Bảo tồn giá trị đặc sắc quần thể di tích chùa Bổ Đà

Tỉnh Bắc Giang đang tích cực chuẩn bị cho lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (nằm trên địa bàn xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên) và khai hội chùa Bổ Đà vào ngày 13/3 (tức ngày 16/2 âm lịch).

Khu vực Tứ Ân Tự của chùa Bổ Đà gồm 100 gian nhà gỗ thông nhau. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Tại lễ đón nhận sẽ có một chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi “Về nơi đất lành chốn thiêng”. Dịp này huyện Việt Yên sẽ tổ chức công bố Bằng công nhận cây di sản Việt Nam, kỷ lục quốc gia tại chùa Bổ Đà; liên hoan hát quan họ, hát quan họ dưới thuyền, cắm trại, trưng bày sản vật địa phương, trưng bày thư pháp, triển lãm sinh vật cảnh...

Nằm ở bờ Bắc sông Cầu thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, dãy Bổ Đà sơn kỳ vĩ đẹp tựa trong tranh, nơi người xưa đã biết gửi mơ ước của mình vào từng cột gỗ, đường vân thớ đá mang dáng dấp Phật đường và gắn với nó là cả một quần thể di tích gọi chung là chùa Bổ Đà. Đây cũng là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, một chốn sơn thủy hữu tình, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại.

Quần thể di tích chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; hay chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức. Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).

Đặc biệt, tại đây có vườn tháp được coi là lớn nhất Việt Nam với hơn 100 ngôi bảo tháp là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt của các tăng ni dòng Thiền Lâm Tế. Đã từ nhiều năm nay, di tích và lễ hội chùa Bổ Đà xứng đáng trở thành một điểm dừng chân cho du khách tham quan và tìm hiểu về văn hóa bờ Bắc sông Cầu.

Theo một số cứ liệu lịch sử, chùa Bổ Đà được xây dựng từ thế kỷ 11 (nhà Lý) khi Phật giáo ở nước ta đang trong giai đoạn thịnh trị. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh liên miên suốt bảy thế kỷ đã tàn phá nặng nề ngôi chùa. Phải đến thời vua Lê Dụ Tông (trị vì từ năm 1705 đến năm 1729), chùa Bổ Đà mới được dựng lại như ngày nay.

Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Tuy nhiên lại có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc Việt Nam là có gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian như gạch nung, ngói, tiểu sành… theo lối kiến trúc “Nội thông ngoại bế”.

Ngoài công trình kiến trúc độc đáo khu nội tự, bên trong ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm; trong đó, hệ thống tượng Phật theo dòng Thiền phái Trúc Lâm, ván khắc, văn bia, sách kinh Phật, hương án đồ thờ… mang giá trị vô giá cả về lịch sử cũng như văn hóa.

Một giá trị đặc sắc khác của quần thể di tích này là bộ mộc bản chùa Bổ Đà. Theo Hòa thượng Tự Tục Vinh - trụ trì chùa Bổ Đà, kho mộc bản kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), còn bản sách kinh cuối cùng được khắc năm nào thì chưa rõ.

Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình hài. Gần 2.000 ván kinh còn lại đến nay được xếp trên giá gỗ, một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem.

Vườn tháp chùa Bổ Đà được coi là một trong những vườn tháp lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng Thiền Lâm Tế nằm ở bên trái khu nội tự và vườn chùa. Trải qua gần 300 năm kể từ khi sư tổ Phạm Kim Hưng cho tu bổ lần đầu tiên đến nay, chùa Bổ Đà có tất cả hơn 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ. Đặc biệt có ngôi tháp an táng tới 26 nhà sư.

Hệ thống tường đất cũng là một nét độc đáo riêng chùa Bổ Đà mà hiếm ngôi chùa nào có được. Tường đất ở chùa Bổ Đà được trình bằng loại đất sỏi son ở núi Bổ Đà, trình theo thứ tự từ thấp đến cao để tạo ra những bức tường đất rất độc đáo. Trên đỉnh tường có mõ, tường được che bằng các mảnh gốm chum vại Thổ Hà. Trải qua thời gian, mái và sườn tường đã ngả màu nâu xám, rêu xanh bám vào càng làm tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi chùa.

Trong quần thể di tích chùa Bổ Đà còn có am Tam Đức, chùa Cao (hay chùa Thượng, chùa Cổ), ao Miếu, đền Thạch Linh Thần Tướng với giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc. Gắn liền với di tích chùa Bổ Đà là Lễ hội chùa Bổ Đà (còn gọi là Hội Chùa Bổ). Lễ hội được tổ chức từ ngày 16 -18/2 âm lịch hàng năm, tại khu vực núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự.

Nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quần thể di tích chùa Bổ Đà, năm 2018 UBND huyện Việt Yên và ngành văn hóa tỉnh dự kiến sẽ tham mưu với UBND tỉnh xây dựng xong quy hoạch tổng thể khu di tích trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở pháp lý để phát huy vai trò quản lý, bảo tồn, huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo, đưa di tích thành điểm thu hút mạnh mẽ khách du lịch văn hóa - tâm linh trong và ngoài tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng, trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, huyện Việt Yên đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch của huyện là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị quần thể di tích chùa Bổ Đà gắn với các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác của địa phương.

Huyện sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch toàn bộ quần thể di tích chùa Bổ Đà với các hạng mục: Khu di tích chùa Bổ Đà; khu đền thờ Thạch Linh Thần Tướng; khu đất dự phòng xây dựng điểm du lịch giải trí và nghỉ dưỡng; khu xây dựng Đài vọng cảnh; khu xây dựng Tháp cửu phẩm liên hoa; khu vực tổ chức lễ hội; khu vực cắm trại, dã ngoại và quần thể cây xanh...

Ngoài ra, từ nay đến năm 2020 huyện Việt Yên bổ sung quy hoạch khu đất dự phòng thu hút đầu tư phát triển du lịch xung quanh khu vực chùa Bổ Đà; đầu tư xây dựng khu nhà quản lý và dịch vụ tại chùa Bổ Đà phục vụ cho Ban quản lý di tích, giới thiệu và bán sản phẩm địa phương, hướng dẫn du lịch thăm quan Chùa và các di tích khác trên địa bàn; xây dựng sân khấu biểu diễn và khu trung tâm tổ chức sự kiện tại khu sân vận động phía trước chùa.

Huyện Việt Yên cũng quan tâm huy động nguồn xã hội hóa và đầu tư của nhân dân để xây dựng các điểm phục vụ ăn uống với quy mô 1.000 m2 tại khu chùa Bổ Đà; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông từ chùa Bổ Đà đến đầu thôn Yên Viên, đường vành đai 4 kết nối quốc lộ 1 đi qua các xã Quang Châu, Ninh Sơn, Tiên Sơn...

Những năm sau 2020, huyện Việt Yên dự kiến sẽ kêu gọi thu hút nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng khu dịch vụ giải trí tại khu vực ven đường vành đai 4 gần chùa Bổ Đà và khu tổ hợp du lịch, dịch vụ pagoda stay tại núi Phượng Hoàng...
Việt Hùng (TTXVN)
Tôn tạo di tích chùa Côn Sơn
Tôn tạo di tích chùa Côn Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Côn Sơn thuộc quần thể Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN