"Cái đích" của xây dựng Nông thôn mới là nâng cao đời sống nhân dân

Chiều 21/12, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương với cán bộ và nhân dân huyện Kinh Môn về xây dựng nông thôn mới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Anh-TTXVN.

Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt mục tiêu trên, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; quan tâm hỗ trợ các xã khó khăn…


Huyện Kinh Môn đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, hiện nay huyện đã có 14 xã đạt chuẩn, 5 xã đã hoàn thiện thủ tục đề nghị xét công nhận tiêu chí huyện nông thôn mới. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 33,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%.


Huyện phấn đấu trong quý II/2017 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 9 tiêu chí của một huyện nông thôn mới, hiện nay Kinh Môn đang thực hiện và dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2017 sẽ hoàn thành.


Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều lượt ý kiến của cử tri, cán bộ và nhân dân về những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến việc huyện Kinh Môn đang tập trung để hoàn thành mục tiêu là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hải Dương.


Các ý kiến đề nghị ưu tiên cho vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, giảm bớt thủ tục hành chính trong việc xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp, đầu tư kinh phí xây dựng bãi rác của huyện và các công trình bảo vệ môi trường, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các trường học sớm đạt chuẩn; đề nghị có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, thu hút đầu tư vào nông nghiệp; đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường; có cơ chế khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng giao thông nông thôn.


Tại cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở cơ sở hạ tầng mà cái đích phải là đời sống nhân dân được nâng lên; cơ sở vật chất tăng cường, tinh thần đoàn kết trong toàn dân, tình hình an ninh trật tự được ổn định, các cấp ủy chính quyền năng động và sáng tạo, nhân dân hăng hái hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới.


Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, các sở ngành, huyện Kinh Môn nói riêng và các địa phương cần tiếp tục tìm hiểu, lắng nghe các ý kiến người dân để từ đó tháo gỡ những khó khăn, tìm các giải pháp hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
Tính đến hết tháng 11/2016, Hải Dương đã có 74 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.


Dự kiến đến hết năm, có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 15,6 tiêu chí. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt gần 27.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhân dân đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng (chiếm 14,8%)./.

Mạnh Minh (TTXVN)
Long An đầu tư 2.300 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Long An đầu tư 2.300 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Long An đã quyết định đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN