Bài học từ vụ sập mỏ đá ở Nghệ An: An toàn phải trên hết

Đến nay, việc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành làm chết 18 người, bị thương 6 người đã kết thúc.

Tuy nhiên, dư âm và những bài học rút ra từ vụ tai nạn này đang là đề tài luôn mang tính thời sự. Phần lớn những nạn nhân trong vụ sập mỏ đá là lao động nghèo trên địa bàn xã Nam Thành và các xã khác trong huyện, có người đang là lao động chính trong gia đình.

Mỏ đá Lèn Cờ tồn tại từ nhiều đời nay, gắn với cuộc sống của hàng trăm hộ dân không chỉ trong xã Nam Thành mà còn nhiều xã khác trên địa bàn huyện Yên Thành. Chị Trần Thị Minh, xóm Hợp Thành, xã Nam Thành cho biết, ruộng đất ít, nghề phụ tại địa phương không có nhiều thì đối với nhiều người dân trong xã, làm việc nơi mỏ đá là cách duy nhất để kiếm thu nhập, nuôi sống gia đình.

Mỏ đá quan trọng là như vậy nhưng việc quản lý khai thác lại không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm về an toàn. Thượng tá Thái Văn Bình, Phó Công an huyện Yên Thành cho biết, chủ mỏ đã thiếu trách nhiệm, mặc dù đã được các cơ quan chức năng, kể cả công an, chính quyền địa phương kiểm tra nhắc nhở và xử lý nhiều lần, nhưng vẫn không tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo an toàn trong khai thác.

Lực lượng cơ giới cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN


Việc khai thác đá đòi hỏi phải tuân thủ những quy trình đảm bảo an toàn lao động một cách nghiêm ngặt. Đáng lý phải bóc tách đất đá, khai thác từ trên xuống và khai thác khi biết chắc an toàn, nhưng chủ mỏ vẫn cho phép khai thác từ dưới lên, làm rỗng chân núi, hậu quả là trong lúc người lao động đang khai thác đá thì bất ngờ mỏ bị sập. Trước đó, mỏ đá này đã từng xảy ra sạt trượt, đá từ trên cao rơi xuống, nhiều người đã cảnh báo, nhưng chủ mỏ vẫn bất chấp cho người dân vào khai thác.

Tại Nghệ An, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có những mỏ đá tương tự. Tỉnh luôn có công văn yêu cầu các mỏ đá chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác. Tuy nhiên, do việc kiểm tra, giám sát trong khai thác của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thường xuyên, trong khi các chủ mỏ coi nhẹ vấn đề an toàn lao động nên tai nạn mỏ đá vẫn xảy ra và hầu như năm nào cũng có. Những vụ lớn, đơn cử như vụ tai nạn tại mỏ đá Bản Vẽ nằm trên địa bàn xã Yên Na, huyện Tương Dương làm chết 18 người và nay là vụ tai nạn tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành làm chết và bị thương 24 người.

Không phủ nhận những giá trị kinh tế và ích lợi từ việc khai thác đá đối với cuộc sống người dân cũng như phục vụ cho các mục đích khác nhưng các vụ tai nạn trong khai thác đá xảy ra hàng năm đang là tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cả những người đang trực tiếp khai thác đá và các doanh nghiệp khai thác.

Ông Phan Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định: Qua vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại xã Nam Thành, địa phương sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước. Huyện đề nghị các doanh nghiệp khai thác đá phải nâng cao hơn vai trò trách nhiệm của mình; đồng thời với người dân làm việc tại các mỏ đá cũng phải tích cực tìm hiểu về an toàn lao động để bảo vệ an toàn của mình và cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Tìm được nạn nhân cuối cùng
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 3/4, sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng trong vụ sập mỏ đá xảy ra tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Nạn nhân là anh Nguyễn Thọ Vũ, thường trú tại xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành.
Ngay sau khi đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tổ chức khâm liệm và làm các thủ tục cần thiết để mai táng.
Trước đó, ngày 2/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến các gia đình nạn nhân và chính quyền tỉnh Nghệ An. Bức điện có đoạn: “Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình người bị nạn. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan liên quan và lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần có chính sách kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn, sớm ổn định tình hình, bảo đảm sản xuất và đời sống cho nhân dân”.
Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới các gia đình có người bị nạn. Ban Thường trực cũng hỗ trợ gia đình các nạn nhân với mức 5.000.000 đồng/người chết và 3.000.000 đồng/người bị thương để góp phần giúp đỡ các gia đình và nạn nhân do vụ sập mỏ đá gây ra.
Nhiều cá nhân khi đến hiện trường chứng kiến vụ việc cũng đã tìm đến gia đình các nạn nhân chia sẻ những mất mát, đau thương mà gia đình đang phải gánh chịu. Trong số đó, Công ty cao su Bình Long ủng hộ 50 triệu đồng; ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương hỗ trợ 100 triệu đồng; Công ty du lịch Công ty du lịch Văn Minh hỗ trợ 20 triệu đồng.
Theo thông tin từ Ban Cứu nạn cứu hộ tỉnh Nghệ An, đến nay tổng số tiền mà các tổ chức, cá nhân giúp đỡ các gia đình nạn nhân là 600 triệu đồng. Tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ mỗi nạn nhân tử nạn 9 triệu đồng để mai táng, mỗi nạn nhân bị thương 5,5 triệu đồng. N.V.N


Nguyễn Văn Nhật

Tìm được thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sập mỏ đá
Tìm được thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sập mỏ đá

Đúng 11 giờ 30 ngày 3/4/2011, sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại mỏ đá Lèn Cờ , xã Nam Thành, huyện Yên Thành ( Nghệ An ) khiến 18 người bị chết, 6 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN