Căn hầm tránh bão đặc biệt

Đi qua những mất mát, thiệt hại do những cơn bão có cường độ ngày càng lớn gây nên, người nông dân miền Trung, một mặt luôn tìm cách ứng phó tốt nhất mỗi khi bão về, mặt khác tìm các biện pháp phòng ngừa để giảm thiệt hại do thiên tai. Một trong những sáng tạo ấy là hầm tránh bão nổi trên mặt đất, xây bằng đá tảng và đúc bê tông của ông Nguyễn Tấn Toàn (60 tuổi) ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một mô hình hầm trú ẩn an toàn mà không nhiều người dân ở Quảng Ngãi nói riêng và ở miền Trung nói chung làm được.

 

"Muốn giữ được tính mạng, phải làm hầm kiên cố..."


Đó là câu nói đầu tiên mà vợ chồng ông Nguyễn Tấn Toàn chia sẻ với chúng tôi. Sau siêu bão số 14 (bão Haiyan), chúng tôi về thôn Xuân Yên và nghe nhiều bà con bảo rằng ở đây, gia đình ông Toàn (còn gọi là ông Năm Dậu) đã làm một căn hầm rất tốt. Ngay ở trong trận bão kinh hoàng này, toàn thôn Xuân Yên đã có đến gần 30 người xin vào ở căn hầm của ông. Gia đình ông vui vẻ đồng ý bởi mục đích ông làm hầm cũng chỉ vì không muốn mất thêm bất cứ mạng sống nào do bão gây ra. May mắn là cơn bão không đổ bộ vào Quảng Ngãi, nhưng nếu bão vào, căn hầm này cũng là nơi cứu được sinh mạng của không ít người dân trong thôn.
 

Mặt ngoài của căn hầm trú bão nhà ông Toàn.

 

Chuyện làm hầm trú bão của ông Toàn xuất phát từ đầu năm 2010, khi sau nhiều đêm nằm trằn trọc suy nghĩ, lão nông này thấy rằng thời tiết đang thay đổi quá thất thường, sức gió của những cơn bão ngày càng mạnh lên, hướng đi dị thường và gây ra những hậu quả vô cùng to lớn. Ông vô cùng đau xót khi nghe đài báo nói về những thiệt hại do bão lụt gây ra cho đồng bào trên cả nước. Bằng suy nghiệm của mình, ông tin chắc rằng trong những năm tới, những cơn bão sẽ có chiều hướng ngày càng mạnh thêm, nhiều thêm và nguy hiểm hơn. Cách duy nhất để giữ mạng sống của mình là làm hầm trú bão.


Nhưng ngay cả việc làm hầm thế nào, cũng là một vấn đề khá lớn đối với lão nông này. Ông đem suy nghĩ của mình bàn bạc với vợ, bà đồng ý. Nhưng khi nói chuyện với bà con và hàng xóm thì họ nhìn ông ngờ vực. Bởi với nhiều người nông dân, chuyện xây một cái hầm chứ chưa nói đến là hầm trú bão an toàn, kiên cố là một việc làm rất xa xỉ. Họ luôn nghĩ rằng bão lụt là chuyện của trời. Bão nhỏ thì ngồi trong nhà, bão lớn thì tìm nơi kiên cố để trú. Chính suy nghĩ ấy đã gây ra không ít thiệt hại sau những cơn bão lớn trong những năm gần đây.


Đứng trước căn hầm bê tông kiên cố của mình, ông Toàn vui mừng chia sẻ: "Sau những khó khăn, tháng 8/2010, nhà tôi cũng xây xong được căn hầm trú bão. Vừa gom góp tiền của gia đình, vừa mượn thêm được của bà con, tôi xây căn hầm này hết gần 7 triệu đồng. Số tiền ấy quả thật là lớn so với người nông dân. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ tính mạng là quan trọng nhất. Bao nhiêu tiền cũng không mua lại được tính mạng mình, khi cơn bão càn qua. Giờ thì đã bớt lo khi có bão đến...".


Nơi trú ẩn thật sự an tâm


Theo quan sát của chúng tôi, căn hầm trú bão của ông Nguyễn Tấn Toàn có độ cao trên mặt đất khoảng 1,2 m. Chiều dài và chiều rộng bằng nhau, đều 3 m. Kết cấu 4 mặt xung quanh của hầm, theo ông Toàn, bên ngoài là đá tảng đen (đá ba long) sắp nằm lên nhau, có xi măng trát giữa các khe. Bên trong là một lớp gạch cũng được xây nằm chồng lên nhau. Nền được tráng xi măng rất kỹ và lót gạch bông để chống hơi nước ẩm ướt và chống nước từ bên ngoài rỉ vào. Mặt trần bên trên của hầm thì được đúc bê tông chắc chắn, độ dày khoảng 60 phân. Bên trong, bên ngoài đều được tô xi măng rất lỹ lưỡng để chống thấm nước.


Căn hầm này, theo vợ chồng ông Toàn, mùa nắng mùa mưa đều có thể sử dụng. Lợi ích để chống bão thì khỏi phải bàn. Còn về mùa nắng, những lúc nghỉ trưa và ban đêm, lão nông này vẫn thường lấy đây làm nơi yên vị. Chỉ có một cánh cửa ra vào độc nhất và một lỗ thoát nước nhỏ phía sau, nhưng về mùa hè, đây là nơi rất mát mẻ, dễ chịu.


Về mùa bão, ước tính căn hầm này có thể có sức chứa đến trên 30 người trong những trường hợp khẩn cấp. Ngay cả đến khi gió giật mạnh, sập nhà hay ngã cây cối đè lên trên, thì với kết cấu hầm như vậy, người trú ẩn bên trong cũng sẽ hết sức an tâm bởi hầm không thể hư hỏng. Ông Toàn bảo với chúng tôi rằng trước khi tiến hành xây hầm, dù không rành trong chuyện thiết kế, nhưng ông cũng cất công nhờ không ít người có chuyên môn về xây dựng góp ý về kết cấu, về sức chịu lực của mái hầm và tường hầm. Bởi vậy, theo ông, khi cả một mảng tường nhà ông bên cạnh hầm hay một phần mái nhà đổ xuống, vẫn không thể làm sập được hầm. Điều quan trọng là ông đang nghiên cứu mở một đường thoát khí, vì lỗ thông hơi phía sau ông chừa rất nhỏ, trong khi cửa ra vào thì trong những tình huống khẩn cấp, phải đóng lại.


Nói về hầm trú ẩn của nhà ông Nguyễn Tấn Toàn, bà Lê Thị Mai (67 tuổi), một người dân thôn Xuân Yên cho biết: "Tình hình gió bão những năm gần đây càng ngày càng phức tạp. Chúng tôi đang lo lắng thì đã có cái hầm của nhà ông Toàn. Như cơn bão số 14 vừa rồi, cả vợ chồng con cái cháu chắt của tôi 7 người đến xin ông Toàn trú tạm. Thật sự ngồi trong hầm ấy rất yên tâm, dù có hơi chật chội một chút. Đây sẽ là nơi trú ẩn của gia đình tôi khi có bão lớn trong những năm tiếp theo..". Vừa nói, bà Mai vừa mỉm cười vui vẻ, cùng một số người đi xem lại căn hầm. Bà bảo, nếu có tiền, bà sẽ xây một căn hầm an toàn thế này để tránh bão.


Mô hình làm hầm bê tông kiên cố nổi trên mặt đất chống bão như ông Nguyễn Tấn Toàn ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) là một điểm sáng để người dân miền Trung học tập và làm theo. Tuy vậy, do vật liệu để xây nên một căn hầm như thế rất tốn kém nên những người nông dân rất cần sự ủng hộ từ các cấp chính quyền. Nên chăng, các địa phương nên khảo sát mô hình này, để làm cho địa bàn mỗi thôn, mỗi xóm từ 1 đến 2 hầm trú bão tương tự để người dân tránh trú trong bão lớn. Kinh phí đối với một gia đình thì khó, nhưng ngân sách địa phương cho cả thôn, xóm thì hoàn toàn có thể làm được việc này. Như vậy, tính mạng người dân sẽ an toàn hơn khi bão về.



Bài và ảnh: Thành Giang

Người dân ven biển Quảng Trị đào hầm trú bão
Người dân ven biển Quảng Trị đào hầm trú bão

Đây là kinh nghiệm có từ xa xưa đã được người dân vùng ven biển trong tỉnh thực hiện mỗi khi có bão lớn xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN