Bảo hiểm hưu trí tự nguyện chia khó với bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện nên được khuyến khích để chia sẻ bớt khó khăn với quỹ bảo hiểm xã hội truyền thống. Đó là nội dung được chia sẻ tại Hội thảo: “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động” diễn ra sáng nay (30/7) do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: Tại kì họp thứ XIII, Quốc hội khóa VIII (T5/2014), Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được trình Quốc hội với 2 điểm sửa đổi quan trọng. Thứ nhất, số năm làm việc của người lao động trước khi được nghỉ hưu sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc phải đóng góp nhiều hơn cho Quỹ BHXH. Thứ hai, lương hưu mà người lao động nhận được khi nghỉ hưu sẽ ít hơn so với cách tính tiền lương hưu hiện hành.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VCCI


Cả hai thay đổi này cùng hướng đến một mục tiêu nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối thu – chi của Quỹ BHXH, tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Thực tế cho thấy, vấn đề này chỉ có thể giải quyết được khi thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát triển Quỹ, trong đó giải pháp dài hơi là mở rộng đối tượng tham gia BHXH và phải hướng tới BHXH toàn dân.

Trong khi các giải pháp khác nhằm cứu quỹ BHXH cần có chế tài và thời gian để triển khai thì việc triển khai hình thức Bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN) được cho là một trong những giải pháp nhằm giảm gánh nặng của quỹ BHXH, tăng an sinh xã hội cho người dân.

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, sự ra đời của loại hình BHHTTN tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tự tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu. Bên cạnh đó, BHHTTN cũng tạo cơ hội cho các DN đa dạng hóa loại hình hoạt động, làm phong phú thêm sản phẩm bảo hiểm, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm nguồn quỹ BHHT quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

“Việc hình thành và phát triển hai loại hình BHHTTN sẽ góp phần bổ sung thêm trụ cột vào hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững và đảm bảo tính đầy đủ hơn cho hệ thống hưu trí. Đây được xem là giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Sự cần thiết của mô hình BHHTTN


Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo dự báo của nhiều quốc gia, Việt Nam có quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Từ kinh nghiệm quốc tế đưa ra để xử lý vấn đề này thì theo Ngân hàng thế giới, một giải pháp đề xuất là hệ thống hưu trí đa tầng bao gồm 5 tầng: tầng 1 là tầng không đóng góp và nguồn 100% từ ngân sách Nhà nước, tầng 2 là tầng hưu trí cơ bản, tầng 3 là hưu trí nghề nghiệp, tầng 4 là tầng hưu trí cá nhân, tầng 5 là tầng tiết kiệm cá nhân.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: VCCI


“Về dài hạn một hệ thống hưu trí Việt Nam cần hướng đến an ninh thu nhập cần được thiết kế đa tầng, đan xen và hỗ trợ nhau cũng như dễ dàng chuyển đổi” – ông Giang nhấn mạnh.

Về vai trò của BHHTTN, ông Giang cho biết, đối với NLĐ, tổng lợi ích của NLĐ được cải thiện, giúp NLĐ tập trung lao động phục vụ DN; tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con, cháu và phúc lợi xã hội của nhà nước; giúp đa dạng hóa và cải thiện lương hưu cho NLĐ khi nghỉ hưu, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hưu trí cơ bản; giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận. Đặc biệt, thông qua việc quản lý bằng tài khoản cá nhân, NLĐ có thể biết rõ thu nhập tương lai của mình, từ đó thúc đẩy động lực tiết kiệm.

Đối với người sử dụng lao động, việc tham gia BHHTTN sẽ nâng cao tổng lợi ích cho NLĐ, góp phần đảm bảo tương lai cho NLĐ, tạo động lực để NLĐ gắn bó lâu dài với DN; tiết kiệm chi phí thuế khi tham gia đóng góp vào BHHTTN. Việc đóng vào quỹ HTTN cũng chính là cách DN chia sẻ thành quả kinh doanh của mình đối với NLĐ. Đối với nhà nước, xã hội, việc đa dạng hoá nguồn thu nhập của người nghỉ hưu sẽ giúp giảm các tác động xấu đối với xã hội khi có vấn đề với hưu trí cơ bản. HTTN ra đời cũng giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và quỹ hưu trí cơ bản: khi người dân tự lo được tương lai của mình, nhà nước sẽ bớt gánh nặng. Đồng thời, tạo nguồn lực dài hạn phát triển thị trường vốn, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Giang cũng nhận định: Đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện BHHTTN bởi hiện Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020, con số này là gần 62%; Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 2.000 USD/người/năm; Cơ sở hạ tầng để thực hiện HTTN đã sẵn sàng với 46 công ty quản lý quỹ, 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, DN bảo hiểm.

Ông Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban phản biện chính sách Hội đồng các nhà quản trị DN Việt Nam.


Dưới góc độ của DN và NLĐ, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, Trưởng ban phản biện chính sách Hội đồng các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng có hai lý do để chúng ta phải sớm triển khai BHHTTN. Thứ nhất, đây là hình thức hỗ trợ đắc lực cho BHXH vì nó khắc phục được hạn chế của BHXH là đối tượng hạn chế và yêu cầu phải có hợp đồng lao động, thủ tục BHXH rất nhiêu khê và phiền hà. Thêm nữa, mức đóng BHXH và đóng theo mức lương. Vì thế, khi về nghỉ hưu lương hưu thấp dù người muốn đóng bảo hiểm thêm cũng không được do quy định. Thứ hai, khung pháp lý cho BHXH nói chung và BHHTTN cũng phải được nghĩ đến.

Sau Hội thảo tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life sẽ tổ chức Hội thảo về BHHTTN tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6/8 tới.

Hoàng Dương

Lương hưu sẽ tăng khi triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung
Lương hưu sẽ tăng khi triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đang hoàn thiện đề án triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định thực hiện thí điểm từ tháng 1/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN