Bộ Y tế nỗ lực loại bỏ “giấy phép con”

Bộ Y tế đã nỗ lực rà soát các quy định, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp (thường gọi “giấy phép con”).

Trên cơ sở đó, bộ đã xây dựng 12 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế. Ông Nguyễn Huy Quang (ảnh), Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, xung quanh vấn đề này.

Trong số 12 nghị định mà Bộ Y tế xây dựng, nghị định nào làm “đau đầu” cơ quan soạn thảo nhất? Ngành đã thực hiện việc gỡ các “giấy phép con” trong lĩnh vực đó như thế nào, thưa ông?

Theo Luật Đầu tư năm 2014, có 19 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Sau khi rà soát toàn bộ các văn bản liên quan, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ 12 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Trong số 12 nghị định trên, nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám, chữa bệnh và cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh là cần đầu tư thời gian hoàn thiện nhiều nhất, vì liên quan nhiều đến sự vận hành của hệ thống y tế, liên quan đến chất lượng khám bệnh, đến tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

Nghị định cũng đưa ra quy định mới: Người nước ngoài khi vào Việt Nam hành nghề phải biết tiếng Việt thành thạo, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch. Đây là một quy định thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh khi có người nước ngoài hành nghề. Trước đây, quy định mỗi bác sĩ nước ngoài phải có 1 phiên dịch mà người phiên dịch đó phải có cả bằng chuyên ngành y để đảm bảo tính chính xác của nội dung phiên dịch khám chữa bệnh. Nhưng xét trên thực thế, những phiên dịch như vậy rất hiếm, người có chuyên ngành y thì sẽ không lựa chọn việc làm phiên dịch mà làm chuyên môn. Do đó, trong nghị định mới, quy định này đã được “nới lỏng”.

Trong nghị định đã quy định điều kiện cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (dịch vụ chăm sóc sắc đẹp) như thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, trung tâm thẩm mỹ... thực hiện đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động mà không cần giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, nghị định cũng quy định các cơ sở này không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, không được dùng thuốc, hóa chất, thiết bị làm thay đổi màu sắc da, hình dạng của các bộ phận trên cơ thể. Các dịch vụ này chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có giấy phép hoạt động.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị cắt bỏ khá nhiều quy định trong ngành, vậy Bộ Y tế đã tiếp thu và thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trên tinh thần cầu thị, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã tiếp thu phần lớn ý kiến của VCCI, tiến hành rà soát, chỉnh sửa những quy định sao cho vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhưng lại vừa bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ y tế. Tuy nhiên, Y tế là một lĩnh vực đặc biệt nên bên cạnh việc tiếp thu theo những góp ý thì Bộ Y tế vẫn cần quy định những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân. Đơn cử, trong Sơ yếu lý lịch đối với Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam, Bộ Y tế đã “cắt” quy định kê khai hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, giấy khám sức khỏe thì không bỏ, nhằm bảo đảm người xin giấy phép hành nghề có đủ sức khỏe để đảm đương công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với hoạt động tiêm chủng, để bảo đảm an toàn, Bộ Y tế đã đưa ra các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân viên, bảo quản vắcxin... Việc đưa ra quy định về diện tích tối thiểu phải có như khu vực chờ trước tiêm phải bố trí đủ chỗ ngồi cho ít nhất 50 đối tượng trong buổi tiêm, khu vực theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm có diện tích tối thiểu 15 m2... cũng là nhằm mục đích trên. Trong nghị định quy định về tiêm chủng, Bộ Y tế cũng đã đưa ra một quy định mới, “mở” hơn, đó là các cơ sở đủ điều kiện thì tự công bố và hoạt động, không cần chờ Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép như trước. Tất nhiên, sau khi hậu kiểm, cơ sở nào vi phạm, không bảo đảm các điều kiện quy định thì sẽ không được phép hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên
Doanh nghiệp vàng đề nghị loại bỏ hàng loạt giấy phép con
Doanh nghiệp vàng đề nghị loại bỏ hàng loạt giấy phép con

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Kinh doanh vàng vừa có văn bản đề nghị loạt bỏ nhiều giấy phép con đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN