Cà Mau: Chính quyền ráo riết truy quét, nhiều lò hầm than vẫn ngang nhiên hoạt động

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện nay, tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, nhiều hộ dân vẫn tự ý xây dựng các lò để hầm than trái phép. Ngành chức năng đã phát hiện có 14 lò than (đường kính mỗi lò từ 1-1,5m) được xây dựng trái phép ở khu vực kênh Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn.

Trong số 14 lò này, 5 lò đang hoạt động, số còn lại tạm ngưng vì không có nguyên liệu. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Ngọc Hiển đã phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, tổ chức truy quét nhiều lần, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng các lò hầm than hoạt động trái phép.

Trên lâm phần thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển, khoảng 50 lò than đang hoạt động trái phép nằm rải rác ở các cụm dân cư, chủ yếu là tại các xã như: xã Tam Giang Tây, xã Tân Ân, xã Viên An và xã Đất Mũi. Số lò than này hoạt động đã khá lâu. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp cùng với chính quyền các địa phương và các chủ rừng tổ chức kiểm tra, tháo dỡ nhiều lần.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, nhìn chung, các chủ lò than hoạt động với hình thức riêng lẻ, quy mô nhỏ, xây dựng thô sơ. Nguồn gốc lâm sản được dùng để làm nguyên liệu hầm than hầu hết không có chứng từ hợp pháp, chủ yếu là cành, nhánh cây và củi ven biển.

Tuy nhiên, ở một số vị trí giáp ranh với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng…, tình trạng khai thác rừng trái phép để lấy nguyên liệu hầm than vẫn xảy ra. Theo thống kê, địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển hiện có 5 cơ sở sản xuất than hầm, gồm 4 hợp tác xã và một công ty.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Cái khó hiện nay là hầu hết các lò than hoạt động riêng lẻ trên nhiều cụm dân cư, cách xa các hợp tác xã. Vì thế, không thể sắp xếp các hộ làm nghề hầm than này vào hợp tác xã để quản lý. Mặt khác, đa số những người làm nghề hầm than đều thuộc hộ nghèo, thiếu tư liệu sản xuất, khó phát triển thêm mô hình hợp tác xã mới.

Để giải quyết thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã đề xuất ngành chức năng tỉnh phối hợp cùng chính quyền các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn tổ chức rà soát lại những người đang làm nghề hầm than riêng lẻ, trái phép, từ đó phân loại thành từng nhóm như: hộ dân tại chỗ, dân di cư… Sau đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp tuyên truyền, sắp xếp việc sản xuất cho họ mang tính ổn định lâu dài hơn.

Đối với 14 hộ đang có lò hầm than trái phép tại kênh Nhà Hội, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND xã Tam Giang tuyên truyền vận động sớm đưa các hộ này vào Hợp tác xã 2/9 để được quản lý chặt chẽ, giúp các hộ hoạt động sản xuất hợp pháp.

Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương yêu cầu các chủ rừng có chỉ tiêu khai thác sẽ ưu tiên bán đấu giá cây rừng cho các hợp tác xã để có nguyên liệu sản xuất than. Việc làm này nhằm chấm dứt tình trạng "móc nối" để khai thác cây rừng trái phép lấy nguyên liệu hầm than.

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Bảo vệ Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau
Bảo vệ Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau

Để bảo vệ trên 45.000 ha rừng tràm ở Cà Mau được "bình an" trong mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường phòng chống cháy rừng mùa khô, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; đặc biệt là có giải pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN