Bờ kè khu du lịch sinh thái ven biển Nam Định trước nguy cơ bị kéo sập

Bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định bị sạt, sụt nghiêm trọng, có chiều hướng lan rộng. Toàn bộ tuyến kè này đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển kéo sập nếu các cơ quan chức năng địa phương không sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

Sạt lở nghiêm trọng

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, ông Sái Hồng Thanh cho biết, bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông dài hơn 2km có nhiệm vụ bảo vệ khu du lịch tránh khỏi tình trạng sạt lở, xói mòn. Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2012 - 2014 với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng (nguồn kinh phí Trung ương).

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng các ban, ngành chức năng kiểm tra thực tế điểm sạt lở trên bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông.

Sau khi hoàn thành, dù đã trải qua nhiều cơn bão mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao song bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vẫn đứng vững. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2017, bờ kè này đã bị sạt lở, có chỗ cát, đất sụt sâu gần 1m; đến cuối năm 2018, một số đoạn phía Đông bờ kè cũng xuất hiện một vài điểm sạt mới. UBND huyện Nghĩa Hưng đã chi ra 2 tỷ đồng để khắc phục.

Trong tháng 1 - 2/2019, trên tuyến kè này tiếp tục xuất hiện 2 vị trí sạt, sụt khác và có chiều hướng lan rộng. Vị trí kè bị sóng đánh sập thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng dài khoảng 60m, rộng hơn 10m. Tại đây, mái kè giáp biển, các cấu kiện bê tông, gạch lát trên bờ kè đã bị sóng kéo sập, bẻ gãy. Cây xanh trồng trên bờ kè, đất, đá phía dưới cũng bị cuốn xuống biển. 

Vị trí kè bị sóng đánh sập còn lại thuộc địa phận xã Nghĩa Phúc, dài khoảng 20m, rộng hơn 5m. Không chỉ bờ kè, diện tích rừng phi lao ở khu vực này cũng bị tình trạng xói lở ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Vũ Văn Toan nhìn nhận, nếu để bờ kè sạt lở không khắc phục sẽ ảnh hưởng đến khu du lịch sinh thái, cảnh quan. Nghiêm trọng hơn, sạt lở lan rộng có thể kéo sập cả bờ kè gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Dù vậy, việc khắc phục sự cố này nằm ngoài khả năng của địa phương.

Còn Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng thừa nhận, với hiện trạng sạt lở như hiện nay việc khắc phục phải tốn vài tỷ đồng, trong điều kiện nguồn ngân sách của huyện hạn hẹp do vậy rất khó khăn.

Nguyên nhân vì đâu?

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông, phía ngoài vùng biển có 2 chiếc tàu đang khai thác cát. Dư luận có ý kiến cho rằng, có thể việc hút cát tại khu vực này gây ảnh hưởng đến bờ kè.

Trước tình trạng sạt, sụt nghiêm trọng trên tuyến kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông, mới đây lãnh đạo tỉnh Nam Định và các ban, ngành chức năng đã kiểm tra thực tế bờ kè; đồng thời, làm việc với các đơn vị liên quan để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục.

Theo đại diện cơ quan chức năng của tỉnh, thời gian qua Nam Định đã hứng chịu nhiều cơn bão mạnh kết hợp với triều cường dâng cao. Cùng với đó, qua theo dõi của cơ quan chuyên môn, tại vùng biển này xuất hiện những hiện tượng tự nhiên khác thường so với trước đây. Cụ thể, trước năm 2015, khu du lịch sinh thái Rạng Đông thường được bồi lắng lượng cát lớn song 1 - 2 năm trở lại đây, thay vì được bồi lắng như trước, tại khu vực này đã chứng kiến hiện tượng xói lở mạnh.

Một số ý kiến nhận định, có khả năng khi cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) được hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015 đã làm thay đổi dòng chảy, gây tác động ít nhiều đến vùng biển Nghĩa Hưng.

Về việc khai thác cát tại vùng biển Nghĩa Hưng, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cho hay, mỏ cát này được cấp phép, nằm trong quy hoạch bổ sung khai thác cát biển tỉnh Nam Định từ năm 2016; trữ lượng của mỏ cát là 1.438.000m3. Tháng 8/2018, Công ty Sông Đà - Hà Nội (có trụ sở tại Hà Nội) mới tiến hành khai thác, hiện mới được 247.000m3.

Lực lượng chức năng thường xuyên giám sát và tại các thời điểm kiểm tra, việc khai thác cát ở đây diễn ra đúng vị trí, đúng quy định. Hơn nữa, trước thời điểm mỏ cát hoạt động, tuyến kè này cũng đã xuất hiện các điểm sạt, sụt.

Đại diện Công ty Sông Đà - Hà Nội khẳng định, đơn vị hoàn toàn khai thác đúng theo quy hoạch được phê duyệt, không có chuyện khai thác ngoài vị trí được cấp phép. Công suất khai thác của mỏ là 315.000 m3/năm nhưng ước tính đơn vị mới chỉ khai thác đạt khoảng 270.000 m3/năm. Độ sâu khai thác theo quy hoạch 3,65m nhưng công ty mới khai thác ở độ sâu trung bình 0,5m. Cát khai thác được dùng cho việc san lấp mặt bằng Khu Công nghiệp Rạng Đông và phục vụ thi công các tuyến đường của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, huyện Nghĩa Hưng tiến hành xử lý ngay nhằm ngăn sạt lở lan rộng. Cùng với đó, huyện xây dựng phương án kỹ thuật xử lý khẩn cấp các vị trí bị sạt, sụt.

Chú thích ảnh
Một điểm sạt lở trên bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan chuyên môn quan trắc khu vực xảy ra sự cố, làm rõ sự biến động địa chất, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đề xuất giải pháp khắc phục triệt để. Trường hợp cần thiết, mời cơ quan Trung ương giúp đỡ xử lý vấn đề này.

Theo đó, các cơ quan chức năng rà soát hồ sơ liên quan đến quy hoạch, cấp phép khai thác cát tại khu vực này. Nếu thấy việc cấp phép khai thác tại đây chưa đảm bảo an toàn thì nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa quy hoạch cho phù hợp, tránh những tác động đến môi trường, cảnh quan…

Khu du lịch Rạng Đông thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Nơi đây là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư, chim nước, với những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi ven biển và cửa sông rộng hàng trăm ha, nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao.

Năm 2005, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch Rạng Đông với tổng diện tích gần 200ha. Với tham vọng biến nơi này thành khu tắm biển, nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại, tháng 8/2010, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng” do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư.

Sau thời gian dài, “hình hài” khu du lịch sinh thái Rạng Đông vẫn chưa hình thành như kỳ vọng và còn khá hoang sơ. Nhà chức trách địa phương lý giải, khu du lịch sinh thái này chưa hoàn thành, chưa đưa vào khai thác là do được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch từ 200ha lên khoảng 1.000ha. Mục tiêu là xây dựng nơi đây trở thành khu thương mại, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng ven biển...

Bài và ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Hỗ trợ tỉnh Bình Thuận 180 tỷ đồng xây dựng bờ kè ngăn sạt lở bờ biển
Hỗ trợ tỉnh Bình Thuận 180 tỷ đồng xây dựng bờ kè ngăn sạt lở bờ biển

Ngày 11/1, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ tỉnh 180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để xây dựng kè ngăn sạt lở bờ biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN