Cải tạo hồ Gươm: Thận trọng với sử dụng chế phẩm sinh học, hóa học

Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), người đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu về hồ Hà Nội về vấn đề cải tạo hồ Gươm.

Cải tạo Hồ Gươm cần phải hết sức thận trọng từng bước một. Ảnh : Trọng Đức-TTXVN

Mới đây, Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất phương án cải tạo hồ Gươm trong 69 ngày. Theo bà, việc cải tạo hồ Gươm cần chú trọng đến điều gì?

Tôi có nghe việc Hà Nội chủ trương cải tạo hồ Gươm thời gian tới, đây là tin rất đáng mừng vì hồ Gươm đã đến lúc cần cải thiện và tất cả ý tưởng đó thì tốt.

Theo kinh nghiệm từ những việc cải tạo nhiều hồ ở Hà Nội thì khía cạnh bảo tồn phải được đưa lên hàng đầu và việc sử dụng những hóa chất khác biệt đưa vào xử lý phải cực kỳ thận trọng bởi những cái đó là cái 2 mặt. Khi cải thiện hồ Gươm thì phải cải thiện cả hệ sinh thái thủy văn, bờ rồi bên trên như thế nào đảm bảo hệ sinh thái sống. Tôi cũng nghe nói một số đề xuất sử dụng một số chế phẩm để cải thiện trong cải tạo hồ thì trong giai đoạn thiết kế này quá sớm để nói về cái đó.

Trước hết sẽ phải tập trung vào cải tạo hồ Gươm, cho nó trở về hệ sinh thái sống, đảm bảo hồ Gươm có đủ nước và nước đó phải tốt. Bây giờ rõ ràng hực tế hồ Gươm đã bị tách khỏi hệ thống thủy văn khác và nguồn nước chính là nước mưa và nước tự nhiên. Do đó, độ sâu và hệ thống đáy bùn phải được cải thiện như thế nào để mỗi năm đến mùa mưa, nước đó có thể giúp hồ Gươm tồn tại như một cái hồ đến kỳ sau. Đó là cái cần lưu ý, nếu không đủ độ sâu, không đủ nước thì dẫn đến khô cạn nước và ô nhiễm. Đồng thời phải làm sao để bờ của hồ cũng là bờ sinh thái, có thể quản lý được cộng đồng cá và những cá thể rùa, tảo màu lam trong hồ được bảo tồn hiệu quả. Tôi chỉ đề xuất, những chế phẩm chúng ta đề xuất ra thời điểm này là quá sớm phải thận trọng nếu không tiền vẫn mất và hiệu quả tạo ra sự sống cho hồ Gươm không tốt.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).

Hồ Gươm có thể phát triển một cách tự nhiên nên quan trọng muốn cấu trúc như thế nào, cải thiện như thế nào thì phải làm sao hệ sinh thái sống trong hồ Gươm phải được khôi phục và hệ sinh thái ấy tác động của những chất hóa học kể cả sinh học phải thấp nhất có thể. Trên cơ sở những kinh nghiệm đã có phải hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến các nhà bảo tồn, nhà sinh thái.

Là người đã có nhiều nghiên cứu về hồ Hà Nội, bà có đề xuất như thế nào để việc cải tạo hồ Gươm đem lại hiệu quả nhất?


Theo tôi, chúng ta phải có nghiên cứu hệ sinh thái hồ Gươm có những gì và cần những gì, nếu chỉ cần đến bèo, 1 số thực vật thì không phải nghiên cứu sâu. Tất cả đề xuất hiện nay đều chưa dựa vào cái mong muốn cuối cùng của chúng ta là hồ Gươm có độ sâu bao nhiêu, đáy như thế nào, hệ sinh thái như thế nào, cộng đồng cá, thực vật sống như thế nào, nước đưa vào hàng năm như thế nào để đảm bảo hệ sinh thái đó sống?

Một khi hệ sinh thái đã sống thì không cần cấy cái này hay cái khác vào mà cố gắng đưa hồ về trạng thái tự nhiên nhất có thể và tất cả những tác động đó cần phải cân nhắc kỹ. Nên ngay từ đầu chúng ta không có nền tảng là khao khát thiết kế của hồ Gươm cuối cùng như thế nào mà đã đưa ra một số biện pháp rất là nhỏ thì sợ rằng là có thể hiệu quả không cao, không những không cao mà có tác động ngược lại. Do đó, để cải tạo hồ Gươm thì thiết kế và đưa ra phương án cải tạo phải có thời gian và sự tham gia của các nhà sinh thái, bảo tồn, môi trường và tránh đưa ra biện pháp hóa học sinh học từ bây giờ. Có thể về sau này, phải có những tác động để hồ khỏe hơn nhưng giờ phút này mà đưa ra đưa vào công trình thực hiện thì tôi nghĩ đó là cái khá rủi ro vì chúng ta chưa có nền tảng để khẳng định có cần hay không.

Hồ Gươm bây giờ cải tạo cần đầu tiên là nạo vét bùn, tạo độ sâu, thủy sinh, đủ nguồn nước để hồ tự sống được. Khi hồ đã tự sống được thì mình không cần phải có tác động bất cứ gì, nếu sau đó hồ có sự tổn thương cần có giúp đỡ thì sự giúp đỡ cũng cần cực kỳ cẩn thận để bảo vệ hệ sinh thái và giúp đỡ bằng cái gì thì câu chuyện phụ thuộc vào đúng tình huống lúc đó. Còn bây giờ chúng ta chưa có bệnh mà đã đưa ra những biện pháp chữa bệnh trước thì rủi ro. Hồ như con người ốm thì mới sửa, giờ phải giúp cho hồ khỏe đã, nếu khỏe thì không cần uống thuốc gì.

Hồ Gươm là hồ của quốc gia, là một trong hồ được quản lý kỹ nhất nhưng Ban quản lý phải có đủ năng lực để hiểu về hệ sinh thái hồ và phải giám sát hệ sinh thái, lượng mưa hàng năm để tạo điều kiện hồ đủ nước và trở về tự nhiên như trước. Sau 1 – 2 năm đầy đủ nước thì hệ sinh thái tự quay trở lại. Hệ sinh thái không phải là cái chúng ta đặt vào, hệ sinh thái là tự nó, tự nguồn nước đó tạo ra sinh vật sống và phải tự nhiên. Việc chúng ta cải tạo đáy, lớp bùn tự nó dần dần có quần thể vi sinh, những động thực vật tự nó tương tác với nước, lâu dần tạo thành hệ sinh thái. Nhưng điều kiện tiên quyết là đủ nước.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Trang (thực hiện )
Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học hồ Gươm trước khi cải tạo
Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học hồ Gươm trước khi cải tạo

Mới đây, Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất phương án cải tạo hồ Gươm trong 69 ngày. Theo đánh giá chung thì đây là việc cần làm, tuy nhiên còn nhiều ý kiến lo ngại cải tạo hồ Gươm sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN