Các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 3

Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cho biết: Từ chiều 16/9 đến hết ngày 17/9, Sở đã cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học để phòng, chống bão số 3 đang có xu hướng đổ bộ vào Quảng Ninh vào chiều tối 16/9. 

 

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc (bên phải), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 3 tại huyện Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Hoàng -TTXVN

 

Ngoài việc tập trung chằng, chống nhà cửa, trường lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học nội trú, bán trú tổ chức trực chiến, bảo vệ an toàn cho học sinh. Để đảm bảo tiến độ chương trình học tập, sau bão số 3, các trường học sẽ chủ động việc học bù cho phù hợp với thực tế của địa phương. 

 

Đối với các địa phương vùng núi, biển đảo, ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học sớm, kết hợp với gia đình quản lý con em nhằm bảo vệ an toàn cho các em nhỏ khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền. 

 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nếu tình hình bão lũ vẫn có chiều hướng phức tạp vào ngày 18/9, Sở có thể gia hạn việc nghỉ học tiếp tục. 

 

Từ 17 giờ ngày 16/9, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu thực hiện cấm xe thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy khi gió giật cấp 6 và cấm hoàn toàn các phương tiện khi gió bão giật cấp 10. Khi cấm cầu ở mức độ gió giật cấp 6, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý cầu phà Quảng Ninh sẽ bố trí ô tô chở người và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn. 

 

* Ngày 16/9, tỉnh Thái Nguyên đã có công điện khẩn về việc phòng, chống cơn bão số 3. Theo đó, để chủ động phòng, chống lụt bão, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức chính trị, xã hội và các doanh nghiệp trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chằng chống nhà cửa và các công trình công cộng; kiểm tra và sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập úng... Các đơn vị bố trí người trực, theo dõi, cảnh báo và ngăn chặn việc đi lại tại các cầu, tràn qua sông, suối của người dân trong những ngày mưa lũ; triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa, đặc biệt với các hồ chứa đang có nguy cơ mất an toàn. Các chủ hồ cần duy trì trực 24/24 giờ theo dõi mực nước và lưu lượng nước về hồ, tuần tra, canh gác, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xảy ra. Các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực ban, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và triển khai các biện pháp cần thiết phòng, chống mưa, lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu khi có yêu cầu.

 

Theo dự báo, khu vực tỉnh Thái Nguyên từ đêm 16/9 có mưa, ngày 17/9 sẽ có mưa to đến rất to ở nhiều nơi, gió bão mạnh cấp 5 – 6, giật cấp 7, cần đề phòng gió bão mạnh cấp 7 – 8, gây đổ cây, tốc mái nhà, lũ quét, sạt lở đất ở các vùng đồi núi, lũ lên nhanh ở các triền sông suối, ngập úng các khu đô thị và vùng trũng…

 

* Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, từ chiều 16/9, tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và các địa phương trong tỉnh duy trì trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, chủ động chỉ đạo đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Trong chiều 16/9, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của tỉnh đã đến các địa phương ven biển để nắm tình hình và kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão.

 

Các địa phương ven biển trong tỉnh đang phối hợp với ngành thủy sản, biên phòng kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai đang tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản và chủ động thu hoạch trước mưa bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Ngành nông nghiệp Nghệ An phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ hè thu và các sản phẩm hoa màu khác với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

 

Tại Nghệ An công tác phòng, chống bão số 3 đang được khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay việc phòng, chống bão đang gặp khó khăn, nhất là tại các huyện miền núi, vùng ven cửa sông, biển. Tại những địa phương này, nguy cơ sạt lở đất đá là rất cao, trong khi công tác di dời người dân đến nơi an toàn gặp khó khăn. Mặc dù vậy, tỉnh Nghệ An vẫn yêu cầu các địa phương có ngay phương án sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, vùng hạ du các hồ chứa nước), đảm bảo cao nhất an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

 

Đức-Nhật-Hằng

Hình ảnh khẩn trương phòng bão số 3
Hình ảnh khẩn trương phòng bão số 3

Công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương có thể chịu ảnh hưởng của cơn bão đang được thực hiện một cách khẩn trương và nghiêm túc. Tàu thuyền di chuyển vào nơi tránh trú bão, nhà cửa được gia cố, người dân được di chuyển đến những nơi an toàn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN