Bình Định, Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả mưa lũ

Chiều 17/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có Công điện số 14/CĐ-PCTT yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với mưa lũ.

Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân Khu 5) đang dọn vệ sinh trường học để học sinh nhanh chóng được đi học trở lại sau khi lũ rút tại huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ từ ngày 11/12 đến ngày 17/12 đã gây ngập lụt và nhiều thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh có 11 người chết và 2 người mất tích, 85 nhà bị sập, 37 nhà hư hỏng, 68.948 nhà bị ngập nước, 5.821 hộ phải di dời. Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm 5.847ha lúa bị ngập, hư hỏng, 1.732ha hoa màu hư hỏng, 4.825 tấn lương thực bị ngập nước ; 11.650m bờ sông bị sạt lở, 5.000m kè bị hư hỏng và 53.452m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 17 cầu bị hư hỏng, 76 điểm giao thông bị ách tắc, 65.850m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng…

Chiều 17/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có Công điện số 14/CĐ-PCTT yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với mưa lũ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, an toàn hồ chứa, chống ngập úng cho cây trồng. Các địa phương và lực lượng vũ trang đã bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ.

Đến 16 giờ ngày 17/12 , mực nước lũ trên các sông tiếp tục xuống chậm và ở mức trên dưới báo động I; riêng hạ lưu sông Kôn ở mức báo động II – III, có nơi trên báo động III. Hiện nay, tất cả các hồ chứa đã đầy nước, các hồ có tràn xả sâu đang chủ động điều tiết nước về hạ du, các hồ có phai gỗ chưa đóng phai để đảm bảo an toàn đập.

Tại Thừa Thiên - Huế, đến chiều 17/12, mưa giảm, nước trên các con sông bắt đầu xuống. Thừa Thiên - Huế đã có thêm 1 người chết trong khi đi bủa lưới bị cuốn vào vùng nước sâu. Nạn nhân là ông Nguyễn Long B (48 tuổi, ngụ tổ dân phố Bồn Trì, phường Hương An, thị xã Hương Trà).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh đã chủ động cho học sinh nghỉ học và chỉ đạo các ngành, địa phương bố trí lực lượng túc trực tại các địa điểm quan trọng để sẵn sàng ứng cứu người dân khi cần thiết. Việc cắt lũ, xả lũ đều được thông báo trước và không xả vào ban đêm.

Với phương châm "an toàn cho người dân và hạn chế thiệt tài sản của người dân, sau đó chuẩn bị cho vụ mùa tới", tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cảnh báo sớm cho người dân cũng như hỗ trợ họ sơ tán, di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường lực lượng kiểm tra những nơi xung yếu, nhất là theo dõi sạt lở bờ biển và vùng đê bao có nguy cơ vỡ để kịp thời xử lý, khắc phục, hạn chế các thiệt hại xảy ra...

Tại huyện Quảng Điền, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đăng Khoa cho biết, địa phương này đang cần được hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ với chiều dài 500m; sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua thôn Hà Cảng, Hạ Lang, xã Quảng Phú với chiều dài khoảng 500m; sạt lở một số đoạn trên đê Diên Hồng đoạn qua xã Quảng Phước với chiều dài khoảng 500m; sạt lở hai bờ đê hói Bạch Đằng, xã Quảng Phước với tổng chiều dài 1.500m… nhằm đảm bảo an toàn và sản xuất của người dân.


Viết Ý- Quốc Việt (TTXVN)
Khánh Hòa kêu gọi khẩn cấp hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ
Khánh Hòa kêu gọi khẩn cấp hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 17/12, do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn tỉnh có 2 người chết, 33 ngôi nhà bị sập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN