Cần có Ban quản lý, bảo trì đường bộ trực thuộc Sở

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình kiện toàn Bộ máy quản lý dự án theo tinh thần Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính Phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Theo ông Giang, quy định của Luật xây dựng, Nghị định 59/2015/NĐ-CP thì các khối lượng công việc thuộc công tác sửa chữa, hoặc dự án xây dựng có khối lượng nhỏ (dưới 5 tỷ đồng) thì Sở Giao thông vận tải (GTVT) được sử dụng cơ quan chuyên môn để tổ chức thực hiện quản lý dự án (không được thành lập Ban quản lý dự án (QLDA) tại Sở).

Khắc phục điểm sạt lở tại km 12+300 quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Các khối lượng còn lại giá trị dự án trên 5 tỷ đồng, Sở GTVT sẽ phải hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc các tổ chức tư vấn QLDA khác đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện. “Quy định như vậy chỉ phù hợp đối với các dự án có thời gian tổ chức thực hiện một cách tuần tự từng khâu, từng bước của quá trình đầu tư xây dựng đúng trình tự quy định của Luật xây dựng (bao gồm từ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập thẩm định phê duyệt dự án; thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, xây lắp v.v.) nghĩa là phải đảm bảo điều kiện cần và đủ về thời gian theo quy định của pháp luật xây dựng”, ông Nguyễn Đình Giang cho biết.

Tuy nhiên, đối với khối lượng công tác đảm bảo giao thông, hoặc các khối lượng công tác sửa chữa phải thực hiện khẩn cấp theo mệnh lệnh an toàn giao thông của tỉnh, của bộ (mà thường có khối lượng lớn hơn 5 tỷ) thì không thể thực hiện QLDA bằng Ban QLDA chuyên ngành được vì các khối lượng này là đột xuất, phải thực hiện ngay trong khi vẫn chưa hình thành dự án để có thể thực hiện hình thành các hợp đồng với Ban QLDA chuyên ngành. Mặt khác thực hiện đúng theo trình tự xây dựng cơ bản quy định sẽ không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cấp bách về thời gian hoàn thành của công tác đảm bảo giao thông là thông xe theo giờ, trong ngày, trong tuần.

Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi, biên giới có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh như Điện Biên.

Để giải quyết được khó khăn trên chỉ có thể thực hiện theo cơ chế đặc thù về công tác đảm bảo giao thông của ngành GTVT. Các đơn vị dưới quyền từ phòng, ban chuyên môn, Ban QLDA, các đơn vị tư vấn, xây lắp phải chịu và chấp hành một cách nghiêm túc mệnh lệnh hành chính từ Sở GTVT khi đó mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. Như vậy, phải thành lập tại Sở GTVT một “Ban quản lý, bảo trì công trình đường bộ” là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở để chấp hành mệnh lệnh hành chính khi có nhiệm vụ (trong khi quan hệ của Sở và Ban quản lý dự án chuyên ngành là quan hệ hợp đồng) nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo giao thông, an toàn giao thông góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia là hết sức cần thiết.

Đây là vấn đề còn vướng mắc mà các địa phương vùng biên giới, miền núi đang gặp phải nên rất cần các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét tháo gỡ.
Viết Tôn
Sạt lở gây ách tắc giao thông Quốc lộ 279 ở Điện Biên
Sạt lở gây ách tắc giao thông Quốc lộ 279 ở Điện Biên

Vào lúc 4 giờ ngày 24/9, tại km 12+300 Quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN