Cần siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng

Với sự phát hiện tác dụng sinh năng lượng và vai trò của các thành phần dinh dưỡng thiết yếu trong thực phẩm chức năng (TPCN) đã giúp loài người từng bước kiểm soát được một số bệnh tật. Tuy nhiên, do quá quan tâm đến lợi nhuận nên một số nhà sản xuất, kinh doanh đã dùng nhiều hình thức khác nhau để quảng cáo phóng đại tác dụng của TPCN. Điều này, khiến nhiều người bệnh mua sản phẩm đã lầm tin vào quảng cáo nên dù tiền mất mà tật vẫn mang. Nhưng đáng tiếc là chế tài xử lý những sai phạm như vậy trong lĩnh vực này vẫn còn bị vướng…

“Bão” thực phẩm chức năng giảm cân


Những năm gần đây, ngành nghiên cứu, sản xuất thực phẩm chức năng đã có nhiều bước tiến nhảy vọt trên toàn thế giới. Và nhờ đó đã sản xuất ra nhiều loại thực phẩm chức năng bổ sung thêm các thành phần có lợi hoặc lấy bớt các thành phần bất lợi nhằm cải thiện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, phòng ngừa các bệnh mãn tính, tăng cường chức năng sinh lý của con người… Hay nói cách khác, người ta đã tạo ra nhiều loại thực phẩm chức năng theo những công thức nhất định phục vụ cho mục đích của con người.

Như vậy, xét về mặt tích cực, rõ ràng thực phẩm chức năng có tác dụng hữu hiệu đối với con người, xã hội nhưng do quá hám lợi nên một số nhà kinh doanh đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, quảng cáo thổi phồng chức năng của loại thực phẩm này gây nhầm lẫn, thậm chí là bất lợi cho người tiêu dùng. Nhiều người bán hàng đã quảng cáo sản phẩm của họ là… thuốc tiên, người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể sử dụng. Còn về phía người sử dụng, vì là thực phẩm, nên hầu hết đều nghĩ rằng có thể sử dụng thoải mái; có thể thay thế các thực phẩm khác, thậm chí là thay thế cả thuốc điều trị khiến không ít bệnh nhân tiền mất tật mang.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một công nhân nhà máy in lớn tại Hà Nội, vì muốn lấy lại thân hình thon nhỏ như thời con gái, chị đã mua một loại thực phẩm chức năng là hàng xách tay từ Nhật với lời hứa "không giảm cân nhanh, trả lại tiền". Với chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, lại muốn giảm cân nhanh hơn nữa, chị đã tăng gấp rưỡi liều lượng. Được 10 ngày chị thấy có sụt cân nhưng cơ thể rất mệt mỏi. Mấy ngày tiếp theo, chị thấy dạ dày lồng lên, ói mật xanh mật vàng, đầu óc choáng váng có lúc ngơ ngác như người mất trí, rồi ngất xỉu. “Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện. Phải truyền rất nhiều nước và đạm, tôi mới hồi phục. Trận ốm thật nhớ đời!”, chị Nguyệt tâm sự.

Cũng giống như chị Nguyệt, chị Minh Ngọc, một tiểu thương bán hàng vải tại kiôt đường Phùng Hưng (Hà Nội), với thân hình gần 100kg, chị rất muốn giảm cân nhanh. Được bạn bè mách có người quen ở Mỹ có thể mua hàng xách tay thực phẩm chức năng giảm béo, chị Ngọc đã nhờ mua. Nhưng sau 1 tuần sử dụng thực phẩm này chị đã phải dừng ngay vì luôn trong tình trạng chóng mặt hoa mắt, buồn nôn không rõ nguyên nhân.

Vướng mắc pháp lệnh quảng cáo

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian qua, việc triển khai công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn TPCN của các cơ quan chức năng đã từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý với tình hình thực tế của Việt Nam. Song cũng còn tồn tại một số khó khăn như hành lang pháp lý về quản lý sản phẩm theo quy định mới chưa được hoàn thiện (chưa xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật đối với TPCN) hay như vấn đề chứng nhận công bố TPCN của nhà sản xuất…

Vướng mắc hiện nay thuộc về Pháp lệnh quảng cáo. Nhiều nội dung quảng cáo bị nói quá lên, trong khi không có quy định ngành Y tế phải duyệt nội dung quảng cáo. Phải có quy định ngành Y tế duyệt nội dung quảng cáo liên quan đến việc khám, chữa bệnh, nếu không, người dân dễ bị lừa.
(Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Quốc Triệu)

Bên cạnh đó, việc quảng cáo "gây hiểu lầm cho người sử dụng" là một trong những hành vi bị cấm trong Thông tư số 13/2009/TT-BYT của Bộ Y tế. Đặc biệt, nghiêm cấm việc thông tin, quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng, có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc…

Trả lời phỏng vấn về hoạt động quảng cáo của các cơ sở khám chữa bệnh và quảng cáo thuốc trong buổi công bố Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng cho rằng, vướng mắc hiện nay thuộc về Pháp lệnh quảng cáo. Nhiều nội dung quảng cáo bị nói quá lên, trong khi không có quy định ngành Y tế phải duyệt nội dung quảng cáo. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, phải có quy định ngành Y tế duyệt nội dung quảng cáo liên quan đến việc khám, chữa bệnh, nếu không, người dân dễ bị lừa.

Trước tình trạng loạn thông tin về các loại "thần dược" như hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng chế tài để siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm liên quan đến sức khỏe người dân. Nhưng, ngay trước mắt, mỗi người dân phải biết phân biệt để sử dụng thuốc hoặc TPCN đúng cách, không chữa bệnh theo kiểu truyền miệng, hay quá tin vào quảng cáo.

Lý Hà

Nhốn nháo thị trường thực phẩm chức năng: Thổi giá “thần dược”
Nhốn nháo thị trường thực phẩm chức năng: Thổi giá “thần dược”

Hiện không ít công ty, cơ sở nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng trái phép và đây là mặt hàng thường được quảng cáo sai sự thật nhất nên khi bị cơ quan chức năng “thắt” chỗ này nó lại “mở” chỗ khác...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN