Bình Thuận kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương

Nhằm nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn cho cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng, từng bước góp phần chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải đại dương và rác thải nhựa, tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương”.

Chú thích ảnh
Các lực lượng tham gia thu gom rác thải dọc bãi biển. Ảnh: Tư liệu

Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP/GEF SGP) tài trợ. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,3 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc hơn 1,3 tỷ đồng. Đây là một phần của dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” do Bộ Ngoại giao Na Uy hỗ trợ được triển khai tại các địa điểm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận và Bình Dương.

Dự án được triển khai trong 2 năm (2020 - 2022) tại các địa bàn: thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong và huyện Phú Quý. Trong đó, tập trung ở các địa điểm phát sinh nhiều rác thải nhựa như: Cảng cá Phan Thiết, tuyến đường du lịch Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Phan Thiết); Cảng cá Liên Hương, tuyến tàu du lịch từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra Hòn Cau (huyện Tuy Phong); các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải (huyện Phú Quý)...

Ngoài xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp đối với chất thải rắn như: mô hình tàu cá và tàu du lịch không xả rác thải đại dương; mô hình khu dân cư, tuyến đường tham gia thu gom rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa… dự án sẽ chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền về phân loại, thu gom, tái chế rác, tái chế chất thải đúng cách; vận động người dân hạn chế sử dụng chất nhựa, túi nilon và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Thị Hải Yến, Dự án kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn phát sinh chất thải nhựa ra môi trường. Thông qua các hoạt động của dự án mà trọng tâm là thực hiện mục tiêu xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp đối với chất thải rắn, nhựa tại các địa bàn dân cư sẽ góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức, thói quen ứng xử cho cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển nền kinh tế biển xanh.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp sẽ phối hợp tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và nhân dân về tác động tiêu cực của rác thải nhựa, túi nilon tới môi trường sống và sức khỏe con người; phát động thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng; các cấp Hội tổ chức các chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại địa bàn dân cư; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các thành viên gia đình tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải, góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của chúng ta sạch, an toàn và phát triển bền vững.

Tin, ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)
Xác định điểm nóng ô nhiễm và xây dựng hành động giảm rác thải đại dương
Xác định điểm nóng ô nhiễm và xây dựng hành động giảm rác thải đại dương

Ngày 10/12, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Viện nghiên cứu và Phát triển của Pháp (IRD) hội thảo “Hướng dẫn Quốc gia về xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và Xây dựng hành động”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN