Bến xe Nam Định... chờ khách

Việc di dời Bến xe khách Nam Định đến địa điểm mới tại xã Lộc Hoà (thành phố Nam Định), với mức đầu tư nhiều tỷ đồng, là một phần trong quy hoạch xây dựng thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam Sông Hồng. Điều này hứa hẹn một triển vọng kinh doanh đối với Bến xe khách Nam Định, nhất là khi thành phố Nam Định vừa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn một tháng đi vào hoạt động thì bến xe mới, được đầu tư công phu này vẫn đang... chờ khách, vì địa điểm bến không phù hợp và chất lượng dịch vụ quá yếu.

 

Khách không mặn mà vào bến

 

Mô hình bến xe Nam Định. Nguồn: Internet.

 

Ngày 9/5, Công ty Cổ phần vận tải ô tô Nam Định chính thức đưa vào khai thác, sử dụng bến xe ô tô mới, hiện đại tại QL 10, địa bàn xã Lộc Hoà, nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh và cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 3 km. Đây là bến xe kiểu mẫu, được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bến xe khách Nam Định được khởi công xây dựng từ tháng 8/2011, trên diện tích 32.000 m2, với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Bến xe được thiết kế xây dựng đầy đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn bến xe loại II: nhà điều hành rộng 1.000 m2, trong đó có 1 phòng chờ cho hành khách và 24 phòng làm việc; 1 trạm biến áp công suất 160KVA bảo đảm cung cấp điện cho các hoạt động của bến xe; xưởng sửa chữa ô tô rộng 800 m2, bảo đảm phục vụ bảo dưỡng cho các phương tiện ngay tại bến; sân bãi đỗ xe rộng 12.000 m2 và công trình vệ sinh công cộng, khu dịch vụ, cửa hàng xăng dầu, hồ sinh thái. Thời gian tới, bến xe tiến hành trồng cây xanh khu vực ngoài sân đỗ xe, bố trí sân đỗ xe buýt, xe taxi. Bến xe mới đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành Nam Định, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa trong khu vực. Hiện trung bình mỗi ngày, bến xe có hơn 150 chuyến xuất bến đi 40 tuyến liên tỉnh và 10 tuyến nội tỉnh, trong đó có khoảng 80 chuyến đi Hà Nội.

 

Tuy nhiên, với một cơ ngơi khang trang, hiện đại, Bến xe khách Nam Định vẫn chưa thực sự hút khách vào bến, khiến doanh số trên mỗi đầu xe giảm mạnh. Có mặt tại bến xe vào buổi sáng giữa tháng 6, chúng tôi rất bất ngờ trước sự vắng vẻ trong bến. Trong phòng chờ rộng thênh thang với 8 dãy ghế, chỉ duy nhất có một anh lái xe taxi đang ngồi đọc báo chờ khách. Tại 9 ô kính bán vé đi các tuyến, các nhân viên chỉ làm việc riêng vì "việc công" không có. Từ cổng bến đến khu vực ngoài khuôn viên nhà điều hành vắng người qua lại. Tại 4 quán nước trong bến có khoảng 20 người đang ngồi tán gẫu, họ không phải là khách, mà là các bác xe ôm, phụ xe chờ ca, lái xe taxi đợi khách. Trong khi đó, tại ngã ba cầu vượt đoạn QL21 rẽ QL10 (sau đây gọi là ngã ba cầu vượt) cùng lúc các xe mang BKS 18N 5136; 29B 00420; 18N 1538.... đang dừng đỗ để chèo kéo khách.

 

Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân sâu xa khiến hầu hết người có nhu cầu đi lại từ thành phố Nam Định không mặn mà vào bến là do vị trí bến quá xa. Chất lượng dịch vụ và thái độ của nhà xe cũng khiến xe khách Nam Định đang mất dần sức cạnh tranh trước các "đối thủ" từ Bến xe khách Thái Bình và các tuyến huyện của tỉnh Nam Định. Nhiều người có nhu cầu đi lại từ thành phố Nam Định ra ngã ba cầu vượt ngại đi bộ vào bến, trong khi hành khách từ phía khu vực BigC Nam Định tới Cầu đá hay xa hơn là chân Cầu Tân Đệ phía Nam Định cũng không muốn mất thêm 10.000 - 15.000 đồng tiền xe ôm để vào bến mới, mà thường chỉ đứng tại chỗ chờ xe khách Thái Bình qua. Do khách không chịu vào bến, các xe buộc phải đón khách tại ngã ba cầu vượt, khiến giao thông ở khu vực này luôn trong tình trạng lộn xộn. Anh N. V. H (trú tại Hà Nội, hiện công tác tại một công ty có trụ sở trên phố Quang Trung, thành phố Nam Định) cho biết: Cứ mỗi khi về thăm gia đình vào cuối tuần, tôi chỉ đi xe Hoàng Long hoặc Vietbus từ Thái Bình qua, vì xe khách Nam Định vừa nhỏ, vừa cũ, xe hay dừng đỗ đón khách, thái độ phục vụ của nhà xe không tốt. Còn chị N. T. T (đường Hàn Thuyên, thành phố Nam Định) chia sẻ: Khi có việc lên Hà Nội, tôi thường đứng ngay cổng BigC đón xe Thái Bình. Tôi rất ngại vào bến vì phải đi bộ một quãng hơi xa. Hơn nữa, tôi không thích đi xe Nam Định vì xe nhỏ, cũ kỹ, thái độ phục vụ không đạt yêu cầu. Xe Nam Định thường dừng đón khách dọc đường để có đủ 18-19 khách, trong khi xe chỉ có 16 chỗ. Nhiều phụ xe ăn mặc thiếu lịch sự, nói lăng thô lỗ. Nhiều xe Nam Định xuất từ bến Giáp Bát về Nam Định thường quay xe tới 2-3 vòng để tìm khách, khiến hành khách rất bức xúc.

 

Cần các giải pháp đồng bộ

 

Là bến xe cấp tỉnh, nhưng có thể nói Bến xe khách Nam Định hầu như chỉ phục vụ người có nhu cầu đi lại từ thành phố Nam Định và một phần huyện Mỹ Lộc, vì các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Ý Yến... cũng đều có tuyến riêng với các xe to, đẹp và chất lượng phục vụ tốt. Hàng khách từ phía Nam cầu Đò Quan hiếm khi đi xe Bến Đò Quan, chứ nói gì đến bến xe mới. Tình trạng khách không muốn vào bến, không mặn mà với xe khách Nam Định, khiến doanh số của các xe giảm mạnh. Theo ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Bến xe khách Nam Định, doanh thu của bến xe giảm trên 30% kể từ khi chuyển ra địa điểm mới, và tình hình ảm đạm này còn kéo dài. Theo ông Hùng, để tháo gỡ khó khăn cho các xe, Bến xe khách Nam Định đã giảm mức khoán trên mỗi đầu xe từ 15 triệu đồng xuống còn 10 triệu đồng/tháng, song các doanh nghiệp vận tải sử dụng dịch vụ bến vẫn kêu khó khăn.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, để phát huy hiệu quả của bến xe khách mới, hiện đại, cần sớm thực hiện các giải pháp đồng bộ, như cải thiện chất lượng phục vụ; thay thế dần các xe cũ 16 chỗ bằng các xe to hơn; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông cắm chốt và thường xuyên tuần tra từ ngã ba cầu vượt tới các điểm BigC, Cầu Sắt, Cầu Đá... để ngăn chăn tìng trạng dừng đỗ bắt khách, nhằm tạo cho hành khách dần có thói quen vào bến.

 

 

Nguyễn Trường

Hà Nội sắp "xóa sổ" bến xe Lương Yên
Hà Nội sắp "xóa sổ" bến xe Lương Yên

Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị xem xét chấp thuận cho bến xe Lương Yên được chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN