Bất cập trong thu gom rác thải đô thị - Bài 1

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội phải thu gom và xử lý hàng nghìn tấn rác. Tuy nhiên, việc thu gom và vận chuyển rác còn phát sinh nhiều bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống người dân.


NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Có nhiệm vụ thu gom rác làm xanh, sạch đẹp môi trường nhưng chính những xe thu gom, điểm tập kết rác lại đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Thu gom rác quá gần nhà dân

Nhiều tháng nay, 27 hộ dân thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên sống trong mùi hôi thối của rác thải do điểm tập kết rác sinh hoạt ngay gần nhà. Mỗi khi rác tập kết chuyển lên xe, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bao trùm cả khu phố. Ông Lê Văn Kiểm, chủ một hộ dân ở đây cho biết, điểm tập kết rác này đã làm số lượng ruồi nhặng và muỗi gia tăng.

Mới gần 4 giờ chiều nhưng trên đường Trần Đình Hoàn (Cầu Giấy) đã có những xe rác đứng xếp hàng, choán cả lối đi của người đi bộ.

Ông Kiểm cho biết thêm: “Lúc đầu điểm tập kết rác này ngay sát nhà chúng tôi, sau đó vì quá ô nhiễm, chúng tôi phản ánh với công nhân môi trường thì họ chuyển sang phía bên kia đường. Nhưng dù bên này đường hay bên kia đường thì điểm tập kết giác này quá gần nhà chúng tôi, chỉ cách khoảng 15 m. Trong khi đó, các thùng đựng rác chỉ vài cái có nắp đậy còn lại là không có. Nước thải từ rác sinh hoạt rỉ xuống đường gây mất vệ sinh nghiêm trọng”.

“Điều bất cập là cuối con phố này là bãi đất trống, không có nhà dân, ít người qua lại nhưng tại sao họ không chọn đó là điểm tập kết rác? Chúng tôi đã kiến nghị với tổ dân phố về việc chuyển bãi tập kết rác đến nhưng họ trả lời đã kiến nghị lên phường nhưng không được?”, ông Kiểm bức xúc nói.

Dọc tuyến đường Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội) có rất nhiều đình làng, chùa với lối kiến trúc cổ kính. Đây đáng lẽ ra có thể là những điểm thu hút khách du lịch, tuy nhiên, nhiều đình làng ở đây cũng đang bị rác bủa vây.

Đình làng An Thọ (Thụy Khuê) là một trong những đình làng cổ, có từ lâu đời, bên trái cổng đình là một thư viện sách nhỏ, đáng ra, đây có thể là nơi để thu hút khách du lịch và là điểm sinh hoạt văn hóa của cư dân. Nhưng hiện nay, ngay cả những người dân trong làng cũng không mấy ai dừng trước cổng làng, bởi đây đã trở thành điểm tập kết rác của công ty môi trường Tây Đô từ nhiều năm nay. Hàng ngày, đến 12 giờ trưa và 5 giờ chiều là rác bắt đầu tập kết về đây, 8 - 9 giờ tối thì xe chở rác đến thu gom.

"Mỗi khi xe rác tập kết thì không khí trở nên ô nhiễm vô cùng. Chưa kể đến nước từ các xe rác chảy ra, đọng theo rãnh dưới lòng đường, những hôm trời nắng, mùi bốc lên, ai đi qua cũng phải bịt mũi”, chị Lan, một cư dân cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân sống cạnh những điểm tập kết rác ở nhiều nơi tại Hà Nội đang phải sống chung với ô nhiễm. Tại những điểm tập kết rác trên đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm), Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), Tôn Thất Tùng (Đống Đa)... cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Bà Trương Thị Lan, tổ trưởng tổ môi trường 6, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, việc vận chuyển, thu gom rác chắc chắn không tránh được gây ô nhiễm. Chưa kể đến những đoạn đường có diện tích nhỏ như Khâm Thiên, Đê La Thành... thì xe dừng đỗ để cẩu rác chiếm bao nhiêu phần đường rồi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến giao thông, gây bức xúc cho người dân.

Phát sợ với xe rác không phủ kín

Điều đáng nói, không chỉ những điểm tập kết rác gây ô nhiễm mà chính những chiếc xe chở rác cũng đang là nguyên nhân gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Thực trạng xe thu gom rác thải sinh hoạt của các công ty môi trường đô thị che chắn không đúng quy định, để nước rác rò rỉ ra khắp các tuyến đường thành phố, gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn Hà Nội. Tại các điểm tập kết, quá trình đưa rác lên thùng xe chuyên dụng, ép rác thành khối, nước bẩn tiếp tục chảy xuống đường và suốt quãng thời gian di chuyển sau đó, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Thực trạng trên đã khiến rất nhiều người dân bức xúc. Chị Thu Hà (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Nhà tôi ở đường Phạm Văn Đồng, hàng ngày có hàng trăm chiếc xe chở rác từ nội thành ra bãi rác Nam Sơn ở Sóc Sơn. Nhiều chiếc xe tải chở rác không chuyên dụng, thiếu bạt phủ, đi đến đâu nước thải rớt đến đó, rác cũng rơi rớt ra đường".

Thừa nhận tình trạng này, bà Hoàng Thị Mai Hương, phó Phòng Quản lý Hạ tầng môi trường và Công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tình trạng xe tải thu gom rác vi phạm sai giờ hay xe chở rác chưa đúng yêu cầu kỹ thuật là thực tế không thể phủ nhận ở TP Hà Nội. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, những trường hợp vi phạm giờ giấc quy định phần nhiều là do những tình huống bất khả kháng trên đường đi, hạ tầng giao thông kém, ùn tắc..., một phần khác do ý thức của lái xe. Còn tình trạng xe chở rác chưa đúng kỹ thuật, chưa được phủ kín là do một số đơn vị môi trường chưa có đủ cơ sở hạ tầng.

“Trong 4 quận nội thành thì Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã cung cấp xe đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Vi phạm chủ yếu ở các quận xa như Nam Từ Liêm, Hà Đông... Chúng tôi đã yêu cầu các công ty đến hết năm nay phải cải thiện và chuẩn bị xe đáp ứng yêu cầu, nếu không sẽ xử phạt theo quy định, thậm chí cắt hợp đồng”, bà Hương cho hay.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết thêm, không thể phủ nhận tình trạng hiện nay các điểm tập kết rác đang gây ô nhiễm môi trường, như tạo mùi khó chịu cho các cư dân xung quanh. Tuy nhiên, người dân cũng cần thông cảm với các đơn vị thực hiện, bởi thực tế, việc ô nhiễm đó chỉ trong khoảng thời gian tập kết, nhưng nó góp phần cho bộ mặt đô thị xanh, sạch, đẹp hơn. Còn hiện tượng các xe chở rác không chuyên dụng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển thì cần có lộ trình cụ thể để các đơn vị có điều kiện thay thế bằng các phương tiện hiện đại hơn.

Bài 2: Tổ chức thu gom rác thải hợp lý hơn

Bài và ảnh: Thu Trang
Thu gom rác thải - cần sự chung sức của toàn cộng đồng
Thu gom rác thải - cần sự chung sức của toàn cộng đồng

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay, kinh phí mỗi năm chi cho việc thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh vào khoảng 70 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ phí vệ sinh môi trường do dân đóng góp chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN