Cà Mau bàn giải pháp chống hạn mặn

UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc họp khẩn ngày 6/3 nhằm bàn giải pháp chống hạn, xâm mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam phát biểu đề xuất giải pháp ứng phó với hạn hán, chống xâm mặn. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Đặc biệt, hiện tượng El Nino đã và đang diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến đời, sống sản xuất của nhân dân trên địa bàn tình. Theo UBND tỉnh Cà Mau, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt ứng phó với biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, nhưng do diễn biến các hiện tượng quá nhanh với cường độ mạnh, tỉnh đã gánh chịu nhiều thiệt hại trên các mặt kinh tế - xã hội; trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Hiện, tỉnh Cà Mau có diện tích trà lúa bị mất trắng trên 49.300 ha, hơn 15.000 ha cây trồng và 2.709 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại. Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau cũng đã công bố thiên tai đối với các trà lúa theo Quyết định số 284 của UBND tỉnh, nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai để nhân dân sớm khôi phục lại sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, độ mặn các vị trí trên toàn tỉnh dao động từ 23 - 30 phần nghìn. Các vị trí có độ mặn cao là tại các cửa sông ven biển Đông và ven biển Tây, các sông tại thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, huyện U Minh. Các cống ven biển Tây huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh bị rò rỉ độ mặn từ 1 đến 15 phần ngàn trong phạm vi từ 100 đến 1.000m.

Tính đến thời điểm này, phần lớn hệ thống kênh, mương bị khô cạn nước làm tê liệt nghiêm trọng tuyến giao thông thủy ở vùng ngọt hóa, nông dân bị động nguồn nước tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa nông sản đi tiêu thụ hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, gần 42.000 ha rừng tràm đang đối mặt với nguy cơ cháy lớn, bởi thiếu nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng do kênh, mương bị khô cạn.

Dự báo của cơ quan chức năng, hiện tượng El Nino có thể tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016. Nếu kịch bản này xảy ra theo đúng dự báo thì tác động sẽ hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn.

Trước tình hình bất lợi trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Sở Tài Nguyên-Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau cũng đã đề xuất các giải trước mắt và lâu dài thích ứng với sự biến đổi khí hậu và nước dâng, nhất là ứng phó với nạn hạn hán, xâm mặn ngày càng sâu vào nội đồng.

Trước mắt, Cà Mau chỉ đầu tư xây dựng một số dự án, công trình thủy lợi thực sự mang tính bức xúc có tác dụng tức thời ứng phó với hạn hán, chống xâm mặn như: gia cố các cống, đập, bờ bao, thực hiện nạo vét kênh mương thủy lợi, đường giao thông vừa phục vụ sản xuất, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa nông sản ra thành thị tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định: Tỉnh đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao do hạn hán, nắng nóng kéo dài làm nguồn nước dưới kênh, mương nhanh chóng khô cạn. Mặt khác, vấn đề nan giải là ở vùng ngọt đang thiếu hụt nguồn nước dùng để sinh hoạt, phục vụ rửa mặn, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản.

Do vậy, về lâu dài tỉnh Cà Mau đã đề xuất chính phủ và các bộ, ngành trung ương đầu tư vốn xúc tiến triển khai xây dựng hồ trữ nước ngọt ở khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ theo quy hoạch, nhằm chủ động nguồn nước phục vụ đời sống, sản xuất nuôi trồng của hàng ngàn chục nghìn hộ dân, kết hợp phòng chống cháy rừng.

Các ngành chức năng cũng cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng thủy lợi, quy hoạch đưa nước ngọt về Cà Mau cũng như quy hoạch đê sông, chống sạt lở cửa biển, bờ biển và nghiên cứu các giải pháp chống sụt, lún đất cho Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biển đổi khí hậu diễn ra hết sức cực đoan như hiện nay.

Ngoài ra, Cà Mau cũng đề xuất trung ương kịp thời có chính sách hỗ trợ thiệt hại về sản xuất nuôi, trồng để khôi phục sản xuất; đồng thời hỗ trợ thiết bị, máy móc như: máy đo độ mặn, đo pH, máy bơm di động, máy phun thuốc bảo vệ thực vật và dập dịch…; hỗ trợ nguồn lực cho công tác quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản, cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật và các biện pháp phòng ngừa thiệt hại nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của nắng hạn đối với tỉnh Cà Mau.

Kim Há (TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì hạn mặn
Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì hạn mặn

Nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập ngày càng phức tạp khiến cuộc sống của người dân ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long ngày càng khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN