Buồn vui nghề nhặt rác ven sông

Trong một lần tình cờ chứng kiến cảnh công nhân môi trường đô thị đang nhặt rác, cắt cỏ bên cạnh sông An Cựu (TP Huế). Tò mò về một nghề mà chưa mấy hiểu biết, tôi bắt chuyện với những người đang làm nghề theo dọc triền sông, với những trải nghiệm về chuyện nghề, họ đã cho tôi thấy sự bất ngờ và thú vị ở góc khuất cuộc đời những con người bình thường, giản dị này.

Gian nan một nghề

Cũng như những nghề liên quan đến môi trường khác. Nghề lượm rác ven sông cũng nhằm mục đích dọn sạch môi trường, trả lại cảnh quan tự nhiên sinh thái. Tuy nhiên, tại thành phố Huế, nơi nổi tiếng với dòng sông Hương thơ mộng, với nhiều nhánh sông lan tỏa khắp thành phố, thì công việc ấy lại trở nên khó khăn và đặc biệt hơn rất nhiều. Sau mỗi đợt mưa dông chợt đến chợt đi như một điều bình thường ở mảnh đất cố đô, rác lại ngập tràn khắp các mặt sông, tràn lên cả vỉa hè, bám vào mặt cỏ, đặc biệt là các con sông chảy qua trung tâm thành phố, tại những đầu mối chợ, khu dân cư... với đủ các loại: Túi ni lông, hộp cơm, nhựa...

Nhác thấy một công nhân đang cắt cỏ, vớt rác bên bờ sông An Cựu, tôi vội vàng bắt chuyện. Qua câu chuyện, tôi được biết người công nhân tên là Thanh. Khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, anh Thanh nói: “Tụi tui đang cố làm cho sạch đoạn sông này. Dạo này rác nhiều quá”. Thấy tôi ngỏ ý muốn đi cùng trên thuyền, anh Thanh tiếp lời: “Cái này khó chú à, thuyền chỉ có 2 phao cứu sinh dành cho 2 công nhân. Theo quy định không được cho ai lên nữa. Nếu chú cần, cứ đi ra sông Hương, hôm nay có một đội đang dọn vệ sinh trên mép sông. Chú đến đó tìm hiểu thực tế cũng được”.

Khung cảnh vớt rác hàng ngày của các công nhân tại bờ sông.

Theo lời anh Thanh, tôi lại ngược ra phía sông Hương. Đoạn gần phía chợ Đông Ba, có 5 công nhân đang lúi húi dọn cỏ, vớt rác ven bờ. Tôi lân la hỏi chuyện, chị Hào (36 tuổi – một công nhân hành nghề) vừa làm vừa chia sẻ: “Ở Huế, việc dọn rác ở trên sông cũng tương đối vất vả. Sông ngòi nhiều, mưa nắng thất thường. Mới một trận mưa rào tối qua mà rác trong chợ lại tràn ra nhiều thế này đây”. Công việc của những công nhân này bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng, dù nhiều thế nào nhưng trong vòng 1 tiếng các đội phải hoàn tất công việc để không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của thành phố, nhất là với các khách du lịch quốc tế khi đến Huế. Đặc biệt trong những ngày lễ như Festival, công nhân phải làm việc tích cực hơn để các dòng sông luôn được sạch đẹp, để lại những ấn tượng tốt về một thành phố xanh trong mắt người tham quan.

Khi nghe hỏi về chế độ làm việc, chị Hào cho biết: “Tụi tui được trang bị bảo hộ đúng với quy định pháp luật. Làm nghề này nhiều nên thành ra cũng quen, nhiều lúc thấy những nơi công cộng có rác là không chịu được, cứ ngứa tay ngứa chân làm cho sạch khu vực đó mới thôi, dù là ngày nghỉ”. Thu nhập bình quân đối với nghề này là trên dưới 2 triệu đồng/người, ngoài ra còn được thưởng nếu có làm thêm.

Tâm sự đời thường

Theo chân chị Hào trở về nhà sau một ngày lao động, dẫn khách vào nhà, chị kể: “Tui làm nghề ni từ năm 1998, gia đình khuyên tui làm nghề ni làm chi cho cực lại độc hại, nếu cần sẽ giúp cho ra ngoài chợ có chỗ bán ổn định hơn. Nhưng làm lâu tui gắn bó với nó như cái nghiệp rồi chú à. Không tách ra được”.

Một công nhân đang chuẩn bị dọn dẹp, trang trí bờ sông Hương.


Theo lời chị Hào, làm nghề này dù cố gắng nhưng trong thời buổi hiện nay, giá cả cứ thi nhau leo thang thì việc kiếm đủ ăn là mừng lắm rồi. Cố gắng vay mượn tằn tiện cho con cái đi học. Mong muốn của chị cũng như đồng nghiệp của mình là ý thức của bà con và những người dân sinh hoạt trở nên tốt hơn trong việc giữ gìn môi trường. Có những hôm đi làm về khuya, rác mới dọn xong vậy mà có người lại đốt vàng mã rải đầy cả mặt sông, chị tới góp ý thì người ta lại mắng: “Nhờ có tụi tôi mà mấy người có việc mà làm, còn cự nự gì nữa”, nghe vậy chị rất buồn nhưng cũng chẳng biết làm sao. Rác ở sông nhiều khi ứ đọng lại trong các cống rãnh, cả đội chị có hôm phải làm liên tục 2 ngày mới khơi thông được đoạn cống tắc nghẽn với ngổn ngang phế thải cùng với mùi hôi thối nồng nặc.

Còn rác ở các mặt sông tại các chợ An Cựu, Bến Ngự, Đông Ba thì lúc nào cũng có, mới dọn lượt này thì lượt khác lại tràn ra. Rác nổi thì còn đỡ, chứ rác chìm thì khó vô cùng, phải mấy ngày sau mới nổi lên hoặc vĩnh viễn chìm làm ô nhiễm dưới đáy sông. Chuyện nghề vớt rác này theo chị Hào thì việc bị thiên hạ “mắng mỏ”được xem là bình thường, có khi đang lúi húi làm việc thì người ta đổ cả rác lên người mình rồi bỏ đi như chẳng có chuyện gì xảy ra, nghĩ cũng buồn nhưng rồi cũng quen.

Cảnh công nhân đang dọn vệ sinh môi trường dọc bờ sông Hương - TP Huế.

So với các nơi khác, nghề lượm rác ở Huế chỉ được trang bị thô sơ là ghe và cây vợt rác. Khi nghe hỏi, có lúc nào thấy nản mà bỏ nghề không, thì chị Hào lại cười và nói: “Đã làm nghề này thì phải có cái tâm, xem việc làm sạch phố phường là trách nhiệm của từng người, gắn bó thế không bỏ được”.
Chia tay chị Hào, tôi chạy xe dọc theo bờ sông Hương hiền hòa trong xanh, vẫn thấp thoáng bóng những lao công đang ngày đêm dọn dẹp phố phường. Nơi những người lao công đang cần mẫn bất kể ngày đêm với một ước mong đầy trăn trở, đó là: “Chỉ mong người dân có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường mà thôi”.

Nguyễn Tiến Nhất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN