Các quy định về sở hữu trí tuệ đã phù hợp với quốc tế

Năm 2024 dự kiến có nhiều chuyển biến đối với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khi từ ngày 1/7/2024, Cục chính thức không hưởng cơ chế tài chính đặc thù.

Cùng với đó, Cục tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn; xây dựng giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thời gian tới. 

Chú thích ảnh
Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về kế hoạch cũng như giải pháp thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ.

Trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, sở hữu trí tuệ đóng vai trò cốt lõi trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Ông nhận định như thế nào về việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ thời gian qua tại các địa phương?

Hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Phát triển tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và các địa phương. Vì vậy, thời gian tới, việc tiếp tục đầu tư xây dựng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là xu thế tất yếu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt. Năm 2023, Cục đã cấp 202 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 7 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Trong năm 2024, Cục sẽ tiếp tục tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình OCOP. 

Cục cũng tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác.

Từ ngày 1/7/2024, Cục chính thức không hưởng cơ chế tài chính đặc thù. Đơn vị đã có những định hướng gì cho sự thay đổi này, thưa ông?

Ngay từ đầu năm 2024, Cục đã tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ trưởng phê duyệt Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Cục; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục theo cơ cấu tổ chức mới; hoàn thiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Cục để trình cấp có thẩm quyền ban hành; xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức và lao động để bổ sung nhân lực cho các đơn vị thuộc Cục; xây dựng giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Cục xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2024 đáp ứng yêu cầu công việc của Cục và phù hợp với cơ chế tiền lương mới; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch và tổ chức bộ máy mới của Cục; tổ chức xây dựng cơ chế tài chính của Cục và các đơn vị trực thuộc Cục; tổ chức xây dựng định mức lao động cho công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn.

Đặc biệt, những quy định pháp luật mới về sở hữu trí tuệ trong Luật, Nghị định và Thông tư cũng đặt ra không ít thách thức đối với Cục Sở hữu trí tuệ về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin… Tuy nhiên, Cục cũng coi đây là cơ hội để thay đổi, có những bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Việc đơn giản hóa, rút gọn thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ đẩy mạnh quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến đối với các đơn sở hữu công nghiệp. Thực tế lượng đơn ngày càng tăng do nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, vậy, Cục có giải pháp triển khai như thế nào để lượng đơn được xử lý đúng theo thời gian quy định, thưa ông?

Thực tế, năm 2023, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng khá cao, ở mức 8,5%. Cục tiếp nhận 156.413 đơn các loại, tăng 11% so với năm 2022 nhưng Cục mới chỉ xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 13,2% so với năm 2022 và 51.648 đơn/yêu cầu khác, tăng 6,6%. Vì vậy, năm 2024, Cục tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng định mức lao động cho công tác thẩm định đơn sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cũng như triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu trí tuệ đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định; đảm bảo hoàn thành số lượng đơn sở hữu công nghiệp được giao xử lý trong kế hoạch năm 2024.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan đến tài sản trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Hoàn thành triển khai Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, Phần mềm dịch vụ công trực tuyến và phần mềm tra cứu phục vụ thẩm định đơn; xây dựng, mua sắm mới trang thiết bị và vận hành ổn định hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc của Cục; đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng lại cơ sở dữ liệu của Cục, cấu trúc cơ sở dữ liệu mới cho các Trung tâm thẩm định.

Hiện các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tương thích với các cam kết quốc tế chưa, thưa ông?

Các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã phù hợp với các cam kết quốc tế. Để đạt được điều này, Việt Nam đã đẩy mạnh tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế. Cục Sở hữu trí tuệ đã chú trọng đến việc đàm phán các điều ước quốc tế có nội dung về sở hữu trí tuệ, triển khai thi hành các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Thời gian tới, Cục tiếp tục tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế với nhiều đối tác như: Đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); Hiệp định ASEAN - Canada (ACaFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (CEPA); Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ dương - Thái Bình dương (IPEF); tham gia đàm phán xây dựng các văn kiện pháp lý về nguồn gen, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt văn hóa truyền thống của WIPO/IGC… Cùng với việc đàm phán các điều ước quốc tế mới, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thi hành các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Đáng chú ý, Cục đang tham gia nghiên cứu về khả năng ký Hiệp định công nhận bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và các nước là thị trường trọng điểm của nông sản Việt Nam tương tự như đã ký với Liên minh châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu để tạo thuận lợi cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại nước ngoài.

Trân trọng cảm ơn ông.

HL (TTXVN)
Bất cập trong xử lý hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ
Bất cập trong xử lý hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ

Ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4), Cục Điều tra cống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Đến nay, vẫn chưa có vụ án nào bị xử lý hình sự liên quan đến sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân là do Điều 192 của Bộ Luật hình sự (BLHS) chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN