Bến Tre cần tài trợ cho 5 dự án trọng điểm

Ngày 25/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát, đi thực địa một số công trình về ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre.

 

Đoàn đã khảo sát các công trình ngăn mặn cục bộ ngọt hóa kè sông An Hóa, cống đập Ba Lai (huyện Bình Đại), công trình đê biển và tuyến đường ra Cồn Nhàn - Cồn Ngoài, trồng rừng ven biển và tình hình sạt lở ven biển tại xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri), khảo sát thực địa Dự án xây dựng kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày…

 

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết: hiện nay tỉnh Bến Tre rất cần nguồn tài trợ và ngân sách nhà nước đầu tư 5 dự án trọng điểm cấp thiết của tỉnh về ứng phó với biến đổi khí hậu như: Dự án kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày; dự án củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển huyện Bình Đại và Ba Tri; dự án xây dựng công trình kè xói lở bờ sông Giao Hòa, khu vực cầu An Hóa, xã Long Hòa (huyện Bình Đại); dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2014. Trong đó trọng tâm là Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh (các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú). Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong những năm gần đây tại các huyện này nguồn nước ngọt khan hiếm quanh năm, người dân không có nguồn nước ngọt sinh hoạt, đặc biệt là huyện Thạnh Phú.

 

Do đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, Bến Tre được nhận định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo kịch bản B2 (kịch bản trung bình nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009), vào năm 2020 nước biển dâng 12cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 272,09 km 2 , chiếm 12,24% diện tích, có khoảng 97.890 người sống trong vùng bị ngập.

 

Trong đó, 3 huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú bị ảnh hưởng nặng nề, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn, với các khu rừng ngập mặn ven biển, nơi sinh sống của nhiều loài bản địa thuộc các vùng cửa sông Ba Lai, sông Tiền và sông Hàm Luông. Nước biển dâng sẽ tác động đến các công trình xây dựng, trong đó có hệ thống đê điều, giao thông, cảng cá, nhà cửa người dân ven biển, ven sông. Ranh giới mặn tiến sâu vào nội đồng sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng thiếu nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

 

Thu Hiền

Ì ạch dự án đối phó biến đổi khí hậu
Ì ạch dự án đối phó biến đổi khí hậu

Nhìn tổng quan, các tỉnh ĐBSCL chưa đủ khả năng đối phó với các hiểm họa biến đổi khí hậu (BĐKH) một cách toàn diện, nhưng để giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, việc triển khai gấp rút và kết hợp hài hòa các dự án mang tính giải pháp công trình và phi công trình là hết sức cần thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN