Cần một cơ chế sử dụng nguồn nước sông Mêkông

“Các nước trong lưu vực sông Mêkông phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền lợi và lợi ích của mỗi quốc gia phải gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực”.

Đó là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân ngày 22/4 tại hội thảo sử dụng bền vững nguồn nước sông Mêkông, tại thành phố Cần Thơ.

Thủy điện phá vỡ dòng chảy tự nhiên

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận các vấn đề có liên quan như: Đập thủy điện trên sông Mêkông - các vấn đề và mâu thuẫn lợi ích; Môi trường và biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Mêkông; Các tình huống và khả năng phát triển cho lưu vực sông Mêkông, tác động và hậu quả lên sinh kế của các cộng đồng ven sông và các quốc gia liên quan... do các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày. Các tham luận đều nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc xây dựng nhận thức chung hợp lý, kịp thời của tất cả các bên liên quan để hợp tác quốc tế hiệu quả giữa các nước trong hệ thống lưu vực sông Mêkông.

Kênh tưới tiêu tại ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) bị nhiễm mặn với tỉ lệ từ 4 - 5 phần nghìn. Mạnh Linh/TTXVN.

Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, cùng với tình trạng ngập lụt, xâm thực và nhiễm mặn ngày càng tăng, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực khác, và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính Mêkông đang gây ra những hệ quả cực kì nghiêm trọng. Ước tính 6 đập thủy điện của Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu và 30 đập trên các nhánh sông sẽ tích lại một lượng nước rất lớn của sông Mêkông vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3; trong khi đó nhu cầu về nước ở vùng hạ lưu khu vực vào năm nay đã tăng 50% so với năm 2000. Các đập thủy điện còn giữ lại trầm tích trong hồ, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển. Sự sạt lở nghiêm trọng ở đê biển Gành Hào, đường phòng hộ ven biển Bạc Liêu vừa được khảo sát gần đây là một minh chứng cụ thể của việc biến đổi khí hậu và khai thác nguồn nước thượng nguồn bất hợp lý.

Đưa ra hai bức ảnh chụp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một bức là cánh đồng lúa xanh mướt, chụp cách đây 1 năm và một bức khác là cảnh đồng ruộng nứt nẻ, khô hạn ở cùng một địa phương, ông Brian Eyler, chuyên gia về Mêkông, Phó GĐ Chương trình Đông Nam Á - Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ cho rằng, hạn hán đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ĐBSCL và đã đến lúc các quốc gia trong lưu vực sông Mêkông phải có cách nhìn nhận mới đối với việc phát triển thủy điện trên sông Mêkông.

Theo ông Brian Eyler, hàng chục con đập lớn được hoạch định hoặc đang được xây dựng, trong đó có chín đập nằm trên các sông nhánh chảy ở Lào - Thái Lan cũng như hai đập ở Campuchia, chắc chắn sẽ làm suy giảm sự đa dạng sinh học của sông Mêkông và phá vỡ các chu kỳ di cư của hàng chục loài cá vốn có vai trò hết sức quan trọng trong an ninh lương thực và sinh kế của khu vực. Các đập thủy điện cũng lấy mất nguồn phù sa giàu dinh dưỡng cần thiết để bổ sung thêm độ phì nhiêu cho các cánh đồng vốn đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hiện tượng mặn hóa và nước biển dâng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tất cả các đập đều được xây dựng thì dòng sông trên thực tế sẽ trở thành một chuỗi hồ nối với nhau bằng những dòng chảy có thể biến thiên rất lớn khi các đập điều chỉnh hoạt động. Về mặt sinh học, tính hiệu quả chung của các hồ này sẽ ít hơn rất nhiều so với hiệu quả của dòng chảy tự nhiên. Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các cộng đồng vốn dựa nhiều vào nguồn lợi thủy sản. Việc xây dựng tất cả 11 con đập ở hạ lưu sông Mêkông đã được lên kế hoạch sẽ làm tổng sản lượng khai thác thủy sản của dòng sông giảm 340.000 tấn.

Cần hành động ngay

Theo GS. Pou Sovachana, Phó Viện trưởng Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, việc phát triển các dự án thủy điện thiếu trách nhiệm trên sông Mêkông ngày càng gây ra tình trạng bất đồng quan điểm sâu sắc giữa các quốc gia. Khi Trung Quốc và các quốc gia khác ở khu vực hạ lưu sông Mêkông quyết tâm hơn trong việc xây dựng các dự án thủy điện khổng lồ, các kế hoạch này có khả năng gây thiệt hại, phá hoại sông Mêkông, kéo theo các hậu quả xã hội và môi trường nghiêm trọng về sinh kế, từ đó gây mất an ninh nội tại giữa các quốc gia trong khu vực. GS. Pou Sovachana lưu ý: “Nếu không có giải pháp thích hợp để đảm bảo việc sử dụng và quản lý thích hợp tài nguyên nước ở sông Mêkông, sự căng thẳng, thậm chí mâu thuẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân, làm mất ổn định hòa bình và sự ổn định từng quốc gia nói riêng và toàn khu vực nói chung”.

Sau khi đưa ra những kiến nghị nhằm hạn chế những tác động tích cực của hệ thống đập thủy điện, ông Brian Eyler cho rằng việc phát triển thủy điện hiện nay của Lào không nên chỉ tính đến khoản lợi trước mắt. Nếu xây dựng 9 đập thủy điện trên dòng chính ở Lào có thể đến năm 2030 sẽ mang lại nguồn thu mỗi năm khoảng 4,6 tỷ USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng những khoản lợi nhuận này có thể sẽ nhỏ hơn, bởi vì Lào phải vay vốn để phục vụ cho việc triển khai các dự án đập thủy điện này. Thực tế, đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng lên nhanh chóng ở khu vực vẫn “không là gì” khi tính đến những mất mát về đa dạng sinh học, những ảnh hưởng của chúng đến an ninh lương thực và sinh kế, cũng như những thất thiệt đối với sự hợp tác và ổn định trong khu vực.
Lê Hiền
Sử dụng hài hòa lợi ích nước sông Mê Kông
Sử dụng hài hòa lợi ích nước sông Mê Kông

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán, xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là do ảnh hưởng của các công trình trên dòng chính ở phía thượng nguồn sông Mê Kông. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi cùng TS Lê Đức Trung (ảnh), Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN