Có thể nói, việc thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát đã có những tác động tích cực đến một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Tăng thu nhập, giảm hộ nghèo
Trong 3 năm 2015, 2016, 2017, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6,68%, 6,21%, 6,81%. Riêng trong năm 2017, đã có 153.307 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập là 1.161.321.
Cũng trong 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên cả nước, góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo từ 15-20%. Tỷ lệ nghèo về thu nhập đã giảm nhanh trong suốt giai đoạn từ năm 1998–2016. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88 % năm 2015 xuống 9,2% năm 2016 và 7,69% năm 2017.
Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai trên toàn quốc và thu được kết quả khả quan. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 77% (năm 2015) lên 86,4% (năm 2017), tương đương với 78,2 triệu người.
Tỷ lệ người nghèo và cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế đạt 77% vào năm 2016. Số lượng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế không ngừng tăng từ 2.506.705 người (năm 2013) lên 2.839.568 (năm 2017), trong đó có 42.434 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.617.367 người cao tuổi, 1.006.923 người khuyết tật và 172.844 đối tượng khác, trong đó có người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo.
Các chương trình phát triển nông thôn đem lại kết quả tích cực, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn được cải thiện, với thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 18,6 triệu (năm 2012) lên khoảng 32 triệu (năm 2017).
Năng suất lao động xã hội trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng dần qua các năm. Đến cuối năm 2017, cả nước có 99,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng cao, địa hình phức tạp. 100% số xã và 97,8% số thôn đã được điện lưới quốc gia bao phủ; 99,7% số xã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hóa.
Năm 2017, cả nước có khoảng 1.641.000 lao động được tạo việc làm (tăng 1,5% so với năm 2016), tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (2,1-2,3%). Hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động yếu thế.
Năm 2017, Quỹ góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 lao động, 6 tháng đầu năm 2018, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 84.000 lao động, trong đó có 61.000 lao động nữ, 1.107 người khuyết tật, 4.502 người dân tộc thiểu số. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng (từ 9.219.753 người năm 2014 lên 11.954.740 người năm 2017).
Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh tăng liên tục trong giai đoạn 2002-2016, năm 2016 cả nước đạt 93,4%, trong đó khu vực thành thị đạt đến 99%.
Việt Nam đã chuyển hướng tiếp cận từ quản lý đơn ngành sang quản lý tổng hợp tài nguyên nước với việc đề xuất thành lập 6 Ủy ban lưu vực sông và triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với Ủy ban sông Mê Công các quốc gia thành viên thuộc Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
Những ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm sức khỏe cho người dân. Năm 2015 Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về tử vong mẹ, giảm 3/4 so với tỷ lệ năm 1990.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững xuống còn 13,8% vào năm 2016. Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi tiếp tục giảm, vào năm 2015 là 24,4%, đến năm 2016 giảm còn 24,1%.
Bảo đảm quyền giáo dục tiếp tục được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển. Mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế, Nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục.
Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2014/NĐ-CP về Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Với những nỗ lực đó, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15-35 và từ 15-60 tuổi của toàn quốc lần lượt là 97,92% và 97,35%.
Năm học 2017-2018, cả nước có 23.025.299 học sinh, sinh viên, trong đó 5,3 triệu trẻ em bậc mầm non, 8 triệu học sinh tiểu học, 5,4 triệu học sinh trung học cơ sở, 2,5 triệu học sinh trung học phổ thông và 1,8 triệu sinh viên cao đẳng, đại học.
Cả nước có 235 trường đại học và 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được triển khai mạnh mẽ. Cho tới tháng 3/2018, trên 570.000 hộ nghèo khu vực nông thôn được hỗ trợ về nhà ở; trên 14.000 hộ nghèo khu vực miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng chống bão, lụt; 982 dự án với quy mô 190.841 hộ thuộc chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng Sông Cửu Long được hoàn thành; 100 dự án nhà ở công nhân với tổng quy mô 41.000 căn hộ được hoàn thành và đang tiếp tục triển khai 72 dự án với quy mô khoảng 88.000 căn hộ; có 89/95 dự án nhà ở cho sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí nơi ở cho khoảng 220.000 sinh viên, 6 dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện.84 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành, quy mô khoảng 33.700 căn hộ, 134 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô gần 81.000 căn hộ.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu xây dựng tối thiểu 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở vào năm 2020.
Bài cuối: Con người là trung tâm mọi chính sách phát triển