Cân nhắc khi cấp phép cao ốc trong nội đô

Các chuyên gia xây dựng đang lo lắng tình trạng xây cao ốc quá nhiều tại nội đô Hà Nội sẽ tạo áp lực lên khu vực trung tâm vốn đang quá tải nghiêm trọng.


Nghịch lý nhà cao, đường bé

Gần đây, khu vực ngã ba Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) liên tục ùn tắc cả sáng lẫn chiều, đặc biệt là tại lối rẽ vào đường Nguyễn Hữu Thọ. Theo nhiều hộ dân tại khu vực này, khu đô thị Linh Đàm ngày càng mở rộng với quy mô dân số tăng thêm hàng vạn người nhưng đường giao thông bao năm nay không hề thay đổi, quá nhỏ so với lưu lượng giao thông.

Ngày càng nhiều cao ốc mọc lên ở trung tâm Hà Nội khiến áp lực về hạ tầng ngày càng lớn.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt tòa chung cư cao đến 40 tầng đang mọc lên trong khu đô thị Tây Nam Linh Đàm. Nhiều tòa nhà đã hoàn thiện, người dân về ở khiến áp lực dân số ngày càng tăng cao. Trong khi đó, hạ tầng giao thông không được đầu tư thêm. Tình trạng này cũng xảy ra tại các khu đô thị khác như Định Công, Đại Kim… khiến các con đường “độc đạo” dẫn vào các khu đô thị này như Định Công, Đại Từ, Trần Điền luôn ùn tắc.

Một thực trạng khác cũng rất đáng lo ngại là cao ốc liên tục mọc lên tại các khu đất mà các nhà máy sản xuất đã di dời. Điều này đi ngược lại mục tiêu giảm quá tải nội đô theo Quyết định số 130/QĐ - TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại 11 quận nội thành Hà Nội.

Mảnh đất số 250 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), sau khi Công ty CP May Thăng Long di dời, đã biến thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Cụ thể, dự án có 3 tòa nhà, trong đó 1 tháp văn phòng đang xây, 2 tháp chung cư 19 và 25 tầng. Khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) rộng khoảng 2,6 ha, sau khi di chuyển nhà máy đến Quốc Oai, đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex, gồm 2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng và nhiều nhà liền kề.

Chẳng những thế, để tăng lợi nhuận, chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản cũng đã cố “lách” để xây vượt quá số tầng được cấp phép. Chẳng hạn như trường hợp chung cư BMM thuộc phường Phúc La (quận Hà Đông) do Công ty TNHH sản xuất thương mại BMM và Công ty Cổ phần Sông Đà 12 làm chủ đầu tư. Các cư dân tại đây cho biết, trong thang máy số bấm tầng cao nhất là 30 nhưng thực chất là tầng 31 vì có thêm tầng 5A. Ngoài ra, còn có tầng 32 không làm thang máy mà làm cầu thang bộ đi lên.

Giám sát thực hiện quy hoạch

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm phân tích, mặc dù đã có nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chung, xây dựng rất nhiều quy hoạch chi tiết, nhưng hệ thống quy hoạch của Hà Nội vẫn chưa đồng bộ. Chẳng hạn, trong quy hoạch xây dựng có định hướng là phải giảm dân số, mở rộng diện tích đường sá nhưng quy hoạch giao thông lại chưa đáp ứng được.

Ông Nghiêm cho rằng, nếu không mạnh tay quản lý chặt chẽ quỹ đất sau khi các nhà máy di dời thì có nguy cơ quy hoạch sẽ bị méo mó. “Trong quy hoạch chung Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ các khu đất sau di dời cơ sở công nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện… thì phải ưu tiên xây dựng vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe, công trình văn hóa và các dịch vụ công cộng”, ông Nghiêm cho biết.

Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, dù có quy hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện quy hoạch lại chưa được giám sát chặt chẽ. “Phần lớn các doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của họ lên trước, trong khi chúng ta lại quản lý chưa nghiêm”, ông Nghiêm nhận định.

Đồng tình với điều này, ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng, việc quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều vấn đề. “Quy hoạch đô thị bên cạnh việc phát triển nhà ở cần tính đến sự hài hòa của các yếu tố hạ tầng giao thông, xã hội. Với những khu đất đã di dời được cơ quan, doanh nghiệp, cần tính toán mật độ xây dựng bao nhiêu là vừa chứ không xây quá nhiều khiến áp lực còn lớn hơn cả trước di dời. Mặt khác, phải giám sát chặt các công trình đã được cấp phép, không để xảy ra xây dựng sai phép”, ông Chiến cho hay.

“Nhiều người phản ánh nhà dân chỉ xây vượt chút ban công đã bị xử lý ngay, vậy mà cả tòa chung cư xây sai phép lại không ai biết. Theo tôi, nếu các lực lượng chức năng từ phường, quận xử lý nghiêm, có trách nhiệm thì chủ đầu tư sẽ không dám vi phạm. Việc giám sát công trình sau cấp phép cũng cần được quan tâm để hạn chế các cao ốc xây dựng sai phép”, đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng chia sẻ.

Bài và ảnh: Hoàng Dương
An toàn cháy nổ tại chung cư cao tầng ở Hà Nội: Còn nhiều nỗi lo!
An toàn cháy nổ tại chung cư cao tầng ở Hà Nội: Còn nhiều nỗi lo!

Gần đây, hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Nhưng trong số đó có không ít công trình đã được bàn giao, sử dụng dù chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN