Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Mua bán người được Liên hợp quốc xếp hạng là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, có nguồn thu bất chính cao chỉ đứng sau tội phạm ma tuý và buôn bán vũ khí.

Theo Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), thế giới có gần 250 triệu người di cư trái phép và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực. Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của hàng trăm đường dây mua bán người trên thế giới. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Kông được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.

Ở trong nước, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng tội phạm mua bán người đã xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hoàng/TTXVN

Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

Tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người đã lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Không trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân, các đối tượng sử dụng các tài khoản ẩn danh, sim điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, hứa đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, hoặc lấy chồng người nước ngoài rồi tìm cách đưa “con mồi” ra nước ngoài. Gần đây, cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người để ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động gây bất an, lo âu trong nhân dân.

Theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), nếu năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, điều tra 90 vụ với 247 đối tượng phạm tội mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán, chỉ trong 8 tháng năm nay, số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 254 người.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, trong đợt cao điểm đấu tranh với loại tội phạm này, từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 31 vụ với 62 đối tượng có liên quan đến tội phạm mua bán người; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ và chuyển tuyến 141 người nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người, tăng 19 vụ, 56 đối tượng với 120 người nghi là nạn nhân so với đợt cao điểm năm 2022.

Trong giai đoạn trước đây, từ năm 2012 đến năm 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước... , dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để tội phạm mua bán người lợi dụng.

Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân mua bán người và giảm thiểu hậu quả, đẩy lùi tội phạm mua bán người. Bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là một trọng tâm của Việt Nam trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng công tác này xuyên tạc chủ trương bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Hỗ trợ giúp nạn nhân tránh nguy cơ bị tái mua bán

Trước diễn biến phức tạp cùng hệ lụy xã hội do tội phạm mua bán người gây ra, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ, các ngành chức năng và các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều chiến dịch, các chương trình hỗ trợ để giúp nạn nhân tránh nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội và bị tái mua bán. Công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người đang được các tỉnh, thành phố xác định là công tác trọng tâm và được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thủ đoạn của tội phạm mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội trong phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán trở về.

Chú thích ảnh
Phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại chợ trung tâm xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Nội dung trên được các tỉnh, thành phố truyền tải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các tỉnh, thành phố đã lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, chú trọng hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh niên thiếu việc làm, nhất là nữ thanh niên khu vực nông thôn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán.

Năm 2023, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức gần 6.000 buổi truyền thông với trên 350.000 lượt người dự, xây dựng hơn 4.000 pano, áp phích; cấp phát 337.445 tờ rơi, sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; đăng tải hàng nghìn tin, bài về công tác phòng, chống mua bán người, tuyên truyền 15.579 lượt trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thôn về phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người và các văn bản liên quan đến Luật phòng, chống mua bán người.

Đáng chú ý, tháng 7/2022, lãnh đạo 4 Bộ gồm: Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an; Quốc phòng và Ngoại giao đã thống nhất ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Sau khi Quy chế được ban hành, các đơn vị được cử làm đầu mối thực hiện Quy chế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành dọc ở cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để phối hợp với các Sở, ngành có liên quan ký Quy chế/Kế hoạch phối hợp hoặc trình UBND tỉnh, thành phố ban hành.

Theo bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, tại Trung ương, các đơn vị đầu mối giúp việc cho Bộ cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách như: cho ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), công tác chỉ đạo điểm phòng, chống mua bán người tại các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hải Phòng, Cao Bằng, Hà Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk; tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chia sẻ, cung cấp thông tin, số liệu về phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Tại địa phương, sau hơn 1 năm triển khai có 41 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế, Kế hoạch phối hợp. Một số địa phương đang trong quá trình xây dựng và sẽ trình ban hành trong năm 2023; các tỉnh, thành không ban hành Quy chế đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quy chế phối hợp. Các tỉnh, thành phố ban hành Quy chế đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các ngành chức năng tỉnh, thành phố khác trong tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân; đặc biệt là tiếp nhận hỗ trợ người lao động từ Campuchia trở về.

Hạnh Quỳnh - Mai Anh (TTXVN)
Công an Nghệ An khởi tố 2 đối tượng về tội mua bán người
Công an Nghệ An khởi tố 2 đối tượng về tội mua bán người

Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lô Thị My (sinh năm 1990) và Lo Bún Ma (sinh 1988), cùng trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về tội mua bán người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN