Bảo vệ quyền thực thi sở hữu trí tuệ: "Bệnh ăn theo” nhãn hiệu nổi tiếng!

“Một tuần gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ- KH&CN nhận được gần 700 đơn của doanh nghiệp (DN) xin bảo hộ quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia”, đại diện NOIP cho biết. Số đơn của DN xin đăng ký lại địa chỉ giao dịch; chuyển giao quyền sử dụng… đã lên tới hàng nghìn/tuần. Theo NOIP, những nhãn hiệu bị tranh chấp, khiếu kiện vẫn chủ yếu rơi vào những mặt hàng bán chạy trên thị trường.

Lập lờ đánh lận

Để hàng hóa của DN mình bán chạy, không ít DN đã dùng chiêu đặt tên hay thiết kế bao bì na ná giống sản phẩm đang có vị thế trên thị trường của DN khác. Nhãn hiệu nước khoáng thiên nhiên TaVie, bột giặt TOMOT, băng vệ sinh KoVex, Kotox… với những tên gọi na ná các nhãn hiệu "xịn" là LaVie OMO, Kotex, thậm chí màu sắc bao bì gần giống nhau đã khiến không ít người tiêu dùng nhầm lẫn. Trên thực tế, Công ty cổ phần Vincom từng thắng kiện Công ty cổ phần tài chính và bất động sản Vincon để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) về nhãn hiệu và tên thương mại của Vincom. Thời gian qua, người tiêu dùng cũng xôn xao trước việc Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Nam Việt Phát nhái kiểu dáng xe máy đang được bảo hộ của Công ty Honda (Nhật Bản).

Mới đây nhất là vụ việc Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo NetPro (tiền thân là Công ty TNHH Phát triển và chuyển giao công nghệ mạng) gửi đơn kiện lên Bộ KH&CN về việc Viện Công nghệ thông tin - CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xâm phạm thương hiệu NetPro ITI.

Trong thông cáo báo chí của Công ty NetPro, NetPro đã ký hợp đồng liên kết đào tạo với Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2004 về việc thành lập Trung tâm NetPro ITI để thực hiện đào tạo các chứng chỉ mạng quốc tế. Công ty đã nộp đăng ký nhãn hiệu từ ngày 5/11/2004 và tới ngày 20/11/2006 được cấp đăng ký nhãn hiệu số 77055 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).

Theo Công ty NetPro, do một thời gian hợp tác không hiệu quả cộng với việc thay đổi chiến lược của công ty nên NetPro quyết định dừng hợp tác với Viện CNTT. Khi chấm dứt hợp tác, công ty đã khuyến cáo Viện CNTT không sử dụng tiếp thương hiệu NetPro ITI.

Bình gas vi phạm quy định nhãn mác hàng hóa bị Đội quản lý thị trường chống hàng giả thu giữ. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN


Tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Tiến sỹ Nguyễn Ái Việt - Phó Viện trưởng Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng: NetPro đã lạm dụng thương hiệu của Viện. “Năm 2004, Viện CNTT có ký một thỏa thuận với Công ty TNHH Phát triển và chuyển giao công nghệ mạng (sau này là NetPro) về việc hợp tác triển khai Trung tâm NetPro-ITI trực thuộc Viện CNTT. ITI là tên viết tắt của Viện CNTT. Viện trưởng Viện CNTT cũng đã ký thành lập Trung tâm NetPro-ITI trực thuộc Viện và ký quyết định bổ nhiệm giám đốc, sáng lập viên của NetPro là Giám đốc Trung tâm NetPro-ITI. Các hoạt động, công văn giấy tờ liên quan tới hoạt động đào tạo đều sử dụng tên NetPro-ITI”.

“Năm 2010, NetPro đã bán cho chủ khác và yêu cầu chấm dứt hợp đồng với Viện CNTT và ký vào biên bản cam kết không sử dụng thương hiệu NetPro-ITI trong các hoạt động của mình”, Tiến sỹ Việt nói.

Đại diện Viện CNTT cũng vừa nhận được công văn của NOIP thông báo lần 1 với doanh nghiệp NetPro về đề nghị tước thương hiệu NetPro - ITI. Theo Công văn số 173 ngày 6/6/2011 của NOIP, NOIP đã có công văn thông báo đề nghị hủy bỏ hiệu lực GCN ĐKNH số 77055 gửi Công ty TNHH tư vấn và đào tạo NetPro.

Phía NOIP cho rằng: Công ty NetPro không có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “NetPro, hình” ở Việt Nam, do: Nhãn hiệu “NetPro, hình” có thành phần “NetPro” tương tự với “NetPro- ITI” là nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp của Trung tâm đào tạo công nghệ mạng Netpro-ITI (là đơn vị trực thuộc Viện CNTT- Đại học Quốc gia Hà Nội). Công văn cũng nêu rõ: do công ty đã có quan hệ hợp tác với Viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) từ trước ngày nộp đơn nên công ty không thể không biết nhãn hiệu “NetPro, hình" là của Viện CNTT. Vì vậy, việc Công ty NetPro xác lập quyền đối với nhãn hiệu “Netpro, hình” là hành vi không trung thực. Phía NOIP đã đề nghị Công ty NetPro thông báo cho NOIP ý kiến của mình về đề nghị hủy bỏ nhãn hiệu nêu trên trước ngày 4/7/2011.

Xử phạt còn quá nhẹ

Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử phạt trên 30 vụ vi phạm sở hữu công nghiệp, thu nộp ngân sách gần 600 triệu đồng. Đây là con số quá ít ỏi và theo nhận định của Thanh tra Bộ KH-CN, mức xử phạt hiện nay vẫn rất nhẹ, không đủ sức răn đe.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng đã xảy ra không ít trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tương tự. Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow) đã xây dựng thương hiệu của mình trong suốt thời gian dài. Sau đó, hàng loạt công ty khác cũng chuyên cung cấp cửa ra đời và nhái theo thương hiệu này với những cái tên nhãn hiệu có đuôi là “window”, đã bị Thanh tra Bộ KH&CN xử lí.

Vừa qua, Chánh thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng đã ký quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với Công ty TNHH Cửa nhựa Châu Âu. Lý do Công ty này đã có hành vi sử dụng dấu hiệu “Cửa nhựa Châu Âu” trên giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, quảng cáo... gây nhầm lẫn với tên thương mại của "Công ty Cổ phần cửa sổ nhựa châu Âu" đang được bảo hộ. Mức phạt này được nhiều ý kiến cho rằng còn quá nhẹ so với mỗi giá trị hợp đồng mà công ty có được.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Nam Việt Phát (có địa chỉ tại phường Phúc Xá- Ba Đình- Hà Nội) đã bị xử phạt 12 triệu đồng vì hành vi nhái kiểu dáng xe máy đang được bảo hộ của Công ty Honda (Nhật Bản). So sánh mức phạt này với doanh thu từ bán xe máy thấy rõ đây chỉ là "muối bỏ biển".

Theo nhận định của chuyên gia SHTT, các mức xử phạt đối với công ty vi phạm ở Việt Nam còn quá nhỏ, chưa có tính chất răn đe. Không chỉ vậy, trong quá trình thanh tra, lực lượng chức năng của Bộ KH&CN cũng đã gặp không ít khó khăn.

Ý kiến

“Nhận thức về SHTT còn hạn chế”
Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Nhận thức của công chúng về SHTT và trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều người còn chưa hiểu sở hữu trí tuệ là gì, ngay cả các cán bộ thực thi quyền SHTT cũng chưa nắm vững. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về SHTT đã đầy đủ, tuy nhiên còn có biểu hiện bị chồng chéo ở nhiều văn bản, thiếu sự thống nhất, nên khó áp dụng. Mức phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhẹ, thiếu khả năng răn đe và thực thi. Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về SHTT còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi. Cho nên, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng bởi đây là cách giải quyết triệt để.

“Phải vào cuộc mạnh mẽ”
Ông Hoàng Văn Tân - Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam: Để cao nhận thức về quyền thực thi SHTT thì cần phải có những biện pháp đồng bộ, đặc biệt DN phải chủ động vào cuộc. Việc DN dựa vào uy tín để làm nhái sản phẩm với mục đích bán chạy, “ăn theo” là rất không nên. Tôi từng tiếp một DN tư nhân thắc mắc là vì sao sản phẩm của họ bị tịch thu. Khi được giải thích là do sản phẩm đã đặt tên và thiết kế mẫu giống với nhãn hiệu của công ty đã đăng ký bảo hộ thì phía DN vi phạm còn “ngô nghê” trả lời rằng phải đặt tên như vậy thì sản phẩm mới bán chạy. Ở nước ngoài, họ làm rất nghiêm. Tại Đức, khi chiếc xe BMW X5 bị phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc, đơn vị chức năng lập tức nghiền nát nó. Ở ta, sản phẩm bị làm nhái chỉ bị yêu cầu loại bỏ các yếu tố xâm hại mà không triệt tiêu tận gốc. Việt Nam còn nghèo, nếu tiêu hủy sẽ gây thiệt hại tài sản rất lớn.
Việc cốt yếu nhất vẫn là phải đăng kí thương hiệu. DN thường ngại đi đăng kí SHTT vì sợ mất thời gian. Theo qui trình, khi nhận được hồ sơ đăng kí của doanh nghiệp, sau một tháng, Cục phải có ý kiến trả lời hồ sơ có hợp lệ hay không (thẩm định về mặt hình thức). Sau đó, đối với đăng kí nhãn hiệu phải mất 9 tháng, với kiểu dáng là 7 tháng, với sáng chế là 12 tháng, để tiến hành thẩm định nội dung. Cục sẽ công bố hồ sơ của DN lên công báo Sở hữu công nghiệp (địa chỉ www.noip.gov.vn).

“Nên xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu”
Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP): Trách nhiệm của DN là phải xác lập quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện quy chế dán nhãn; quản lý tốt hệ thống bán hàng; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng; nắm vững luật pháp về SHTT; ứng dụng các loại tem chống hàng giả, hàng nhái hiện đại; kiên quyết chống lại nạn hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình; đăng ký bảo vệ SHTT tại biên giới với cơ quan hải quan Việt Nam những thương hiệu hàng hóa của mình.


Minh Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN