Bảo đảm an toàn tiêm vắcxin Quinvaxem

Dù các chuyên gia y tế khẳng định, 32 trường hợp trẻ nhập viện sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem ở tỉnh Tiền Giang mới đây không phải do chất lượng vắcxin, nhưng nhiều người dân vẫn rất lo ngại lại về nguy cơ tiếp tục xảy ra tai biến.


Phản ứng tiêm chủng thông thường


Ngày 27/10, BS Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và các BS của Viện đã đến huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hỗ trợ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khảo sát về các trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem trong hai ngày 25- 26/10 vừa qua.

 

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình kiểm tra vắcxin tiêm chủng trước khi cấp cho các địa phương. Văn Đạt - TTXVN


Đoàn đã kiểm tra quy trình bảo quản vắcxin, tiêm vắcxin, trực tiếp điều tra cộng đồng tại các xã có nhiều ca bị phản ứng sau tiêm chủng, khảo sát hồ sơ bệnh án và khám thực thể. “Tình trạng phản ứng sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem là có. Song đây chỉ là những phản ứng nhẹ thông thường, nằm trong giới hạn cho phép và không phải do chất lượng vắcxin. Đoàn kiểm tra chỉ phát hiện số lượng trẻ được tiêm chủng trong 1 buổi/điểm tiêm chủng vượt quá quy định cho phép của Bộ Y tế, nhưng điều này không làm giảm chất lượng tiêm chủng”, BS Lê Hoàng San kết luận.


Theo BS San, nguyên nhân nhiều trẻ nhập viện sau tiêm chủng tại huyện Cai Lậy là do tâm lý. Sau những trường hợp tai biến sau tiêm chủng được thông tin, người dân lo lắng trước những phản ứng sau tiêm chủng của trẻ nên đã chủ động đưa con em đến cơ sở y tế dù chỉ là phản ứng thông thường như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm.

Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu có biểu hiện: Sốt cao trên 39oC, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, khó thở, tím tái, li bì, phát ban...


Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng khẳng định: “Tất cả các trường hợp trẻ phản ứng sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem tại Tiền Giang đều là những phản ứng thông thường. Đến nay, tất cả các trường hợp này đều ổn định và đã ra viện. Bởi vậy, các bà mẹ không nên quá lo lắng, nên tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng”.


GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng, cũng khẳng định: “Những phản ứng ở trẻ sau tiêm chủng vắcxin ở Tiền Giang là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Theo Tổ chức Y tế thế giới tỷ lệ phản ứng với loại vắcxin này trên 10%, thậm chí có 50%. Ngoài ra, cũng có thể có những phản ứng nặng hơn như có thể co thắt kéo dài, tím tái, co giật, chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1/1.000; và còn một tỷ lệ sốc phản vệ thấp hơn”.


Tránh lơ là kiểm tra, giám sát


Chị Phạm Thị Trang, ở Mai Động, Hà Nội chia sẻ. “Dù cơ quan chức năng nói đó là phản ứng thông thường, nhưng là một người mẹ mới sinh, tôi vẫn rất đắn đo khi đưa con đi tiêm chủng vắcxin Quinvaxem. Đầu tháng 10/2013, trước khi cho tiêm lại vắcxin Quinvaxem, đại diện Bộ Y tế đã khẳng định, các điểm tiêm phải đảm bảo về kế hoạch, nhân lực, không quá 50 trẻ/điểm tiêm thì mới cho tiêm. Vậy tại sao điểm tiêm chủng tại tỉnh Tiền Giang tiêm quá số lượng trẻ cho phép mà vẫn tổ chức tiêm chủng? Rõ ràng, việc kiểm tra giám sát của ngành y thực hiện chưa tới nơi, nơi chốn”.


Không riêng gì chị Trang, trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ cũng chia sẻ nỗi lo lắng về nguy cơ tiếp tục xảy ra tai biến sau tiêm chủng. Đặc biệt, nhiều người cho rằng Bộ Y tế nên cân nhắc về việc thay đổi loại vắcxin để tránh tối đa những phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ. Bởi lẽ, chính GS.TS Nguyễn Trần Hiển, đã khẳng định: “Đúng là do thành phần ho gà toàn tế bào trong vắcxin Quinvaxem làm tăng tỷ lệ phản ứng phụ nên một số nước trên thế giới đã phát triển vắcxin thế hệ mới - vắcxin ho gà vô bảo. Mục đích nhằm giảm phản ứng phụ như sốt và phản ứng tại chỗ nhằm tạo lòng tin cho người dân về loại vắcxin này.


Trước những nỗi lo lắng của người dân về việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình tiêm chủng, nhất là tiếp tục triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem thời gian tới, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã ban hành "Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng" và triển khai tới tất cả các địa phương. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, tránh những sai sót có thể xảy ra trong thực hành tiêm chủng như: Thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, thực hiện triệt để quy định số trẻ tiêm chủng không quá 50 trẻ/buổi/điểm tiêm, khám sàng lọc trước tiêm...


“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt hoạt động tiêm chủng, nhưng bên cạnh đó cũng cần sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương. Như vậy, công tác tiêm chủng chắc chắn sẽ đảm bảo hiệu quả và an toàn”, PTS.TS Trần Đắc Phu, nhấn mạnh.


Phương Liên - TTN

3 trẻ sơ sinh Quảng Trị chết sau tiêm không phải do vắc xin
3 trẻ sơ sinh Quảng Trị chết sau tiêm không phải do vắc xin

Cục Y tế dự phòng khẳng định: Đến nay nguyên nhân do vắc xin đã được loại trừ và Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan cái chết của ba trẻ sơ sinh sau tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN