Bí mật của những “đại gia” sinh viên

Nhiều sinh viên nhờ tìm việc làm thêm hoặc tự khởi nghiệp bằng cách kinh doanh và thu nhập có khi đạt tới ngàn đô la mỗi tháng. Thời gian cộng với sức lực của sinh viên hoàn toàn đủ để họ làm tốt cả hai việc: Kinh doanh và học tập. Và mục tiêu họ hướng đến không chỉ là thu nhập.

Dám hành động, dám khác biệt

Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 đại học, Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 1989, sinh viên Học viện Ngân hàng) đã được HSBC tuyển dụng, trả lương 400 đô la/tháng - một chỗ làm và thu nhập “ngon” trong mơ ước của nhiều sinh viên. Để có được "may mắn" ấy, Tuấn đã khởi đầu bằng việc kinh doanh trên mạng từ năm thứ nhất đại học, công việc này giúp Tuấn kiếm được 2 - 3 triệu đồng/tháng. 


Ảnh internet


Trong khi đa số sinh viên nghĩ rằng làm thêm trong 4 năm đại học sẽ mất đi một khoảng thời gian quý báu, ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập thì Tuấn lại nghĩ: “Nếu làm thêm đúng chuyên môn được đào tạo thì rất tốt cho việc học. Nên làm”. Năm thứ 2, Tuấn chuyển sang kiếm việc tại các công ty phân tích tài chính.

Mức lương của Tuấn ở HSBC có thể nói là cao so với thu nhập của các sinh viên, nhưng áp lực công việc lớn. Tuấn chia sẻ, để vượt qua những thời điểm khủng hoảng và tự cân bằng giữa việc làm và việc học: “Có ba chìa khóa quan trọng: Điều đầu tiên là bản thân mình thật sự muốn và quyết định. Điều thứ hai là biết sắp xếp thời gian. Điều thứ ba là biết mình thiếu gì và không ngừng hoàn thiện mình”.

Câu chuyện đi làm thêm bắt đầu sớm hơn với Nguyễn Quang Hiếu (sinh năm 1990) trước khi cậu là sinh viên Học viện Ngân hàng, khoa Kế toán. Từ khi còn học cấp ba, Hiếu đã đi phát tờ rơi với tiền công 20.000 đồng/buổi. Thi đại học xong, Hiếu làm nhân viên phát triển thuê bao trả sau, sau đó kinh doanh sim thẻ điện thoại qua mạng. 1 năm sau, Hiếu cùng anh trai phát triển một cửa hàng chuyên về Iphone, phần mềm Iphone. Năm thứ nhất ĐH, Hiếu kiếm được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Năm thứ hai, có khi kiếm được gần 10 triệu đồng/tháng. Năm nay là năm cuối nên Hiếu làm thêm ít đi, nhưng thu nhập cũng còn khoảng trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Tiền học và sinh hoạt phí, Hiếu không phải xin bố mẹ.

Còn Đào Đức Dũng (sinh năm 1987) sinh viên năm thứ 4 Khoa Kinh tế Quản lý (Đại học Bách khoa) đang kiếm “bộn tiền” từ công việc của một diễn giả trẻ. “Thu nhập của mình hiện nay không dưới 4.000 USD/tháng”, Dũng tự hào tiết lộ trong cuộc giao lưu tại Học viện ngân hàng mới đây.

2 năm trước, khi là sinh viên năm thứ nhất, Dũng đã bắt tay vào kinh doanh các cuốn cẩm nang dành cho thí sinh ngoại tỉnh về Hà Nội thi đại học. Sau đó, Dũng cùng một số bạn bè cùng trường thành lập câu lạc bộ Kỹ năng kinh doanh. Khi nghe danh tiếng khóa học “Tôi tài giỏi” của một diễn giả nổi tiếng người Xinhgapo, Dũng bỏ ra 1.000 USD để sang Xinhgapo tham gia khóa học đó. Trở về nước, Dũng mất 1 năm đi giảng miễn phí tại các câu lạc bộ, các trường đại học. Hiện nay, cậu trực tiếp giảng cho trên 300 học viên là sinh viên là sinh viên, học sinh, học viên của Học viện Quản lý Giáo dục. Mỗi hội thảo trả cho Dũng khoảng 30 - 40 triệu đồng.

Khi hỏi chuyện, Dũng có thể kể ra nhiều cái tên quen thuộc với cậu, “hội sinh viên thu nhập cao”. Đó là Mạnh, sinh viên Đại học Bách khoa, một trong những ông chủ đeo “mác” sinh viên. Thay vì đi làm gia sư, Mạnh xây dựng một hệ thống các cộng tác viên gia sư là sinh viên, tổ chức công việc, hoạt động như một công ty. Đó là Phương, sinh năm 1988 vừa mới ra trường đã mở trung tâm và dạy tiếng Anh, thu nhập 1.000 USD/tháng, là Điệp (sinh năm 1989) dạy đội tuyển toán lớp 4 thi châu Á - Thái Bình Dương (lương 1.000 USD/tháng)...

Chiến lược “dài hơi” và quan điểm sống

Diễn giả trẻ Đào Đức Dũng đang ấp ủ những dự định cho tương lai. Dũng cho biết cậu đang tích lũy vốn để cuối năm sẽ chuyển sang đầu tư bất động sản. Chia sẻ với các bạn sinh viên, Dũng không ngần ngại tiết lộ kế hoạch cuộc đời của mình là: Trước năm 32 tuổi, sẽ xây dựng xong hệ thống mạng lưới các trung tâm, các khóa đào tạo của riêng mình. Dũng nói mục tiêu sự nghiệp không chỉ là thu nhập mà tạo ra cho mình nhiều giá trị.

Còn dự định của Nguyễn Minh Tuấn là mở một công ty tư vấn tài chính cá nhân và cho vay tiêu dùng. Để thực hiện ước mơ này, Tuấn đã quyết định nghỉ việc ở Ngân hàng HSBC và đang vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp, vừa học thêm tiếng Trung chuẩn bị sang Thượng Hải (Trung Quốc) làm việc. Tuấn cho biết: Mình tự tìm hiểu thông tin và nộp đơn tuyển dụng vào một công ty phân tích tài chính ở Thượng Hải. Lương thử việc là 150 USD/tháng - thấp hơn lương hiện nay tại ngân hàng HSBC. Biết ra đi khi công việc hiện tại đang rất tốt, nhiều cơ hội thăng tiến để đến làm việc ở một đất nước khác sẽ rất khó khăn. Nhưng mình xác định đây là giai đoạn tích lũy kinh nghiệm để mở công ty của riêng mình, nên mình sẵn sàng chấp nhận”, Tuấn chia sẻ.
Còn Hiếu, sau những thử nghiệm kinh doanh, hiện nay cậu đang chuyên tâm theo lĩnh vực đào tạo. “Mình muốn trở thành giảng viên đào tạo về kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp... Và tương lai, có thể mở một trung tâm chuyên về lĩnh vực này”, Hiếu nói.

“Điều quan trọng để khởi nghiệp kinh doanh thành công không phải là vốn, chưa hẳn là ý tưởng, bởi với những tiện ích công nghệ hiện nay, không thiếu gì ý tưởng trên mạng, sinh viên hoàn toàn có thể khởi nghiệp. Nhưng thực tế, mình đã thấy rất nhiều bạn, chỉ mới sau 2 tháng kinh doanh mà đã “nản”. Quan trọng nhất là quyết tâm”. Những điều mà họ đang làm là minh chứng rõ nhất cho lời khẳng định trên của Đào Đức Dũng.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN