Bình Định đối mặt với hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến lượng nước tại hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định ở dưới mực nước chết.

Khoảng 3.400 ha lúa trên địa bàn tỉnh đang thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, khô hạn cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở các huyện phía Bắc của tỉnh. Đây là đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua tại tỉnh Bình Định.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khiêng máy ra đồng để bơm nước cứu lúa.

Gồng mình chống hạn

12 giờ trưa, nắng nóng gay gắt phả rát mặt người đi đường nhưng người dân thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) vẫn "đội" nắng để đóng máy bơm, tìm nguồn nước cứu lúa. Cánh đồng mẫu lớn của xã đang kỳ trổ đòng nhưng do thiếu nước, nhiều diện tích bị khô hạn, cháy lá.

Ông Trần An Diêm, thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương cho biết: Đập Lại Giang cạn khô, nước thủy lợi không thể về tới đây. Khoảng ¼ cánh đồng mẫu lớn của xã, lúa đã cháy khô. Lúa đang kỳ trổ đòng, người dân phải tự bỏ tiền để thuê người đóng giếng khoan cứu hạn.

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương phải thuê thợ đóng giếng bơm cứu lúa. Theo ông Hạnh, nếu không kịp thời tiếp nước, lúa làm đòng héo khô, nếu trổ bông cũng lép hạt.

Người dân ở đây cho biết, chi phí khoan giếng là 5-6 triệu đồng, máy bơm chạy liên tục 24/24 giờ vẫn không đáp ứng đủ nước.

Những ngày qua, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi Bình Định làm việc cả ngày lẫn đêm trên các cánh đồng để lắp đặt máy bơm dã chiến ở vùng khô hạn.

Ông Lê Trung Cang, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết, các con sông và hồ đập lớn ở phía Bắc tỉnh Bình Định đều khô cạn, hầu hết dưới mực nước chết nên không có nguồn nước bơm tưới. Công ty đã 3 lần mở nước hồ Vạn Hội ở Hoài Ân để tiếp nước cho sông Lại Giang. Tuy nhiên, lượng nước chi viện ít ỏi nên rất khó khăn để cứu lúa. Hiện nay, Công ty sử dụng 13 bơm di động tận dụng nguồn nước từ các khe suối, ao hồ, bơm nước lên ứng cứu một số cánh đồng khô hạn ở huyện Hoài Nhơn.

Tại huyện Hoài Ân, hơn một tháng qua, nắng nóng kéo dài đã làm 860 ha cây trồng bị thiếu nước, khô hạn, trong đó 200 ha lúa héo quắt, chết khô. Nhiều chân ruộng đã nứt chân chim, lúa mới sạ chết khô không thể cứu được. Đặc biệt, hơn 160 ha ruộng lúa bỏ hoang vì thiếu nước.

Ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết: Hiện nay, hầu hết các hồ chứa nước lớn trên địa bàn huyện đã cạn trơ đáy. Huyện phải trích ngân sách gần 3 tỷ đồng để triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn. Các địa phương đang triển khai chống hạn rất quyết liệt, sử dụng trạm bơm điện, trạm bơm dầu và lắp đặt trạm bơm dã chiến nhằm tận dụng nguồn nước tại các ao, sông suối nhỏ bơm nước bổ sung chống hạn. 66 trạm bơm trên địa bàn huyện đang chạy hết công suất 24/24 giờ, mở rộng diện tích tưới cho một số vùng hạn nặng.

Chú thích ảnh
Cánh đồng thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tính, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định nứt nẻ vì khô hạn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hơn 3.400 ha lúa Hè Thu bị hạn, trong đó khoảng gần 200 ha lúa bị chết. Các địa phương có diện tích lúa thiếu nước như: Thành phố Quy Nhơn 697 ha; huyện Phù Mỹ 499 ha; Hoài Nhơn 344 ha; Hoài Ân 340 ha; Tây Sơn 237 ha; Tuy Phước 163 ha... Nông dân Bình Định đang chạy đua với thời gian, lắp các trạm bơm dã chiến, ngày đêm bơm nước để cứu 6.000 ha lúa.

Hàng ngàn hộ dân “khát” nước

Nắng nóng kéo dài trong thời gian qua cũng khiến hàng nghìn hộ dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối được tận dụng để sử dụng.

Tuy nhiên, do nhiều tháng liền không có mưa, nguồn nước này đang cạn kiệt dần. Hơn 2.100 hộ dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đang gặp khó khăn vì thiếu nước hoạt nghiêm trọng. Hằng ngày, người dân phải đi các địa phương lân cận mua từng can nước sạch về dùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Lê Văn Toản, xã có 2.185 hộ dân ở 14 thôn thiếu nước từ nhiều tháng qua, nghiêm trọng nhất là các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3. Xã đang thống kê cụ thể số hộ bị thiếu nước, báo cáo và đề xuất UBND huyện hỗ trợ nước sạch cho nhân dân.

Hàng ngàn hộ dân sống chung quan đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) cũng đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đầm Trà Ổ rộng khoảng 1.200ha, nằm trong khu vực các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ. Giữa tháng 7, phần lớn diện tích của đầm đã khô cạn đáy. Người dân sống xung quanh đầm này cho biết chưa bao giờ đầm Trà Ổ lại khô hạn đến như vậy.  

Ông La Văn Hiệp, 70 tuổi, thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu cho biết: Từ trước tới nay, ông mới thấy đầm Trà Ổ khô hạn như vậy. Người dân sống xung quanh đầm rất vất vả do vừa thiếu nước sinh hoạt, vừa thiếu nước sản xuất...

Tương tự, gần 1.000 hộ dân ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cũng đang “khát” nước sạch.

Mỹ Bình là hồ nước ngọt lớn nhất huyện Hoài Nhơn. Hơn 1 tháng nay, mực nước đã xuống mực nước chết. Hơn 5.000 hộ dân ở vùng Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Nhà máy nước Tam Quan Bắc cho biết, nhà máy phải dùng vòi rồng ra giữa hồ Mỹ Bình để hút những giọt nước cuối cùng. Nếu khoảng 10 ngày nữa không có mưa, nhà máy dừng hoạt động, hàng ngàn hộ dân sẽ gặp khó khăn vì thiếu nước.

Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương trong tỉnh ngày càng nghiêm trọng. Khoảng hơn 4.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, tập trung nhiều ở huyện Phù Mỹ, Tuy Phước và Tây Sơn.

Để giải quyết tình trạng này, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chia sẻ nguồn nước, giúp nhau vượt qua khó khăn. Ngoài ra, các địa phương vận động người dân đào vét, âm thêm bộng giếng đào, khoan giếng để lấy nước ngầm; mở rộng mạng lưới cấp nước tại các nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Hồ Mỹ Bình là hồ chứa nước ngọt lớn nhất huyện Hoài Nhơn đã khô cạn, xuống dưới mực nước chết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thống kê cụ thể từng vùng, từng hộ dân. Từ đó, tỉnh sẽ đề nghị lực lượng Công an, Quân đội dùng các xe chuyên dụng để vận chuyển nước sạch đến tiếp tế cho các hộ dân thiếu nước, tránh tình trạng người tự mua nước sinh hoạt không rõ nguồn gốc, nguy cơ dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu UBND các huyện khoanh vùng địa điểm thiếu nước nghiêm trọng. Từ đó, UBND tỉnh có kế hoạch mở rộng mạng lưới nước sạch, cung cấp cho người dân những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)
Chủ động các biện pháp ứng phó với nắng nóng và mưa lớn
Chủ động các biện pháp ứng phó với nắng nóng và mưa lớn

Trước diễn biến của mưa lớn khu vực miền núi phía Bắc, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng và mưa lớn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp ứng phó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN