Các tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc ngày 29/7 khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra.

Cây xăng tư nhân tại xã Xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 1, từ đêm 28 đến rạng sáng 29/7, tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được có nơi trên 200 mm như Bình Trung 262,5 mm, Bản Thi 183,1 mm, Đông Viên 113 mm (huyện Chợ Đồn), Thanh Mai 102,9 mm, Chợ Mới 91,3 mm (huyện Chợ Mới).

Huyện Chợ Đồn là địa phương chịu nhiều thiệt hại về tài sản do mưa lũ. Nước lũ dâng cao tại các sông suối trên địa bàn huyện, nhiều đoạn đường tắc không thể di chuyển được do ngập nước và sạt lở. Tuyến đường từ huyện Chợ Đồn đi hồ Ba Bể xuất hiện điểm tắc tại khu đập tràn Nà Áng, nước đang đổ về rất to, xe ô tô không thể lưu thông, xe máy đi đường tránh qua khu đất của các hộ dân xung quanh.

Tại xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn), nước đang lên cao gây ngập úng cánh đồng của xã. Tuyến Tỉnh lộ 258B đã bị tắc tại đèo Ba Bồ do sạt lở với khối lượng lớn, ước tính hàng nghìn m3 đất đá. Tuyến đường Chợ Đồn đi Bình Trung, nước cũng đổ về rất lớn, đập tràn qua đây đã bị tắc, đập tràn Khuổi Tàu đi qua Bằng Lãng - Phong Huân nước dâng cao, phương tiện và người không thể đi qua. Kênh Nà Tầu thuộc xã Yên Nhuận (huyện Chợ Đồn) bị sạt lở, gãy 35 m. Tại xã Yên Mỹ (huyện Chợ Đồn), một cây xăng bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở đất và một nhà dân bị hư hỏng.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương theo phương châm "4 tại chỗ". Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huy động lực lượng cùng người dân tổ chức khắc phục ngầm cầu tràn bị ngập, hư hỏng. 

Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn cử người canh gác 24/24 giờ tại khu vực cầu tràn để cảnh báo người và phương tiện đi lại. Đối với điểm ùn tắc tại tuyến đường 258B do sạt lở, Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn đang tổ chức khắc phục để thông đường trong thời gian sớm nhất. Các hộ dân sống ở khu vực cạnh cây xăng bị sạt lở cũng đã được di dời đến nơi an toàn.

Tuyên Quang giúp dân khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 1

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, từ ngày 27-29/7, các khu vực trong tỉnh Tuyên Quang có mưa rào và dông, với lượng mưa cả đợt phổ biến từ 50-100 mm; riêng khu vực thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương có lượng mưa từ 150-200 mm.

Mưa lũ đã làm 14 nhà dân ở 2 huyện Hàm Yên và Yên Sơn bị đất, đá sạt lở vùi lấp, rất may không có thiệt hại về người. Ngoài ra, mưa lũ còn làm ngập úng hơn 267 héc-ta lúa và hoa màu; hàng chục héc-ta ao cá của các hộ dân ở huyện Yên Sơn, Hàm Yên bị tràn bờ; nhiều công trình thủy lợi và đường giao thông liên thôn, liên xã bị đất, đá sạt lở vùi lấp…

Ngay sau khi nhận được thông tin thiệt hại tại các địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đã cử cán bộ xuống những nơi bị thiệt hại chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Cùng với đó, c ác cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong trong tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các thành viên, hội viên tham gia giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại tu sửa lại nhà để ổn định chỗ ở và sinh hoạt…

Nam Định khẩn trương cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống

Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Nam Định Trần Mạnh Sỹ cho biết, bão số 1 với sức gió mạnh cấp 12 giật cấp 13 kèm theo mưa lớn đã gây hư hỏng nặng cho đường dây trung áp và hạ áp, dẫn đến mất điện tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định từ đêm 27, rạng sáng 28/7.

Công nhân Công ty Môi trường đô thị thành phố Nam Định dọn dẹp thu gom rác sau bão. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Hiện Điện lực Nam Định đang tập trung toàn bộ lực lượng khắc phục sự cố do mưa bão gây ra, khẩn trương cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân; trong đó ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng để cứu lúa và hoa màu.

Ngày 29/7, đã có 6 trạm bơm lớn phục vụ tiêu úng trên địa bàn tỉnh Nam Định được cấp điện trở lại. Công ty Điện lực Nam Định cũng đã cấp điện cho trên 450.200 khách hàng tại khu vực thành phố Nam Định và 11 xã của 3 huyện: Giao Thủy, Nam Trực, Mỹ Lộc.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định còn gần 100 xã, thị trấn mất điện. Đối với các cột điện bị gãy đổ, dây điện bị đứt, Công ty Điện lực Nam Định đang nỗ lực thay thế tạm thời, sửa chữa, phấn đấu đến ngày 1/8 sẽ cơ bản cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Để đảm bảo lưới điện kiên cố, an toàn, Điện lực Nam Định sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát và nâng cấp hệ thống điện trên địa bàn tỉnh.

Bão số 1 đổ bộ vào Nam Định đã làm hơn 1.900 cột điện trung áp bị nghiêng, gãy đổ và 2 km dây điện bị đứt, 5 trạm biến áp gặp sự cố. Toàn tỉnh cũng đã có 18.000 cột điện hạ áp bị nghiêng, gãy đổ và 100 km dây bị đứt. Ước tính thiệt hại của ngành điện lên tới 100 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, bão số 1 đã gây nhiều thiệt hại đối với ngành nông nghiệp của tỉnh. Theo thống kê, Nam Định có 74.100 ha lúa mùa ở 220 xã bị ngập úng, hơn 8.500 ha hoa màu bị dập nát, nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ngập lụt, mất trắng.

Hà Giang: Một người chết, thiệt hại trên 6 tỉ đồng do mưa lũ

Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang: Từ ngày 28 đến trưa 29/7, hoàn lưu bão số 1 đã gây ra mưa lũ, sạt lở đất đá trên địa bàn Hà Giang, làm một người chết, tổng thiệt hại ước tính trên 6 tỉ đồng.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại huyện Hoàng Su Phì xảy ra mưa to đến rất to kéo dài tại nhiều nơi, gây sạt lở đất vào một nhà dân tại thôn Na Van, xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì, khiến anh Lù Tờ Sơn, 40 tuổi tử vong. Huyện cũng đang huy động các lực lượng để tìm kiếm hai người mất tích nghi do lũ cuốn trôi tại thôn Nắm Na, xã Bản Nhùng.

Tại huyện Xín Mần, một nhà dân tại xã Quảng Nguyên và một nhà văn hóa tại xã Trung Thịnh bị sập hoàn toàn. Gió to kéo theo mưa lớn làm gần 18 ha ngô đang giai đoạn thu hoạch tại huyện Mèo Vạc bị gãy đổ, 20 ha cây cam, quýt tại huyện Bắc Quang bị ngập úng.

Mưa nặng hạt kéo dài cộng địa hình dốc đứng tạo ra lũ dồn đã gây sạt lở 35m mặt đường Quốc lộ 4, đoạn qua xã Thanh Đức của huyện Vị Xuyên; gây chia cắt giao thông đi Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Hiện giao thông tại khu vực này đang bị ách tắc. Mưa lũ cũng làm sạt lở hơn 4.000m3 đất đá tại nhiều tuyến đường giao thông liên xã tại huyện Xín Mần.

Để khắc phục hậu quả trên và đối phó với những diễn biến mưa lũ phức tạp, tỉnh Hà Giang chỉ đạo lực lượng tại chỗ hỗ trợ các gia đình bị đất đá sạt vào nhà; huy động máy móc khắc phục sạt lở tại các tuyến đường, nhất là Quốc lộ 4; đồng thời có phương án đề phòng mưa lớn có thể gây ra sự cố vỡ đập, hồ chứa và công trình thủy điện.

Tập trung khắc phục nhanh hậu quả bão số 1 và mưa, lũ

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngay sau khi bão số 1 chấm dứt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp giao ban và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 1 và mưa, lũ. Bộ đã cử 2 đoàn công tác xuống các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình để phối hợp với địa phương triển khai công tác này.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đã tổng hợp thiệt hại ban đầu do bão số 1 và mưa, lũ gây ra; có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa, bão. Tính đến 17h ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khắc phục xong lưới 500KV Thường Tín – Nho Quan và đường dây 220KV Ninh Bình – Bỉm Sơn và 321/493 tuyến đường dây bị sự cố (Hà Nội 131/152 tuyến; Thái Bình 48/94 tuyến; Nam Định 23/85 tuyến; Hà Nam 20/56 tuyến; Ninh Bình 39/44 tuyến; Hải Phòng 60/62 tuyến). 

Đến sáng 29/7, ngành điện lực cũng đã tập trung khắc phục các sự cố nên tất cả các trạm bơm thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam đã được vận hành, riêng trạm bơm Cốc Thành dự kiến ngày hôm nay sẽ được vận hành. Các địa phương đã và đang thực hiện thu, dọn cây bị gãy đổ, tiếp tục tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, bão số 1 đã làm 2 người chết (1 người tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội do đổ tường lan can tầng 2; 1 người tại Yên Bái là anh Giàng A Rua 14 tuổi, thôn Chống Tàu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu do lũ cuốn trôi); 1 người mất tích (anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên trên tàu TH 90298 bị hỏng máy và chìm cách đảo hòn Mê khoảng 3,5 km); 10 người bị thương (Hà Nội 5 người, Thái Nguyên 3 người, Hòa Bình 1 người, Nam Định 1 người).

Có 8 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 4.384 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 19 nhà bị ngập nước; 12 tàu cá bị chìm, 4 tàu vận tải bị hư hỏng do sóng đánh xô vào nhau, 75 bè mảng bị chìm; 215.289 ha lúa bị ngập úng, 55.283 ha rau màu bị hư hại, 8.306 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị gãy, đổ giảm năng suất, 34.093 cây xanh bị đổ, gãy; 13.922 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 150m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng. 

Đê kè bị sạt lở với tổng số 9 đoạn/831m, kênh mương bị hư hỏng 170 m; 826 ha và 59 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 17.026 cột điện bị gãy, đổ. Chính quyền các địa phương tại các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Ngày 29/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đã có văn bản số 87 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa yêu cầu báo cáo phân tích, đánh giá nguyên nhân, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong việc triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các thiệt hại chính do bão gây ra; thực hiện việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai theo đúng nội dung, phương thức, chế độ và biểu mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015.

Trên cơ sở thiệt hại do thiên tai và nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả của địa phương, tổng hợp nhu cầu, phân loại và đề xuất hỗ trợ cụ thể gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đặc biệt là với những nội dung hỗ trợ khẩn cấp trước 14 giờ ngày 1/8.

TTXVN/Tin Tức
Hàng nghìn ha hoa màu tại Hà Nội ngập úng do bão
Hàng nghìn ha hoa màu tại Hà Nội ngập úng do bão

Tính đến 16h30 ngày 28/7, ước tính bão đã gây ngập 2.615 ha diện tích lúa (trong đó có 45 ha lúa bị ngập trắng tại huyện Ba Vì).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN