Cần cứu sông Sài Gòn trước khi quá muộn

Hơn một phần ba dân số TP Hồ Chí Minh đang sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước sông Sài Gòn, trong khi nước sông ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng xả thải ra sông tràn lan vẫn đang diễn ra hàng ngày nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có bất cứ biện pháp hữu hiệu nào để cứu dòng sông.

Nước thải chưa xử lý đổ thẳng ra sông

Những ngày gần đây, thượng nguồn sông Sài Gòn, đoạn chảy qua xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã có hiện tượng cá chết hàng loạt. Đây là hiện tượng bất thường chưa xảy ra trong vòng 20 năm qua. Các cơ quan chức năng cho rằng, cá chết hàng loạt có thể là do thuốc cá từ hướng thượng nguồn sông Sài Gòn trôi về. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở khu vực này cho thấy có hàng loạt các công ty xả thải trực tiếp ra môi trường, trong đó có Công ty TNHH nông sản Việt Phước (100% vốn Đài Loan, tại ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) vứt hàng trăm xác heo chết ở thượng nguồn khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài việc vứt xác heo chết thẳng ra sông, công ty này còn vi phạm về xả thải ô nhiễm ra sông Sài Gòn...

Nước thải sinh hoạt từ hệ thống kênh rạch đổ thẳng ra sông Sài Gòn, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngay các con kênh thủy liên vùng khu vực huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh..., hàng ngày cũng đổ ra sông Sài Gòn một khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý. Kinh khủng nhất là đoạn kênh chảy qua khu trại heo ở xã Vĩnh Lộc A, mặt nước luôn có lớp màng phủ và các loại ruồi nhặng, côn trùng bu dày đặc. Ven bờ đầy rác thải, những họng xả nước thải từ các trại heo chảy xối xả vào lòng kênh. Ngoài các trại heo, kênh Liên Vùng còn bị đầu độc bởi các cơ sở dệt nhuộm. Tại ấp 3A xã Vĩnh Lộc A, nhiều cơ sở sản xuất tư nhân xả nước thải chưa qua xử lý qua 2 cống xả chạy xuyên bên dưới đường giao thông, đấu thẳng vào kênh NT5 đổ về kênh Liên Vùng... Toàn bộ nước thải này đều đổ về sông Sài Gòn.

Theo các chuyên gia, sông Sài Gòn hiện là nơi tiếp nhận nguồn thải của trên 50 khu công nghiệp. Trong đó có những khu công nghiệp lớn, nhiều nhà máy sử dụng hóa chất như Sóng Thần, Mỹ Phước, Bắc Củ Chi... chưa kể nguồn nước thải sinh hoạt khổng lồ của cả TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nằm ở lưu vực sông Sài Gòn cũng được đổ thẳng ra sông mà chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn.

Báo động về nguồn nước sạch

Hơn một phần ba dân số thành phố đang sống bằng nguồn nước từ sông Sài Gòn. Để lấy được nguồn nước từ sông Sài Gòn, đưa vào hệ thống xử lý, mỗi ngày trung bình nhà máy xử lý nước của Công ty Sawaco phải 6 lần vận hành hệ thống lọc rác thải, mỗi lần như vậy đều cho ra cả đống rác. Các công nhân ở đây cho biết, dù hệ thống lọc rác được vận hành liên tục, cống cấp nước của nhà máy Sawaco vẫn thường xuyên bị nghẹt do rác từ sông. Lượng rác bẩn khá nhiều, chủ yếu là rác sinh hoạt. Các kỹ sư của Sawaco cũng phải xét nghiệm mẫu nước hàng giờ để bảo đảm chất lượng xử lý. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng amoni và các chỉ số ô nhiễm khác đã vượt mức quy chuẩn hơn 10 lần. Có những thời điểm trong năm 2016, nhà máy nước này phải tạm ngưng hoạt động vì nguồn nước đầu vào nhiễm bẩn và nhiễm mặn.

Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố còn cho thấy, nguồn nước cấp trên sông Sài Gòn từ Phú Cường trở lên thượng nguồn, do ảnh hưởng dải đất phèn ven sông, có độ pH thấp, gây khó khăn và tốn kém trong việc xử lý nước. Trong những tháng vừa qua, tình hình thiếu nước trên các lưu vực sông còn gây ra tác nhân làm tăng mạnh các hàm lượng dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh, khiến tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn càng trở nên nghiêm trọng hơn ở khu vực từ sau hợp lưu với rạch Vàm Thuật, nhất là khu vực Phú An do tác động của các kênh tiêu thoát nội thành.

Đáng lo ngại hơn là khi tình trạng ô nhiễm mặn và hóa chất trong nguồn nước sông Sài Gòn ngày một gia tăng thì công nghệ xử lý nước cấp hiện vẫn chưa thay đổi tương ứng. Điều này đe dọa trực tiếp đến chất lượng nước cấp sinh hoạt cho người dân. Theo TS Bùi Xuân Thành, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, công nghệ xử lý nước cấp hiện nay của Việt Nam chỉ là công nghệ truyền thống bằng cách lắng lọc, tạo bông và khử trùng. Công nghệ này chỉ phù hợp khi chất lượng nguồn nước sông đạt tiêu chuẩn A1. Còn với chất lượng nguồn nước sông đang bị ô nhiễm như hiện nay thì công nghệ này khó có thể xử lý đạt yêu cầu. Chưa hết, việc sử dụng chất flo khử trùng nguồn nước thô bị nhiễm vi sinh cũng làm phát sinh chất THMs - một chất gây ung thư nếu được tích lũy lâu dài ở người sử dụng.

Ông Trần Kim Thạch, cán bộ Phòng chất lượng nước của Tổng công ty Sawaco cũng cho biết, với nguồn nước ô nhiễm bẩn như hiện nay, sẽ đến lúc chất lượng đầu ra của nước sinh hoạt sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định, khi đó, nhiều khả năng công ty sẽ không dám cung cấp nguồn nước sinh hoạt từ nguồn nước sông Sài Gòn nữa, mà bắt buộc phải ngưng nhà máy xử lý nước trên sông Sài Gòn để tìm kiếm nguồn nước khác. Hiện nay, trung bình mỗi năm Tổng công ty Sawaco đã phải chi thêm 30 tỷ để xử lý hóa chất nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần tăng cường giám sát xả thải, nâng cao tiêu chuẩn xả thải vào nguồn cấp nước. Đặc biệt cần phải xử lý triệt để các nguồn thải từ các khu công nghiệp cũng như nguồn nước thải sinh hoạt của TP Hồ Chí Minh, bảo đảm các nguồn nước thải ra ngoài phải đạt các tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường. Có các khung pháp lý, cơ chế kiểm soát, biện pháp xử phạt và chế tài thật nghiêm khắc với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Ngay cả việc người dân xả rác, gây ô nhiễm đường phố, tắc nghẽn và ô nhiễm hệ thống kênh rạch, sông ngòi cũng cần được xử phạt nghiêm khắc.

Kết quả khảo sát gần đây của Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho thấy, hệ thống sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm trầm trọng. Tại các vị trí lấy nước để sử dụng cho mục đích cấp nước, hàm lượng amoni, coliform, nồng độ DO đều không đạt quy chuẩn cho phép. Đáng lo ngại là các chỉ tiêu amoni, photphat, độ mặn, COD, coliform, BOD và dầu có xu hướng tăng đần từ 50 - 100% ở các điểm quan trắc so với cùng kì năm trước.


Lê Hiền
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở thượng nguồn sông Sài Gòn
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở thượng nguồn sông Sài Gòn

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Phước nhận định nguyên nhân cá chết hàng loạt xảy ra vào ngày 6/7 có khả năng do bị thuốc cá từ hướng thượng nguồn sông Sài Gòn trôi về hướng hạ nguồn sông Sài Gòn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN