Theo đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở tỉnh hạn chế tối đa việc tổ chức cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người (kể cả ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ); tăng cường hội họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, học tập; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Chính quyền cơ sở, nhất là xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố tập trung rà soát, phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi nhiễm bệnh để có biện pháp phù hợp; vận động người dân hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người, tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở tỉnh phải trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, công việc phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ phòng, chống dịch được giao.
Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh hạn chế đi công tác ở ngoài tỉnh, nhất là đi công tác bằng máy bay; trường hợp buộc phải đi công tác ngoài tỉnh thì phải có ý thức tự phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các cơ quan, đơn vị ở tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc như: Bố trí người thực hiện kiểm tra thân nhiệt đối với khách đến liên hệ công tác trước khi cho phép vào cơ quan, yêu cầu khách sát khuẩn tay hoặc rửa tay bằng xà phòng tại vị trí đã được chuẩn bị. Đối với các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp như: Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Trụ sở tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, cấp xã; các đơn vị có hoạt động giao dịch với khách hàng thường xuyên như: Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan, Ngân hàng, Bưu điện, Bảo hiểm xã hội... phải lắp thêm vách kính để đảm bảo phân cách đối với người đến giao dịch; bố trí cán bộ chuyên tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tiền mặt, thẻ của khách đến giao dịch để thực hiện phun hóa chất khử khuẩn trước khi chuyển đến người/cơ quan chức năng giải quyết... nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ...
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ở tỉnh có trách nhiệm thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trường hợp bị sốt, ho, khó thở phải đến ngay bệnh viện, trung tâm, trạm y tế để được kiểm tra y tế.
Tại các công sở phải treo (dán) các bản hướng dẫn phòng dịch, thường xuyên vệ sinh các vị trí nhiều người sử dụng chung như thang máy, cầu thang, nhà vệ sinh...; thu gom rác thải, khẩu trang đã qua sử dụng đúng quy định...
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bắc Giang, tính đến 16 giờ ngày 15/3, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Tại tỉnh có 60 người nghi ngờ mắc virus SARS-CoV-2; trong đó có 48 người đã loại trừ do có xét nghiệm âm tính; 10 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng chưa loại trừ do có yếu tố dịch tễ cao; 2 người đang được cách ly theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Toàn tỉnh có 175 người hiện còn trong thời gian cách ly 14 ngày đang được cách ly y tế tập trung; 748 người đang được quản lý theo dõi cách ly tại nhà.
* Ngày 16/3, tại hội nghị trực tuyến với 115 điểm cầu, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước tính đến chiều 16/3 trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19. Tuy nhiên, ngành Y tế đang theo dõi, giám sát và cách ly 288 người với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, hiện có 6 trường hợp được cách ly giám sát y tế do tiếp xúc gần với ca bệnh thứ 45 mắc COVID-19; trong đó có 3 ca đầu xét nghiệm có kết quả âm tính. Hiện 3 ca còn lại đang chờ kết quả.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu các đơn vị toàn tỉnh chủ động theo dõi, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ, đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động. Nếu có người đến từ vùng có dịch, hoặc có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, khó thở… thì quyết định ngay việc cách ly và báo cáo cơ quan y tế để được xử lý theo quy định.
Song song đó, chuyển các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và các cuộc họp sang hình thức trực tuyến, online, giải quyết các thủ tục hành chính bằng phương pháp trực tuyến… Dừng tổ chức tất cả các lễ hội, các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí, tập trung đông người, đoàn tham quan du lịch. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là trường hợp giấu bệnh, không khai báo chính quyền, các hành vi tung tin, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực trong phòng, chống dịch...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, nơi nào để xảy ra tình trạng quan liêu, không nắm được tình hình trong dân, triển khai các nhiệm vụ được giao kém hiệu quả, người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy.
* Chiều 16/3, UBND tỉnh An Giang đã có công văn gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cho tạm ngừng các hoạt động liên quan đến các dịch vụ game online, karaoke (kể cả karaoke di động), massage, quán bar, vũ trường kể từ ngày 18/3/2020 đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, tỉnh khuyến cáo và vận động người dân trong việc tổ chức lễ cưới, ma chay, đám tiệc giảm quy mô, hạn chế tập trung đông người trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng như chợ, siêu thị, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... kể từ ngày 16/3/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, tổng hợp tình hình báo cáo Ban Chỉ đạo cùng cấp để kịp thời nắm bắt xử lý.
Bên cạnh đó, các địa phương, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch bệnh theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan y tế tại địa phương, kịp thời thông tin các trường hợp nghi bị nhiễm bệnh để có phương án cách ly, theo dõi, không để lan rộng ra cộng đồng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng 1 đến 2 khu cách ly tập trung tại địa phương mình theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế quy định trước ngày 20/3/2020, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cách ly khi có tình huống xảy ra. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các tổ dân phố khóm ấp, các tổ tự quản dân cư thường xuyên rà soát nắm tình hình người khác đến địa bàn từ những nơi có dịch COVID-19 để kịp thời kiểm soát, quản lý. Lãnh đạo địa phương nào để để lọt đối tượng gây bùng phát dịch trên địa bàn sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, đến 16 giờ ngày 16/3, trên địa bàn tỉnh chưa có ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh đang cách ly tập trung 270 người, trong đó tại Trường Quân sự tỉnh tiếp nhận cách ly 236 người (2 người đã hết thời gian cách ly trở về gia đình, hiện còn 234 trường hợp, tất cả sức khỏe vẫn ổn định), tại Đại đội bộ binh 6 (xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu) đang cách ly 34 người, Trạm y tế xã Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc tiếp nhận cách ly 2 người, tất cả các trường hợp trên sức khỏe ổn định. Có 41 người đang theo dõi sức khỏe tại nhà; 128 người đã qua 14 ngày cách ly…