Bài học kinh nghiệm từ những khiếm khuyết công trình giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết quả kiểm tra chất lượng các công trình giao thông trọng điểm đang gấp rút hoàn thành đưa vào sử dụng, theo đó đã phát hiện không ít công trình bộc lộ khiếm khuyết từ khâu thiết kế, thi công đến hoàn thiện, bảo trì. Thực tế này nếu không được giám sát, kiện toàn, sẽ gây không ít thiệt hại cho Nhà nước sau này. Năm 2012 đã được Chính phủ chọn là “Năm An toàn giao thông, năm chất lượng công trình” với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Dư luận hy vọng các công trình sẽ về đích đúng tiến độ nhưng trên hết là vì sự an toàn của người tham gia giao thông.

Sờ là thấy khiếm khuyết!

Thực hiện Quyết định số 2739/QĐ-BGTVT (ngày 30/11/2011) và Quyết định số 2903/QĐ-BGTVT (ngày 20/12/2011) của Bộ GTVT về việc kiểm tra chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT đã thành lập 6 đoàn công tác đi kiểm tra các công trình: Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc; dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội; dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; dự án Đường ô tô cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương; công trình Quốc lộ (QL) 48-2 đoạn Yên Lý – Nghĩa Thuận thuộc dự án WB4...

Thi công thảm bê tông nhựa mịn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Qua kiểm tra cho thấy, đối với các dự án QL48-2 đoạn Yên Lý- Nghĩa Thuận (Km0-Km20), Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, QL91B thành phố Cần Thơ..., các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát (TVGS) chưa thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án như: Thành phần cấp phối của lớp móng đá dăm không đạt yêu cầu, nhiều hạt nhỏ, độ chặt không đảm bảo, đặc biệt là chỉ số dẻo vượt quá sai số cho phép; nền đường đắp không đảm bảo độ chặt, nên khi đưa công trình vào khai thác sử dụng đã bị hư hỏng, đặc biệt là sự ảnh hưởng trực tiếp của nước ngầm tới công trình, khiến kết cấu mặt đường bị phá vỡ. Trong quá trình thi công và nghiệm thu, do các đơn vị TVGS và các Ban Quản lý dự án, nhà thầu sử dụng máy san để thi công lớp cấp phối đá dăm lớp trên (lớp nền), cộng với việc tổ chức thi công lớp mặt bê tông nhựa bị chia làm nhiều phân đoạn, với nhiều nhà thầu khác nhau, thiết bị thi công không đồng đều... đã tạo ra nhiều mối nối giữa các đoạn, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát độ bằng phẳng mặt đường, như đối với các dự án: đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Chưa hết, ở các dự án đường Láng - Hòa Lạc, TP Hồ Chí Minh- Trung Lương, hiện tượng lún mặt đường xảy ra đối với các đoạn nền đường thi công trên vùng đất yếu, mặc dù đã sử dụng các biện pháp xử lý đất yếu nhưng chưa có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để, trừ áp dụng giải pháp làm cầu vượt. Trong đó, khâu giải pháp xử lý của các đơn vị TVGS, thiết kế thi công còn tồn tại thể hiện tập trung tại các vị trí đường đầu cầu, khu vực xử lý nền đất yếu... Ngoài ra, hầu hết các công trình đều bộc lộ những tồn tại cố hữu trong giai đoạn thiết kế, thi công và chuyển giao công nghệ, như: Sử dụng kết cấu chưa phù hợp; giải pháp xử lý thoát nước chưa xác định đúng cao độ của tuyến đường; thiết kế hệ thống thoát nước không đồng bộ, dẫn đến đọng nước làm hư hỏng mặt đường; đánh giá công tác chuyển giao công nghệ chưa đúng, phụ thuộc chủ yếu vào việc thuê chuyên gia hướng dẫn thiết kế và thi công...

Đáng lưu ý là mặc dù đã phát hiện, nhưng các Ban Quản lý dự án và chủ đầu tư chậm khắc phục, kiểm định, đánh giá mức độ khiếm khuyết để kịp thời sửa chữa hoặc khắc phục không triệt để, dẫn tới phát sinh thêm nhiều hư hỏng mới, gây bức xúc dư luận, nhất là tại dự án đường ô tô cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương từ tháng 10/2010; QL48-2 từ năm 2008... Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng, công tác giám sát của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện chưa chặt chẽ, quá tin tưởng vào TVGS, tư vấn kiểm định, kể cả công tác nghiệm thu chất lượng sản phẩm, phó mặc cho TVGS, nên phát sinh những hệ lụy nêu trên.

Năm 2012 tiếp tục là năm chất lượng công trình

Tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của Bộ GTVT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra dẫn chứng: Một công trình nhỏ mà 2 - 3 năm, thậm chí 7 năm mới hoàn thành (trong khi không thiếu vốn). Do năng lực thi công hay do thể chế, chính sách chưa phù hợp, chưa chặt chẽ, nên mới xảy ra tình trạng này? Bộ GTVT tiến hành kiểm tra công trình giao thông trọng điểm nào thì công trình đó có vấn đề, từ năng lực quản lý đến thi công; thuê nhiều TVGS quốc tế, nhưng tình trạng “tư vấn ngoại, chất lượng nội” thường xuyên diễn ra, dẫn đến nhiều công trình sau khi hoàn thành xuống cấp nhanh...

Do đó, triển khai nhiệm vụ năm 2012, ngành GTVT cần phải tập trung xem xét lại về mặt thể chế chính sách, cơ chế quản lý nhà nước; cần phải hoàn thiện thể chế làm sao phân định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân. Đối với các công trình phải quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư, TVGS và đơn vị thi công, mới mong chất lượng công trình được nâng lên, công trình mới nhanh chóng hoàn thành đúng tiến độ. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành GTVT trong năm 2012 phải khắc phục những hạn chế, vấn đề còn tồn tại nói trên.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2012, Bộ GTVT tiếp tục xác định là “Năm chất lượng công trình” và đưa ra hàng loạt giải pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó tập trung thực hiện nhóm giải pháp liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và các cơ quan tham mưu; rà soát, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và chế độ chính sách; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia quá trình thực hiện dự án…

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, từ năm 2011- Năm chất lượng công trình, Bộ GTVT đã mổ xẻ, chấn chỉnh và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hàng loạt các chuyên đề sâu về chất lượng TVGS, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông; rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi mô hình của các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư và các Sở GTVT. Năm 2012 được xác định tiếp tục là năm chất lượng công trình, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng đề án quản lý, giám sát tiến độ, chất lượng, công tác bảo đảm giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường công trình xây dựng bằng công nghệ tin học để cập nhật kịp thời kết quả thực hiện của các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn theo quy định, cũng như xử lý nhanh các vấn đề liên quan. Riêng đối với các dự án có sự cố chất lượng công trình không đảm bảo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo cương quyết trên cơ sở xem xét, đánh giá nguyên nhân để khắc phục triệt để; đồng thời nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm chất lượng công trình.

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN