Các huyện miền núi Quảng Nam chủ động ứng phó với mưa lũ

Mưa lớn trên diện rộng trong mấy ngày qua, nhất là đợt mưa dài ngày vào cuối tháng 10/2023 khiến nhiều huyện miền núi Quảng Nam bị sạt lở nặng, việc đi lại gặp không ít khó khăn, nhiều hạng mục hạ tầng bị hư hại. Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", các huyện đã có sự chuẩn bị chu đáo để ứng phó kịp thời, hiệu quả; không để đồng bào bị thiếu ăn trong mùa mưa lũ.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu đã được các lực lượng chức năng căng dây, không cho người dân đi lại, ảnh chụp ngày 15/10/2023. Ảnh (tư liệu): Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Huyện Phước Sơn là địa phương thường xuyên bị mưa lũ gây sạt lở và tắc đường. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn, nhất là các xã vùng sâu vùng xa như Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc, Phước Công, mưa lớn cùng với việc thi công các tuyến đường liên xã còn dang dở khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Mưa lớn kéo dài khiến bờ kè chống sạt lở và nhiều hạng mục hạ tầng khu dân cư Thôn 3, xã Phước Kim và các khu tái định cư ở các xã Phước Thành, Phước Lộc bị sạt lở, ước thiệt hại trên 14,7 tỷ đồng.

Để phòng ngừa rủi ro, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở mới nhằm đảm bảo lưu thông an toàn; tổ chức cắm biển cảnh báo, chốt chặn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, những khu vực nước chảy xiết; sẵn sàng các phương án để kịp thời di chuyển người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Huyện Phước Sơn đã cấp phát cho 4 xã vùng cao (Phước Công, Phước Lộc, Phước Thành và Phước Kim) từ 4 - 6 tấn lương thực và thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân nếu mưa lũ kéo dài, gây ách tắc giao thông.

Tại huyện Nam Trà My, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, trường học bị hư hại nặng. Theo thống kê sơ bộ, tại Khu thể thao, nhà văn hóa hai xã Trà Don, Trà Sơn, nhiều đoạn kè xung quanh bị sụt lún, sạt lở với khối lượng gần 300 m3 và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. Tại Trường Mẫu giáo Trà Linh - điểm trường Tắk Ngo - Kon Pin, mưa lớn khiến taluy âm sạt lở sát vào chân tường gây nguy hiểm đến công tác dạy và học. Nhà trường và chính quyền địa phương đã tạm thời di dời các trang thiết bị và học sinh đến điểm trường Tắk Ngo (Thôn 2) để tiếp tục dạy học. Tại trường Tiểu học Trà Cang - điểm trường Tak Cui, mưa lũ làm đổ sập tường phía sau phòng học khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với mưa lũ, địa phương đã tập trung triển khai phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng di dời người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, huyện chỉ đạo UBND các xã triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro; lưu ý các khu vực nguy hiểm ven sông, suối, các khu vực đã từng xảy ra sạt lở, các tuyến đường, cầu, cống, kém an toàn để phòng ngừa rủi ro.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết thêm, trước mùa mưa lũ năm 2023, huyện đã dự trữ  9 tấn gạo; cấp phát cho 10 xã (mỗi xã từ 12-14 tấn gạo) không để người dân bị thiếu ăn do mưa lũ.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Thời tiết ngày 7/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh vào sáng sớm
Thời tiết ngày 7/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh vào sáng sớm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 7/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời lạnh về đêm và sáng, vùng núi có nơi trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 20 - 23 độ C, khu vực vùng núi có nơi 17 - 19 độ C.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN