Từ những con số
Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế cho thấy, giai đoạn 2014-2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, trong đó có hơn 105 tấn ngà voi, tương đương hơn 15.700 cá thể voi bị sát hại; 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể); da, xương, sản phầm khác của khoảng 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê.
Động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài. Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi.
Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã đã thống kê dựa trên nguồn dữ liệu của các cơ quan thực thi pháp luật cho thấy, giai đoạn 2013-2017 có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loại động vật hoang dã; hơn 180 loại động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn… bất hợp pháp.
Qua nghiên cứu sơ bộ trên internet về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển thống kê có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã.
Đến đối mặt với những mối nguy lớn
Hiện nay, theo các tổ chức nghiên cứu, nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp loài hoang dã khiến đa dạng sinh học bị suy giảm.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF, hiện nay, mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á là bẫy dây. Các mối đe dọa lớn khác bao gồm mất môi trường sống do phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển nông nghiệp, buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ. Ước tính có tới hơn chục triệu bẫy dây đang được giăng mắc khắp các khu bảo tồn tại Campuchia, Lào và Việt Nam-những quốc gia đã từ lâu không tìm thấy dấu hiệu hổ sinh sản trong tự nhiên.
Kết quả thực hiện Đề án "Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Việt Nam chỉ còn dưới 120 cá thể voi hoang dã ngoài tự nhiên. Theo thống kê của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2015, số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể. Trên trang thông tin của Sách Đỏ IUCN, hổ thậm chí còn được nhận định có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm này là nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp. Các thông tin cho thấy tình trạng của loài hổ hiện nay là vô cùng nguy cấp, có thể sẽ nối gót tê giác, vĩnh viễn biến mất.
Thông tin từ 18 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, liên quan đến các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam, một số điểm nóng như chợ chim Thạnh Hóa (Long An), Tam Nông (Đồng Tháp), chuỗi nhà hàng chim to dần trên cả nước... Thậm chí, những khu vực như vườn quốc gia Xuân Thủy, Cát Bà, Tràm Chim... cũng là nơi tội phạm săn bắt chim hoạt động để cung cấp cho các chợ, nhà hàng chim hoang dã.
Tình trạng này riêng với các loài chim hoang dã có thể là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, làm bùng phát thêm các dịch bệnh, trong đó nhiều loài chim đã bị tận diệt đến mức vắng bóng trong thiên nhiên. Bên cạnh những mối nguy về sức khỏe cộng đồng cũng như đa dạng sinh học, tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim hoang dã còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế bởi Việt Nam đã tham gia Chương trình Hợp tác đối tác đường bay Chim di cư châu Á-Úc Châu, cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới vì thiên nhiên cùng nhiều công ước, cam kết quốc tế khác về bảo vệ động vật hoang dã.
Rùa đầu to là một trong những loài rùa lạ nhất thế giới cần được bảo tồn. Tại Việt Nam, rùa đầu to phân bố ở Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Rùa đầu to đang ngày càng suy giảm, nguyên nhân do rừng nguyên sinh mất dần, tình trạng săn bắt quá mức để mua bán trao đổi với nước ngoài, khiến loài này cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nỗ lực bảo tồn
Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) vào tháng 10/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người. Hơn 1 triệu loài thực vật, động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và động vật không xương sống đang đối mặt với mối đe dọa.
Những con số này cho thấy cần phải có những giải pháp cấp bách để bảo tồn. Trên thế giới, một số loài hoang dã như voi, hổ đã được quan tâm sớm hơn. Hàng năm, quốc tế đã có một ngày về bảo tồn voi, hổ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ thành công, vì chỉ cần đủ môi trường sống, thú mồi và được tránh khỏi nạn săn trộm, các loài này có thể quay trở lại.
Điển hình với loài hổ, hiện có hơn 100 khu bảo tồn đạt quy chuẩn CA|TS (công cụ bảo tồn gồm các tiêu chuẩn quản lý các loài mục tiêu và tiến độ đánh giá) và 70% trong số này là nơi sinh sống của quần thể hổ trên toàn cầu, bao gồm các địa điểm ở Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Nepal và Nga.
Tháng 9/2021, Ấn Độ công bố 14 khu bảo tồn đã được phê duyệt theo Quy chuẩn CA|TS. Nước này cũng bàn thảo kế hoạch có thể bao gồm tăng ngân sách cho các khu bảo tồn, trong đó có ngân sách cho cán bộ kiểm lâm làm việc trên thực địa, thành lập các Uỷ ban Quốc gia về Bảo tồn hổ do người đứng đầu chính phủ chủ trì. Ngoài ra, kế hoạch cũng xem xét một số vấn đề khác như cơ hội di chuyển và tái thả hổ, đồng thời giải quyết việc buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ.
Các chính phủ ở Đông Nam Á đưa ra thảo luận Kế hoạch hành động phục hồi hổ ở khu vực tại Hội nghị cấp Bộ trưởng châu Á về Bảo tồn Hổ lần thứ tư, do Chính phủ Malaysia tổ chức trong tháng 11/2021.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), với mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á là bẫy dây, các cuộc tuần tra chống săn trộm do các thành viên cộng đồng người bản địa Malaysia thực hiện tại Khu Bảo tồn Belum Temengor đã góp phần giảm 94% số bẫy dây kể từ năm 2017.
Ở Việt Nam, từ năm 2011, trong khuôn khổ dự án CarBi, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) và các đối tác đã gỡ bỏ 134.000 bẫy dây. Tại Vườn quốc gia Pù Mát, lực lượng tuần tra cũng đã gỡ bỏ 4.655 bẫy trong hai năm 2018-2019, giảm 53% số bẫy và 71% số lán trại của thợ săn.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với công tác bảo tồn hổ tại Việt Nam.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, mặc dù dấu vết về hổ tại Việt Nam trong tự nhiên gần như không thấy, nhưng Việt Nam vẫn đang và có thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á thông qua các nỗ lực đang được triển khai như bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm của hổ.
Trong Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, Việt Nam đã đặt mục tiêu Bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022.
Để đạt được mục tiêu, Việt Nam đã đề ra 7 nhóm giải pháp chính, trong đó xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ và đề xuất xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ cũng như hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và động vật hoang dã trái phép; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính phù hợp với yêu cầu nhằm tăng cường công tác bảo tồn hổ; tăng cường hợp tác liên biên giới với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu về công tác bảo tồn hổ.