Bàn giao con tê tê vàng quý hiếm cho Vườn quốc gia Cúc Phương

Ngày 21/4, Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) một con tê tê (do người dân địa phương tự nguyện giao nộp) để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên.

Chú thích ảnh
Con tê tê vàng có trọng lượng 0,2 kg là một cá thể ở giai đoạn con non, vừa mới sinh được vài tuần. 

Trước đó, ngày 20/4, bà Trần Thị Như (trú ở thôn Liễu An, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn) đã đến Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn tự nguyện giao nộp một con tê tê vàng có trọng lượng 0,2 kg.

Theo ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn, con tê tê này được người dân bắt được khi đi làm rừng tại địa phương. Trước đó, đơn vị đã tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về việc tự nguyện giao nộp động vật hoang dã khi bắt được nên người dân trên địa bàn có nhận thức rất cao, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng.

Chú thích ảnh
Con tê tê vàng được người dân địa phương bắt được khi đi làm rừng và giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn vào ngày 20/4 vừa qua.

Anh Hoàng Văn Thái, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết, qua giám định ban đầu, đây là cá thể tê tê vàng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm và đang được pháp luật bảo vệ theo nhóm IB, thuộc danh mục được quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Chú thích ảnh
Cán bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc ban đầu cho tê tê

Trước đó, ngày 9/4, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thả 3 động vật quý hiếm về rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Đây là những động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, bao gồm: 1 con culi, 1 con khỉ mốc và 1 con khỉ mặt đỏ do người dân tự nguyện giao nộp lại cho Chi cục Kiểm lâm Bình Định. Đơn vị đã chuyển giao lại những động vật này cho Vườn thú FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn cứu hộ, chăm sóc theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Phòng Quản lý, bảo vệ và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Bình Định), cho biết: “Khi người dân giao nộp động vật hoang dã thì đơn vị tiến hành thả về môi trường tự nhiên ngay nếu con vật khỏe mạnh. Còn nếu con vật bị thương thì đơn vị sẽ giao cho các trung tâm chăm sóc động vật hoang dã nuôi một thời gian để để hồi phục sức khỏe rồi mới thả về môi trường tự nhiên”.

Chi cục Kiểm lâm Bình Định cũng đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền cho người dân thực hiện “5 không”, gồm: không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, góp phần vào việc bảo tồn sự đa dạng sinh học của địa phương.

Tin, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Cứu hộ động vật hoang dã quý hiếm ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước hơn 120 km về phía Đông Bắc, nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh vùng đất đỏ Đông Nam Bộ”. Tuy vậy, rất ít ai biết nơi đây lại có Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thực hiện công việc giải cứu động vật quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, lu li nhỏ, trăn mốc, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ… trở về với thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN