Bàn cách giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Tình trạng người lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã và đang làm xấu hình ảnh người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị “Triển khai các giải pháp vận động người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc trong năm 2014 về nước” cho 14 tỉnh thành phía Nam vào chiều ngày 25/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Gia tăng cư trú bất hợp pháp


Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, từ cuối năm 2010 đến nay mới phát sinh tình trạng người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn quốc. Tỷ lệ luôn ở mức trung bình gần 50%, có thời điểm lên đến 57%, cao hơn gấp 2 lần so với mức trung bình của các nước khác. Năm 2013, mặc dù các cơ quan ban ngành trong và ngoài nước đã tính cực phối hợp với các cục quản lý lao động ngoài nước, sở Lao động- Thương Binh và Xã hội các tỉnh thành phố để tuyên truyền, vận động gia đình động viên thân nhân của họ về nước đúng thời hạn quy định tuy nhiên chưa đạt kết quả cao.


Theo đó, trong năm 2013, tại 14 tỉnh phía Nam, số lượng người lao động hết hạn hợp đồng lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao. Ví dụ như Đắc Lắk có 25/45 người (chiếm 56%), Bạc Liêu có 24/45 người (chiếm 53%), Quảng Ngãi có 64/126 người (chiếm 51%), Đồng Nai có 19/40 người (chiếm 47%), TP Hồ Chí Minh có 62/176 người (chiếm 35%), Cần Thơ có 36/107 người (chiếm 33%)…


Sở dĩ người lao động Việt Nam ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là do công tác đào tạo, giáo dục dịnh hướng, dạy ngoại ngữ cho người đi xuất khẩu lao động của chúng ta thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, tác phong nghề nghiệp chưa thật sự được các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chú trọng, vì vậy chất lượng nguồn nhân lực và tính tuân thủ pháp luật của lao động Việt Nam kém thua các nước trong khu vực….


Ngoài ra, do người lao động Việt Nam có tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhất là những lao động có thời gian làm việc nhiều năm tại Hàn Quốc vì vậy đã chiếm được tình cảm của chủ sử dụng lao động, nên sau khi lao động hết hạn hợp đồng, chủ sử dụng Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam vào làm việc… Bên cạnh đó, một số người lao động chưa quan tâm đến mức xử phạt hành chính vì mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Chỉ cần làm việc 3 tháng là họ có đủ tiền đóng phạt (100 triệu đồng), còn các tháng làm việc khác sẽ cho họ thêm thu nhập cao cho nên người lao động mới chấp nhận vi phạm….


 

Các đại biểu tham dự mong muốn tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để giảm số lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.


 

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc lao động không về nước đúng quy định là vi phạm hợp đồng đã kí với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động, vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam và pháp luật Hàn Quốc, đặc biệt là làm xấu hình ảnh người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Ngoài ra, vì số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp gia tăng còn khiến phía Hàn Quốc đã tạm dừng chấp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài), cụ thể là Bản ghi nhớ đã hết hiệu lực vào ngày 28/8/2012 chưa được ký gia hạn gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người lao động khác khi muốn sang làm việc tại Hàn Quốc.


Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động


Vì vậy, để hạn chế tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, ban ngành, các cơ quan truyền thông… thực hiện các giải pháp quyết liệt, làm sao giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của địa phương xuống.


Theo đó, thực hiện việc tuyên truyền về các quy định của các pháp luật liên quan đến xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp để người lao động hiểu và tuân thủ. Mặt khác, vận động các gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc ký các bản cam kết để thuyết phục, khuyên nhủ con em về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động nhằm điều kiện cho người lao động khác trong nước đã thi đậu chứng chỉ tiếng Hàn có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.


Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn thành lập Văn phòng Quản lý lao động theo Chương trình EPS, trực thuộc Trung tâm Lao động ngoài nước đặt tại Hàn Quốc và đưa vào hoạt động ngày 16/9/2013. Văn phòng này đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, cũng như số cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Hoạt động của văn phòng này được phía Hàn Quốc đánh giá rất tích cực.


Các giải pháp trên đã bước đầu giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời vào ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã kí bản ghi nhớ đặc biệt về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.


Theo chương trình mới, sẽ có ba nhóm đối tượng gồm: lao động đã đạt yêu cầu qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012, tháng 8/2012 sẽ được gia hạn chứng chỉ kiểm tra tiếng Hàn (nếu hết hạn) và hoàn thiện lại hồ sơ để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn; lao động đã đăng kí dự kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính trong ngành nông nghiệp vào tháng 8/2012; lao động hoàn thành hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn, đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính nhưng không được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lại sẽ được hoàn thiện lại hồ sơ để giới thiệu cho doanh nghiệp khác…


Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vận động người lao động hết hạn về nước hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù tỉnh cũng đã thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động người thân có người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, song việc triển khai vẫn chưa đạt kết quả cao do còn gặp không ít khó khăn. Ví dụ như vì là vấn đề mới phát sinh, phạm vi vi phạm lại diễn ra tại nước ngoài cho nên các cơ quan ban ngành địa phương khó có nhiều thông tin về sự việc để kịp thời giải quyết. Mặt khác, kinh phí thực hiện việc tuyên truyền vận động người thân ở trong nước để vận động người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước không có cho nên cũng khó đạt hiệu quả cao…

 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, có khoảng 3.594 người lao động hết hạn hợp đồng lao động phải về nước, trong đó hai địa phương có số lao động phải về nước nhiều nhất là Hà Nội (322 người), Thanh Hóa (336 người). Từ năm 2004, khi bắt đầu thực hiện chương trình EPS đến nay, Việt Nam đã đưa được 74.000 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Khi sang làm việc tại Hàn Quốc, thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam dao động từ 900-1.200 USD/tháng. Theo đó, mỗi năm người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về nước ước khoảng trên 700 triệu USD.


 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Nâng cao chất lượng nguồn lực xuất khẩu lao động
Nâng cao chất lượng nguồn lực xuất khẩu lao động

Lao động ngoài nước đang mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Để rõ hơn về tình hình xuất khẩu lao động trong thời gian tới, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN