Báo động ô nhiễm kênh rạch tại TP.HCM

Hệ thống kênh rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng và là thực trạng được đặt ra trong Hội thảo giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông, kênh rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Môi trường và Tài nguyên và báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức vào ngày 18/12. 


Cuộc hội thảo "nóng" ngay từ khi mới bắt đầu và kết thúc muộn hơn dự kiến bởi người dân, các nhà khoa học, nhà quản lý đều muốn đóng góp ý kiến để cải thiện môi trường thành phố.


Kênh sạch ít, rạch bẩn nhiều


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng nước thải trên kênh rạch sông Sài Gòn có cải thiện nhưng mức độ ô nhiễm vẫn còn cao, nhất là ô nhiễm hữu cơ. Dự kiến đến năm 2020 thì 7 hệ thống xử lý nước thải ở các lưu vực kênh rạch và sông Sài Gòn thì chất lượng nước kênh rạch và sông Sài Gòn mới có chuyển biến tích cực.


Rạch Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh), được phủ bởi một "thảm" rác.



Tại hội thảo, ông Phan Tung Sơn, Phó Chi Cục bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong mười năm qua hệ thống kênh rạch của thành phố đã có sự chuyển mình trong công tác xử lý nước thải, cải tạo cảnh quan. Hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là ví dụ rõ nét nhất về việc quyết tâm cải tạo chất lượng nguồn nước, cải tạo cảnh quan, chống lấn chiếm kênh rạch và xử lý nước thải. Tuy nhiên, ông Phan Tung Sơn cũng thừa nhận còn rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp cải thiện chất lượng môi trường hệ thống kênh rạch và sông Sài Gòn và số kênh rạch được xử lý môi trường vẫn còn ít. Doanh nghiệp có cơ hội là xả thải và cần có cơ chế phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đầu nguồn sông Sài Gòn. Không thể có chuyện các tỉnh đầu nguồn cho phép xả thải loại B khi đã thống nhất chỉ được xả thải loại A.


Dưới góc độ nghiên cứu lâu năm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết: Hiện tượng tái ô nhiễm đã xuất hiện, hàm lượng oxy trong nước vẫn thấp trong khi nhiều nơi mức ô nhiễm hữu cơ và và vô cơ vẫn khá cao từ hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép. Những nỗ lực về cải thiện môi trường hệ thống kênh rạch và sông Sài Gòn rất đáng ghi nhận nhưng vẫn còn rất ít so với nhu cầu thực tế và chỉ tập trung xử lý tại các khu trung tâm.


Nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như kênh Nước Đen, kênh 15, 17, 18, Rạch Chiếc, kênh Thầy Cai... bị ô nhiễm nghiêm trọng vì các bãi rác thẩm thấu vào đất hay do hòa tan cùng nước mưa chảy vào kênh rạch. Nước thải y tế đang vượt tải lượng nhưng câu chuyện chính nằm ở việc nguồn nước thải từ sinh hoạt được đổ thẳng vào kênh rạch và sông Sài Gòn. "Việc xả rác vô tội vạ từ người dân, từ các chợ vào kênh rạch và sông Sài Gòn cũng tạo áp lực rất lớn về ô nhiễm môi trường. Rác xả vào kênh rạch có thể tính bằng hàng chục tấn mỗi ngày tạo ra ô nhiễm nghiêm trọng hơn và khó xử lý cải tạo môi trường hơn", bà Nguyễn Thị Thanh Phượng chia sẻ.


Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nguyễn Minh Hoàng tỏ ra bức xúc vì lượng rác, lục bình ngay trên chính con kênh được cho là đẹp nhất thành phố - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mỗi ngày vớt trung bình cũng đã 4-4,5 tấn rác (sau khi đã ép nước), có ngày lên đến hơn 5,5 tấn. Kế hoạch đến năm 2020 giải quyết hết ô nhiễm các kênh rạch và sông Sài Gòn là không thực tế vì hiện nay chưa giải quyết vấn đề cơ bản là các hộ dân sống ven kênh và sự tiếp giáp của nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An cũng có khá nhiều kênh rạch với Thành phố Hồ Chí Minh chưa được giải quyết.


Cần nhiều giải pháp căn cơ


Theo Viện Môi trường và Tài nguyên, sự chồng chéo trong quản lý là nguyên nhân chính gây ra chậm xử lý các vấn đề ô nhiễm kênh rạch và sông Sài Gòn. Ngoài ra còn do ý thức kém của một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Dẫn chứng thêm về vấn đề này, ông Lưu Văn Tấn, Trưởng Phòng thoát nước thải, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Vốn được giải ngân rất ít và rất chậm và ngay cả trong cuộc họp của các lãnh đạo thành phố cũng có nhắc đến chuyện các văn bản đề xuất của Trung tâm điều hành chống ngập trình lên được quá nhiều cơ quan thẩm định nên đến tay lãnh đạo mất 6 tháng đến 1 năm. Thực sự chúng tôi đã hết sức cố gắng trong khả năng của mình"


Ở góc độ người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, ông Phạm Văn Tân - người đã 35 năm vớt rác không công tại kênh Cầu Mé, phường 3, Quận 11 đã đề xuất nên phạt thật nặng các đối tượng xả rác. Ông Phạm Văn Tân nêu: "Tôi năm nay đã 75 tuổi và dành nửa đời mình để vớt rác nhưng càng vớt rác càng nhiều, càng về sau rác càng lớn hơn, khó vớt hơn. Vấn đề ô nhiễm đã bàn quá nhiều rồi nhưng chưa thấy bàn đến việc phạt những người kém ý thức khi cứ liên tục xả rác dù đã được nhắc nhở".


Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần phân vùng kênh rạch để phân loại và ưu tiên cứu những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền cần có sự liên kết để người dân hiểu và đồng hành cùng chính quyền bên cạnh các biện pháp xử lý pháp luật cần mạnh tay hơn để răn đe các đối tượng gây ô nhiễm môi trường.


Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam đề xuất: Giải pháp chống ô nhiễm, chống ngập nên chia làm hai phần: phần công trình và phần phi công trình. Các công trình về cống, kè, bờ bao đang thực hiện cứ thực hiện tiếp còn lại là nghiên cứu tuyên truyền một cách thực tế hơn nữa đến từng hộ dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về mối nguy hại của rác thải.


Quốc Ấn

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Sóc Trăng
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Sóc Trăng

Hàng trăm hộ dân ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng phải chịu thảm cảnh ô nhiễm quá trầm trọng từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN