“Các cán bộ khoa học luôn quyết tâm bám biển”

GS.TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo, Viện Khảo cổ học Việt Nam luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến chuyến đi khảo sát đến quần đảo Trường Sa trong Chương trình nghiên cứu Trường Sa cấp Nhà nước vào tháng 5 - 6/1999. Ông khẳng định: “Các cán bộ khoa học luôn quyết bám biển dù Biển Đông có dậy sóng”.


Những hiện vật lưu dấu tích người Việt cổ


Năm 1993, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho Viện Khảo cổ học triển khai Chương trình khảo cổ học Trường Sa nhằm thu thập các chứng cứ khoa học phục vụ cho việc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chương trình khảo sát được chia thành nhiều đợt, bắt đầu từ năm 1993 - 1999. PGS.TS Trình Năng Chung may mắn là một trong những thành viên của đợt khai quật, khảo cổ trên quần đảo Trường Sa. Khi ấy, toàn bộ các đảo nổi ở Trường Sa được khảo sát và tiến hành khai quật.

 

Đoàn công tác khai quật khảo cổ trên đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa).

 

Từ những chuyến đi này, các nhà khoa học đã thu được hàng trăm hiện vật, chủ yếu là đồ sành, đồ gốm sứ mang đặc trưng gốm sứ Việt Nam. Kết quả quan trọng nhất của các cuộc khảo sát trên là đã tìm được những bằng chứng khoa học hiển nhiên về hoạt động trên biển cả của người Việt trong lịch sử. Đây cũng là những tư liệu khách quan về dấu vết người Việt cổ trên quần đảo, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.


Lần giở những tấm ảnh kỷ niệm lưu giữ được trong chuyến đi Trường Sa năm đó, PGS.TS Trình Năng Chung bồi hồi chia sẻ: “Được ra Trường Sa, nghiên cứu tìm hiểu về Trường Sa là một trong những kỷ niệm đẹp, là niềm tự hào nhất trong cuộc đời tôi. Khi đặt chân lên mảnh đất Trường Sa, tôi có cảm giác rất thiêng liêng, như đứng trên quê hương giữa đại dương mênh mông. Đặc biệt, khi đoàn khai quật được những mảnh gốm sứ Việt từ lòng đất Trường Sa, một trạng thái cảm xúc dâng trào bởi chúng tôi đã được gặp hồn cốt văn hóa Việt ngay giữa trùng khơi. Phải chăng, qua những di vật gốm sứ nhỏ bé kia, cha ông ta muốn gửi lại thông điệp cho muôn đời sau: “Hãy bảo vệ và gìn giữ lấy tầng trầm tích văn hóa Việt, tinh thần Việt trên mảnh đất này”.

 

Mảnh bát thời Lê trong địa tầng ở đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa).


Năm 1993 - 1994, khi khai quật đảo Trường Sa lớn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh gốm thô mang đặc trưng đồ gốm Sa Huỳnh, một nền văn hóa thuộc thời đại đồ sắt phân bố vùng ven biển miền Trung nước ta, có niên đại trên dưới 2000 năm cách nay. Quan trọng là đã tìm thấy dấu tích di chỉ cư trú chứa nhiều mảnh gốm thời Lê (thế kỷ XV - XVIII). Tổng cộng, trong diện tích khai quật 70 m2 đã thu được hơn 300 hiện vật, trong đó có: Gần 30 mảnh gốm thô, xốp, mỏng độ nung thấp, màu xám. Hơn 150 mảnh đồ đựng bằng sành và hơn 100 mảnh đồ sứ, trong đó chủ yếu là mảnh sứ hoa lam mang phong cách gốm vùng Xuân Giang (Hà Tĩnh) và Hợp Lễ (Hải Dương).


Đặc biệt tại đảo Nam Yết, qua khai quật diện tích 28 m2, đã phát hiện dấu tích bếp lửa cùng hơn 200 mảnh sành và sứ các loại bình, vò, bát, đĩa. Đáng chú ý là đã tìm thấy 3 mảnh sứ men ngọc của thời Trần thế kỷ XIII-XIV. Ở đảo Song Tử Tây, các nhà khoa học đã tìm thấy 16 đồng tiền thời Nguyễn trong hố khai quật. Tại các đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn, cũng tìm thấy nhiều mảnh sành, mảnh sứ thời Nguyễn, thời Lê… Tất cả điều đó chứng minh rằng người Việt cổ đã đặt chân lên quần đảo Trường Sa ít nhất gần 2.000 năm về trước. Từ thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) và liên tục từ đó về sau, tần suất người Việt qua lại, cư trú trên quần đảo Trường Sa ngày một tăng, tạo một tầng trầm tích văn hóa Việt trong lòng quần đảo Trường Sa.


Sẵn sàng vì biển đảo quê hương


Nhớ lại những tháng ngày được cống hiến công sức và trí tuệ của mình cho biển đảo quê hương, PGS.TS Trình Năng Chung chia sẻ: Trước mỗi đợt huy động nhân lực đi khảo sát nghiên cứu khảo cổ học ở quần đảo Trường Sa, các cán bộ của Viện Khảo cổ học đều háo hức xung phong được ra đảo, kể cả những anh em sức khỏe yếu. Nhưng do yêu cầu nghiêm ngặt của công việc, nên số người tham gia cũng có hạn định. Qua các đợt khảo sát chỉ có 16 lượt cán bộ được tham gia. Những ngày công tác trên biển đảo, mọi người đều nỗ lực hết mình, vượt gian khó để hoàn thành nhiệm vụ.


“Những ai ra Trường Sa khi về đều có cảm nhận, những gì gắn với Trường Sa sẽ đi theo suốt cuộc đời. Có lẽ, sức sống mãnh liệt của trầm tích văn hóa Việt ở Trường Sa vẫn luôn là nguồn năng lượng tiềm tàng trong tâm khảm của mỗi người trong chúng tôi, giúp chúng tôi luôn vững vàng trong cuộc sống”, PGS.TS Trình Năng Chung tâm sự.


Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước, PGS.TS Trình Năng Chung khẳng định, không chỉ ông mà bất cứ nhà khoa học nào trên đất nước cũng sẵn sàng vì quê hương, quyết tâm bám biển, bám đảo nghiên cứu, khảo sát nhằm tìm ra những bằng chứng xác thực nhất khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cho dù Biển Đông có dậy sóng.


Bài và ảnh: Thu Phương

Ra mắt cuốn 'Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa'
Ra mắt cuốn 'Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa'

Sáng 3/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố tổ chức ra mắt cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa” của nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý – lịch sử Việt Nam Nguyễn Đình Đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN