy (công tác tại Tổng công ty HUD) rút tiền tại một cây ATM than thở, giao dịch rất chậm mà số tiền nhận được toàn mệnh giá 10.000 đồng cũ. Vì vậy, anh phải chờ rất lâu mới rút được tiền tại cột ATM bên cạnh.

Một cột thẻ ATM BIDV chi nhánh Phan Chu Trinh rất chậm. Ảnh: Minh Phương

“Từ sáng tới giờ, mọi người rút tiền rất đông. Do phải thực hiện quá nhiều giao dịch nên các máy ATM cũ  sẽ thêm phần 'lờ đờ'. Nhiều người cũng than, toàn nhận được tiền lẻ cũ. Theo tôi được biết, ngân hàng thường tiếp quỹ, để tiền các mệnh giá vào từng khay khác nhau. Nhiều người tới rút và mỗi người lại rút nhiều nên số tiền giá trị lớn hết, chỉ còn tiền nhỏ cho những người rút sau chứ không phải lỗi ngân hàng”, nhân viên bảo vệ tại BIDV Phan Chu Trinh chia sẻ.

Sáng cùng ngày, tại cây ATM của Ngân hàng BIDV trên đường Cát Linh (Hà Nội), khách hàng phải xếp hàng chờ đến lượt. Một trong 2 máy ATM đang gặp sự cố, nhân viên ngân hàng đang kiểm tra, sửa chữa. Theo nhân viên bảo vệ tại đây, hơn một tuần trở lại đây khách hàng rút tiền nhiều. Một ngày trước ATM hỏng, nên nhân viên kỹ thuật phải kiểm tra gấp.

Vietcombank Ngô Quyền có chục máy ATM nhưng cũng bị quá tải Ảnh: T.Hường

Còn tại Hội sở VietcomBank ở phố Ngô Quyền, chị Nguyễn Liên (phố Lạc Trung, Hà Nội) cho biết: Do ban ngày giao dịch luôn đông nên tối chị Liên mới ra rút tiền. Loay hoay một lúc, chị mới nhận định được, cột này vẫn còn nhiều tiền 500.000 đồng mới, cột kia thì toàn 50.000 đồng. “Có điều lạ khi rút tiền, lúc thẻ ATM cho rút được số tiền tối đa là 4 triệu, lát là 3 triệu và lúc sau chỉ được rút 2 triệu mỗi lần. Do phải rút nhiều lần nên số tiền phí rút tiền đã bị dội lên”, chị Liên thắc mắc.

Liên quan tới vấn đề này, chị Lê Minh Châu (Công ty Potomac) than thở với phóng viên báo Tin tức, hôm qua chị Châu có nhờ bạn thân đi rút tiền nhưng không thấy máy ATM đếm tiền, thẻ bị trả lại và hiển thị thông báo “hủy giao dịch”. Thế nhưng, tin nhắn Internet banking vẫn báo “số tiền đã bị trừ”. “Tôi gọi tổng đài Ngân hàng Vietcombank mà không thể kết nối được”, chị Châu lo lắng.

Là người thường xuyên mua bán trực tuyến, chị Minh Thu dùng tài khoản Ngân hàng MB cho hay: Khách hàng báo chuyển tiền đặt cọc mua hàng từ sáng qua (chuyển từ tài khoản SHB) nhưng phải trưa hôm sau, chị Thu mới nhận được tiền. “Cũng lo lắng chút vì không biết có bị trục trặc gì không và liệu khách hàng có chắc chắn mua sản phẩm không”, chị Thu kể.

Cũng một tài khoản từ một ngân hàng khác chạy đến Vietcombank do bà chị tận trên Cao Bằng chuyển tiền 20 triệu cho cô em gái tên Dịu dưới Hà Nội. Sốt ruột khi sang đến chiều ngày thứ hai mà tiền vẫn chưa thấy có trong tài khoản Vietcombank, cô em gái cứ phải liên tục gọi chị kiểm tra. Cuối cùng thì thấy tiền đi sau hai ngày báo trừ đã quay trở lại tài khoản xuất phát của bà chị Dịu.

Không để máy ATM hết tiền

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Vân- Phó giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank, từ tháng 12, Vietcombank đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động có các biện pháp nhằm giảm tải cho ATM, tránh việc khách hàng phải xếp hàng dài chờ rút tiền, gây bức xúc trong dư luận. “Việc đảm bảo cung ứng tiền mặt cho ATM được ngân hàng ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cũng rà soát, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM và các trang thiết bị tại ATM, đảm bảo ATM hoạt động an toàn, hiệu quả vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán”, bà Vân nói.

Phía ngân hàng đã có các phương án cụ thể và bố trí đủ lực lượng trực; đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để bảo vệ tốt trụ sở cơ quan, kho tiền 24/24 và phòng chống tội phạm liên quan đến ATM.

Đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM) chia sẻ: Đối với các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu đông dân cư luôn là các “điểm nóng” rút tiền trong những dịp chuẩn bị nghỉ lễ, tết. Vì vậy hệ thống ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhá́nh phải tăng cường công tác tiếp quỹ, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ để bổ sung kịp thời. “Chúng tôi cũng liên tục kiểm tra tình trạng từng máy tại chương trình giám sát ATM từ xa nhằm phát hiện kịp thời các sự cố phát sinh, đảm bảo nhanh chóng khắc phục, tiếp quỹ kịp thời để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Tại một số tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng việc có tiền mặt để chi tiêu trong dịp tết, thay vì trả lương qua tài khoản, Vietcombank đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai thanh toán lương trực tiếp cho công nhân của một số các công ty tại các khu công nghiệp”, đại diện Vietcombank nói.

Còn lãnh đạo Ngân hàng VietABank cho biết: Hệ thống công nghệ và quản lý của VietABank cho phép ngân hàng theo dõi liên tục hệ thống ATM trên toàn quốc; dự báo các giao dịch tăng đột biến và quản lý lượng quỹ tồn trên từng ATM tại từng thời điểm. Ngân hàng có cơ chế tiếp quỹ linh hoạt và đội ngũ tiếp quỹ trên khắp cả nước giúp cho việc tiếp quỹ dù phát sinh đột biến cũng được đáp ứng liên tục, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ngân hàng cũng trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường.

Để giảm tải cho ATM, nhiều NHTM đã yêu cầu các chi nhánh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ chuyển tiền qua thẻ, qua tài khoản hoặc điện thoại; Hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt một cách thuận tiện, nhanh chóng để giảm áp lực cho máy ATM trong những ngày cao điểm trả lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Lượng tiền cung ứng cho hệ thống ATM các tỉnh thành đều được bảo đảm. “Tuy nhiên, máy móc đôi khi cũng có lỗi kỹ thuật, giống như con người có khi còn ốm sốt”, lãnh đạo NHNN phân trần.

Theo NHNN, mỗi máy ATM chỉ có một lượng tiền nhất định, việc tiếp quỹ cho ATM cũng không đơn giản mà phải tuân thủ quy trình, đảm bảo các yêu cầu như cơ cấu mệnh giá, chất lượng, phải có an ninh giám sát…Ngoài ra, ATM cũng có thể gặp nhiều vấn đề kỹ thuật như đường truyền trục trặc do đào đường, hệ thống mạng chung có lúc không thông suốt…Vì vậy, theo Phó Thống đốc, nếu ATM hết tiền do chủ quan thì cần được khắc phục, xử lý, song nếu vì nguyên nhân khách quan thì khách hàng cũng cần thông cảm.

Cũng theo NHNN, dịch vụ ATM hiện vẫn mang tính chất phục vụ là chủ yếu. Trên thực tế, dù NHNN đã cho phép các ngân hàng thương mại thu phí dịch vụ ATM song tỷ lệ phí thu được vẫn còn rất nhỏ so với chi phí đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị. “Trước ý kiến cho rằng, hiện có những ngân hàng hạn chế mức rút tiền mỗi lần chỉ 2 triệu đồng là để người dân trả phí nhiều hơn. Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, khấu hao mỗi giao dịch đếm tiền trên ATM lớn hơn 1.000 đồng tiền phí. Việc hạn chế mỗi lần rút 2 triệu đồng tại một số ngân hàng là nhằm đảm bảo yếu tố an ninh”, đại diện NHNN nói.

Dịp Tết năm nay, lường trước nhu cầu rút tiền tăng đột biến, dồn dập những ngày giáp tết, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo không để xảy ra tình trạng ATM hết tiền, nhất là các tỉnh có nhiều KCN, nhiều công nhân…

Minh Phương
Người dân vẫn phải xếp hàng rút tiền từ ATM
Người dân vẫn phải xếp hàng rút tiền từ ATM

Tuy đã dự đoán được vấn đề quá tải và đưa ra nhiều biện pháp hạn chế "tắc nghẽn" tại các máy ATM, nhưng trước tình trạng cao điểm trả lương, thưởng Tết vào những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tại nhiều khu vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh, người dân vẫn phải "đợi" để rút được tiền từ ATM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN